Nghiên cứu - Trao đổi

Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Đâu là giải pháp hữu hiệu?

Gia Nguyễn 04/05/2025 04:30

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, không ít ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp hữu hiệu...

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Người tiêu dùng chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm truyền thống sang mua hàng online, thông qua các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop,...

chong-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-3.5.2.jpg
Tốc độ tăng trưởng nhanh cùng khả năng ẩn danh của người bán đã khiến thương mại điện tử trở thành “thiên đường” của hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, chính tốc độ tăng trưởng nhanh cùng khả năng ẩn danh của người bán đã khiến môi trường này trở thành “thiên đường” của hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Thực tế, số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (nay là Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước) cho thấy, trong năm 2024 đã, lực lượng này đã kiểm tra, xử phạt 3.124 vụ việc vi phạm trên các sàn thương mại điện tử với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2023.

Đặc biệt, có 1.290 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những sản phẩm bị làm giả phổ biến gồm mỹ phẩm, quần áo, đồng hồ, giày dép, thực phẩm chức năng - tất cả đều là những mặt hàng có giá trị thương hiệu cao, dễ bị sao chép.

Không chỉ có vậy, ngay thời gian gần đây, lực lượng chức năng cũng đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu, doanh nghiệp nổi tiếng. Và từ các vụ việc đã cho thấy, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với quy mô, tốc độ ngày càng lớn, khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý.

chong-hang-gia-tren-thuong-mai-dien-tu-3.5.1.jpg
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không ít ý kiến cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc là tối ưu - Ảnh minh họa: ITN

Trước hiện trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, để đối phó với hàng giả, hàng nhái trên thị trường, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc được xem là tối ưu trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Võ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm mà còn tạo dựng lòng tin với khách hàng, giảm rủi ro bị nhái thương hiệu. Việc ứng dụng công nghệ xác thực không chỉ cần sự chủ động từ doanh nghiệp mà còn phải được phổ cập đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

“Đây sẽ là “hàng rào mềm” nhưng vô cùng hiệu quả để ngăn chặn dòng hàng giả, góp phần làm sạch môi trường kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Lương Minh Huân cũng nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Theo ông Huân, truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm, các chuỗi cung ứng liên quan, góp phần hỗ trợ hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất khi đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp hạn chế tình trạng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc cũng giúp ngăn chặn việc sao chép không hợp pháp và sản xuất hàng giả. Các thông tin chi tiết về nguồn gốc và quá trình sản xuất giúp phân biệt sản phẩm chính hãng với hàng giả.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần một chiến lược quốc gia về truy xuất nguồn gốc thông minh. Trong đó, cần tích hợp các công nghệ mới - đặc biệt là RFID, blockchain và AI - trong một kiến trúc hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp lớn đến hộ sản xuất nhỏ, đồng thời, chuẩn hóa dữ liệu và hạ tầng mã số, mã vạch quốc gia, có thể liên kết với các nền tảng khu vực ASEAN, thúc đẩy xuất khẩu và thương mại số hóa xuyên biên giới giúp lưu thông hàng hóa các nước trong khu vực.

Được biết, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây nhức nhối dư luận thời gian gần đây, ngày 02/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.

Tại Công điện này, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ phối hợp các cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chống hàng giả trên thương mại điện tử: Đâu là giải pháp hữu hiệu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO