Trước diễn biến phức tạp, tinh vi của vấn nạn hàng giả, hàng nhái những năm qua, theo chuyên gia, để ngăn chặn, cần tăng cường giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…
Theo thống kê của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, năm 2024, đã phát hiện 47.135 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa đến 425 tỷ đồng (tăng 23% so với 2023). Trong đó, hàng bị tịch thu là 220 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng, số vụ vi phạm trong thương mại điện tử (tăng 266%).
Thực tế thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ không ít vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quy mô lớn, vấn nạn này không chỉ làm xói mòn niềm tin và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Mới đây, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Gần 600 nhãn hiệu bị làm giả, đóng gói, dán tem như hàng thật và nhắm đến tệp khách hàng là trẻ em, người cao tuổi.
Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ việc cho thấy hàng giả, hàng nhái đang len lỏi khắp thị trường, từ chợ truyền thống cho đến các sàn thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, sao chép mẫu mã, giả tem, mã vạch, thậm chí cả mã QR truy xuất… khiến người tiêu dùng ngày càng hoang mang và mất niềm tin.
Trong bối cảnh các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe, chính sách bảo hộ thương mại ngày càng nhiều, nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, sẽ không chỉ đe dọa ảnh hưởng đến thị trường nội địa, mà còn đe dọa đến uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu…
Và trước thực tế đã nêu, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chuyên gia cho rằng, cần tăng cường giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo TS Trịnh Bá Dương – chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia, đại diện Techfest, trên thực tế trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp về chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng tem chống hàng giả, mã vạch, mã QR… tuy nhiên, vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi hơn, có tinh chất hệ thống và quy mô rất lớn.
“Tình trạng làm giả hiện nay không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống (tem nhãn, mã vạch đơn thuần) không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Chúng ta cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa”, ông Dương đánh giá.
Vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp có thể kết hợp cả ba công nghệ RFID – Blockchain – AI để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Trong đó, RFID hạn chế tối đa khả năng làm giả vật lý, đồng thời cho phép tự động hoá khâu kiểm tra, kiểm kê, vận chuyển, lưu kho. Với blockchain, không ai có thể can thiệp hay sửa đổi thông tin. Cuối cùng là AI, công nghệ có thể dự đoán khả năng gian lận hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng thông qua học máy (machine learning) và các thuật toán nhận diện hành vi.
“Sự kết hợp ba công nghệ này tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch và tự động hóa, đủ sức đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm tiêu dùng, hệ thống này hoàn toàn có thể triển khai trong các lĩnh vực như y tế, dược phẩm, nông sản, logistics, thủy sản và cả thương mại điện tử xuyên biên giới”, vị này bày tỏ.
Đồng thời, viện dẫn việc Thái Lan đã bắt đầu ứng dụng RFID kết hợp Blockchain trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, giúp theo dõi toàn bộ hành trình trái cây từ vườn đến cửa khẩu. Singapore đang triển khai nền tảng dùng AI để giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng.
Đại diện Techfest đề xuất, trong khuôn khổ định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cần tích hợp các công nghệ mới trong một kiến trúc hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp lớn đến hộ sản xuất nhỏ…
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cũng cho biết, cả nước đang thực hiện chương trình chuyển đổi số với 3 mục tiêu cơ bản là phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển Kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Do đó, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu.
Theo ông Thọ, hiện nay, các nước, các bên đều có quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để phục vụ cho việc áp mức thuế. Đối với Việt Nam, để các sản phẩm hàng hóa giữ vững được vị thế và phát triển thêm thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng.
“Do đó, doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn, doanh nghiệp phải đáp ứng đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng, mẫu mã, giá… trên hết, cần có giải pháp để đưa đến tay người tiêu dùng hàng thật của doanh nghiệp, lúc đó, người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm của mình”, ông Thọ nhấn mạnh.