Đó là dự án đầu tư tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ Vinfast với quy mô sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm/năm.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa đồng ý với chủ trương thực hiện Dự án đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ Vinfast của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast tại xã Văn Phong và xã Nghĩa lộ, huyện Cát Hải.
Mục tiêu của dự án là sản xuất công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô và các loại xe khác. Dự án có quy mô sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm các loại/năm, với diện tích khoảng 48ha.
Để sớm đưa dự án hoạt động, ngay trong quý III/2019 đến quý I/2020 sẽ triển khai các thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; từ quý II/2020 đến quý III/2022 sẽ triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhà máy và các công trình khác. Dự kiến, theo tiến độ đề ra thì đến quý IV/2022 dự án sẽ được hoàn thiện và đưa vào kinh doanh khai thác.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, dự án phù hợp với định hướng và giải pháp phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời dự án cũng thuộc lĩnh vực công nghiệp được khuyến khích đầu tư và ưu tiên phát triển theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup đã từng nhận định, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng với quy mô và mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó.
Theo đó, VinFast đã dành riêng khoảng 30% cho Khu công nghiệp hỗ trợ ngay trong diện tích 335 ha của tổ hợp VinFast tại Hải Phòng nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam. Các hình thức đầu tư VinFast hướng đến bao gồm: Liên doanh với tỷ lệ góp vốn linh động; Nhà đầu tư có thể đầu tư 100% vốn, VinFast cung cấp mặt bằng nhà xưởng; VinFast đầu tư 100% vốn.
Có thể bạn quan tâm
19:45, 27/11/2019
16:00, 21/11/2019
15:48, 18/11/2019
Với các mô hình hợp tác đầu tư như đã kể trên, hiện tại đã có 8 đối tác đồng hành cùng VinFast xây dựng 9 nhà xưởng sản xuất linh kiện ô tô tại đây, điển hình là những công ty danh tiếng trong ngành công nghệ phụ trợ châu Âu như ZF, Lear, Faurecia… để sản xuất ra các sản phẩm động cơ, thân vỏ cùng những cụm linh kiện khác được nội địa hóa đa dạng và đạt chất lượng cao như hộp số, khung gầm và các chi tiết vỏ xe, các chi tiết nội thất và ngoại thất nhựa, ghế, tấm trần, trụ lái...
Đối với xe máy điện, ngoài 3 linh kiện nhập khẩu như động cơ, pin và hệ điều hành thì toàn bộ các linh kiện còn lại đã được VinFast nội địa hóa thông qua việc hợp tác với 34 nhà cung cấp tại Việt Nam ngay thời điểm bắt đầu sản xuất vào tháng 11/2018. Và sắp tới đây, một chi tiết quan trọng của dòng xe máy và ô tô điện đó là Pin cũng sẽ được nội địa hóa tại nhà máy sản xuất đóng gói Pin, thông qua liên doanh với LG Chem, một công ty công nghệ Pin hàng đầu thế giới.
Ông Đỗ Hữu Hào - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển vững chắc trong tương lại và Việt Nam dần dần sẽ hình thành tổ hợp những nhà máy sản xuất ô tô đáp ứng nhu cầu nội địa.