Apple, Intel, google… những người khổng lồ của Mỹ đang “xem xét” về việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Minh chứng cho xu hướng này có thể kể đến như việc mới đây, ông Bob Swan – CEO Tập đoàn Intel cho biết, tập đoàn Intel đang xem xét chuỗi cung ứng toàn cầu của mình trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Không chỉ có Intel mà ngay cả Apple, khi thông tin trên Bloomberg cũng cho biết rằng, doanh nghiệp này đã có kế hoạch dự phòng nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang. Đó là Apple sẽ nói lời "chia tay" với Bắc Kinh. Trong khi đó, một đối tác của Apple - một trong những mắt xích cung ứng quan trọng đó là Tập đoàn công nghệ Foxconn có trụ sở tại Đài Loan đã khẳng định rằng, họ có đủ năng lực để thực hiện các chi tiết liên kiện hoàn thiện cho một chiếc điện thoại iPhone bên ngoài Trung Quốc.
Bloomberg cũng thông tin rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, các hãng tư vấn của Mỹ hiện đang nhận nhiều đơn hàng của doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp muốn biết rằng doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia của Trung Quốc có rơi vào tầm ngắm của Mỹ hay không để tránh "vết xe đổ" của Huawei. Trong đó những cái tên như Hikvision - nhà sản xuất thiết bị theo dõi hay hãng sản xuất nhiều thiết bị điện tử gia dụng Xiaomi.
Đáng chú ý, theo kết quả được chỉ ra do Hãng tư vấn Bain vừa thực hiện một khảo sát với hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, 42% cho biết sẽ tìm mua nguyên vật liệu từ nước khác trong năm tới, 25% nói đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Báo cáo này cũng lý giải, trước đây khi xung đột còn dừng ở mức đánh thuế qua lại, doanh nghiệp Mỹ còn dè chừng không muốn cắt đứt mối quan hệ cung ứng đã hình thành từ lâu và sẵn sàng chịu thuế cao một thời gian. Nhưng nay quy mô cuộc xung đột mở rộng, đa số phải xem lại chiến lược tổ chức chuỗi cung ứng của mình.
Bên cạnh đó, phân tích rõ hơn về xu hướng chuyển dịch của các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia (CNC) hay thậm chí là cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc, ông Terry Gou - Chủ tịch Tập đoàn Foxconn đã cho biết rằng, Mỹ sẽ cố gắng nhanh chóng và bằng mọi giá xây dựng chuỗi cung ứng riêng cho mình và do đó thị trường của cả hai nước sẽ có những thay đổi tận gốc rễ trong thời gian tới.
Đồng thời, cũng theo vị này, dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có "hạ nhiệt" thì hai bên cũng sẽ tiếp tục ganh đua về công nghệ, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nên sự thay đổi này là lâu dài.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 20/04/2019
00:02, 17/04/2019
12:49, 02/04/2019
00:10, 04/04/2019
04:28, 14/12/2018
04:09, 03/11/2018
Doanh nghiệp Việt "bắt" cơ hội
Được biết, các nhà sản xuất đồ điện tử thường có chuỗi cung ứng rất độc đáo: con chip có thể được làm ở Texas xong chở sang Mexico để gắn vào bo mạch sản xuất ở Trung Quốc, kèm với các tụ điện làm ở Việt Nam. Như vậy, trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử Việt Nam cũng đang là một mắt xích quan trọng.
Theo đó, các chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam nổi lên như một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với những lợi thế chiến lược.
Cụ thể, theo phân tích của GS.TSKH Nguyễn Mại khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đã cho biết: Chiến tranh thương mại Mỹ Trung không chỉ một vài mà hàng trăm xí nghiệp phải chuyển về nước như Mỹ hoặc chuyển sang các nước khác như Việt Nam – một trong những nước đầu tiên được lựa chọn.
"Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam “há miệng chờ sung” mà câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam được lựa chọn", GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Theo đó, GS.TSKH Nguyễn Mại phân tích, trong mấy năm gần đây các nhà đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam nổi lên như một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Trước hết là trong lúc thế giới hỗn loạn như vậy Việt Nam ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Mặc dù, trước đây Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nóng, tuy nhiên mấy năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại, thì Việt Nam vẫn tăng trưởng tương đối nhanh khoảng hơn 7% trong năm 2018. Năm 2019 dự báo khiêm tốn tăng trưởng Việt Nam sẽ đạt 6,7-6,8%. Đó là mức tăng trưởng cao so trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, "mặc dù các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn ở thủ tục hành chính, quản lý nhà nước, tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận Chính phủ đang đi đúng hướng, cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục phiền hà, cải cách bộ máy nhà nước, cùng với đó là thông qua việc sửa đổi hàng loạt các Luật", GS.TSKh Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết hàng loạt FTA mới với các đối tác quan trọng như CPTPP, ASEAN – Hong Kong, và EVFTA sắp sửa thông qua… những hiệp định này tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hoá đi các thị trường này thuận lợi hơn, khi thuế suất bằng 0%, trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Mỹ áp thuế đối với tất cả hàng hoá Trung Quốc lên tới 25%.
Như vậy xuất khẩu đi từ Việt Nam là có lợi, đặc biệt là các nước đang có nhà máy tại Trung Quốc và cả các xí nghiệp bản địa của Trung Quốc hiện nay đang xuất hàng sang Mỹ cân nhắc nếu chuyển sang các nước như Việt Nam mà gắn với xuất xứ 70% từ Việt Nam thì sẽ được hưởng thuế xuất khẩu là 0%, hơn hẳn so với Trung Quốc.
Với những lợi thế như vậy, Việt Nam hoàn toàn phù hợp là điểm đến đầu tiên của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.