Sau cuộc chạy đua tăng trưởng trong một thị trường bùng nổ, nhiều công ty công nghệ hiện đang phải "củng cố lại", đó là một trong những lý do của việc sa thải hàng loạt trong thời gian gần đây.
>>>Khi Shopee “thắt lưng buộc bụng”
Tại Mỹ, hơn 35.000 công nhân đã bị cho thôi việc trong sáu tháng qua, theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi tình trạng sa thải công nghệ. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ đã cắt giảm nhân sự trong năm nay bao gồm Coinbase, Peloton, Netflix và Paypal.
“Gã khổng lồ” xe điện Tesla đã sa thải giám đốc quốc gia Singapore Christopher Bousigues sau khi CEO Elon Musk cảnh báo rằng công ty có thể sẽ cắt giảm 10% việc làm trên toàn thế giới do lo ngại về một cuộc suy thoái sắp tới.
Sàn giao dịch tiền điện tử Crypto.com đã cắt giảm 260 nhân viên tương đương 5% lực lượng lao động của công ty khi thị trường tiền tệ kỹ thuật số sụt giảm, trong khi công ty quản lý tài sản kỹ thuật số lớn nhất ở Singapore, Stashaway cũng sa thải hàng loạt nhân viên trên 5 thị trường.
Trong khi đó, tại Đông Nam Á, sàn giao dịch điện tử Shopee đang theo đuổi việc cắt giảm nhân sự trên khắp các thị trường, bao gồm cả ở Việt Nam. Công ty được cho là đã trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu và tập trung hơn vào lợi nhuận thay vì “đốt tiền mặt”.
Bên cạnh đó, Shopee cũng được cho là đang cắt giảm nhân sự ở Mexico, Argentina và Chile, cũng như một đội xuyên biên giới hỗ trợ thị trường Tây Ban Nha. Đã có lúc, SEA, công ty mẹ của Shopee, là công ty giá trị nhất Đông Nam Á, trước khi định giá của họ bị sụp đổ sau đợt bán tháo công nghệ của Mỹ. Trong những tháng gần đây, Shopee đã rút khỏi Ấn Độ và Pháp, đồng thời đóng cửa thử nghiệm giai đoạn đầu ở Tây Ban Nha.
>>>Tâm sự của startup về cắt giảm nhân sự thời COVID-19
>>>Làn sóng sa thải tấn công lĩnh vực công nghệ của Bắc Mỹ
Điều gì khiến các công ty “trảm” nhân sự?
Người phát ngôn của StashAway cho biết trong vài tháng qua, tình hình kinh tế thế giới đã "thay đổi đáng kể và đột ngột, với cuộc chiến chống lạm phát làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu. Đồng thời, sự thay đổi đó đã tác động đến thị trường vốn đại chúng, với các công ty công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt. Tác động này đã ảnh hưởng đến StashAway và công ty phải đi trước các động lực thị trường".
Trong khi một số nhà phân tích cũng cho rằng, nhiều công ty trong số này mở rộng rất nhanh trong thời kỳ đại dịch, và hiện đang phải "củng cố lại” trước một cuộc suy thoái dự kiến. Đồng thời, thanh khoản đang cạn kiệt và khi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ngày càng khó đảm bảo hơn, các công ty khởi nghiệp gặp khó.
Có thể thấy, trong phạm vi những đợt sa thải này trên bình diện chung là các công ty toàn cầu, tuy nhiên Đông Nam Á cũng không tránh khỏi hệ lụy. Và đặc biệt, không ai biết triển vọng cắt giảm nhân sự này sẽ kéo dài bao lâu. Điều quan trọng là các công ty phải biết cách điều chỉnh các ưu tiên của họ đối với bối cảnh thay đổi này.
Theo bà Yorlin Ng, COO của Momentum Works, một công ty xây dựng và quản lý các dự án công nghệ của Singapore, cho biết: "Trong một thị trường bùng nổ nơi vốn rẻ, mọi người đều chạy đua để tăng trưởng vì nếu họ không làm như vậy, đối thủ sẽ lấn lướt. Nhưng, khi tâm lý thị trường thay đổi, một số công ty buộc phải cắt giảm và ảnh hưởng đến tăng trưởng của họ; một số thận trọng chuẩn bị cho tương lai không thể đoán trước; trong khi một số người khác có thể chỉ sử dụng các yếu tố bên ngoài như một cái cớ tốt hơn để cắt giảm chi phí”.
Trên thực tế, các công ty trên thị trường đại chúng Mỹ đang nắm giữ lượng tiền mặt dự trữ đáng kể và có thể vượt qua làn sóng này một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ giai đoạn đầu cũng sẽ ít có tác động khi các nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực đã tích trữ đủ tiền mặt cho cuộc khủng hoảng.
Nhưng, thách thức thực sự sẽ dành cho các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng, nơi khả năng sinh lời vẫn còn rất xa và cần có những điều chỉnh tổ chức đáng kể để chuyển đổi cơ cấu, COO của Momentum Works cho biết.
Nhìn chung, các chuyên gia phân tích đều cho rằng, làn sóng sa thải này ảnh hưởng đến thị trường việc làm là hạn chế, và suy cho cùng, đây có thể không phải là một điều tồi tệ đối với xã hội. Khi các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm rời khỏi các công ty, họ thành lập công ty của riêng mình hoặc tham gia vào các công ty trong các lĩnh vực khác, đó sẽ là động lực thúc đẩy sự đổi mới.
Có thể bạn quan tâm