Nghiên cứu - Trao đổi

Hơn 50% hộ kinh doanh loay hoay với hóa đơn điện tử

Nguyễn Giang 14/07/2025 04:00

Gần một nửa hộ kinh doanh vẫn chưa được hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử. Sự chuyển đổi đang dở dang, nếu không kịp khắc phục sẽ gây đứt gãy cả hệ thống…

Cuối tháng 6/2025, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với gần 1.400 hộ kinh trên toàn quốc đã chỉ ra một con số: trên 50% hộ chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ cụ thể nào từ cơ quan thuế địa phương trong quá trình áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử do hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phát hành từ máy tính tiền.

chuyen-doi-hoa-don-dien-tu-nua-chang-duong-con-bo-ngo-2(1).jpg
Gần một nửa hộ kinh doanh vẫn chưa được hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử. Sự chuyển đổi đang dở dang, nếu không kịp khắc phục sẽ gây đứt gãy cả hệ thống. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Giang

Hộ kinh doanh vẫn "mơ hồ" về hóa đơn điện tử

Đáng chú ý, dù có tới 94% hộ biết quy định mới, nhưng chỉ 11% hiểu rõ, còn lại là hiểu mơ hồ hoặc hoàn toàn không nắm được nghĩa vụ của mình. Các ngành có tỷ lệ chưa được hỗ trợ cao nhất là dịch vụ ăn uống, bán lẻ và hộ tại vùng ven, nông thôn, nơi năng lực tiếp cận công nghệ còn nhiều hạn chế.

Không chỉ thiếu hiểu biết pháp lý, nhiều hộ còn e ngại chi phí đầu tư ban đầu, vận hành khó khăn và rủi ro bị xử phạt nếu làm sai. Theo khảo sát, 73% lo sợ kiến thức công nghệ hạn chế, 37% không đủ khả năng mua thiết bị máy tính tiền, 53% thấy thủ tục quá rối rắm, và hơn 60% lo doanh thu bị kiểm soát quá chặt khiến lợi nhuận sụt giảm.

Thực tế, nhiều hộ kinh doanh đã buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển sang giao dịch tiền mặt để né tránh quy định. Điều này tạo ra một nghịch lý: thay vì khuyến khích minh bạch, chính sách lại vô tình đẩy một bộ phận kinh doanh nhỏ lẻ ra ngoài lề số hóa.

Không thể để chính sách đi trước, hỗ trợ đi sau

Vậy vì sao chính sách đúng nhưng thực thi lại vướng? Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở nhận thức của hộ kinh doanh, mà còn ở cách thiết kế và triển khai quy định.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhận định, việc hộ kinh doanh gặp khó khăn trong triển khai hóa đơn điện tử là hệ quả của cách tiếp cận thiếu tính dự liệu đồng bộ trong chính sách.

“Chúng ta đang có tình trạng chính sách pháp luật đi quá nhanh, nhưng lại thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ song hành. Khi Nghị định đã có hiệu lực, mà hơn 50% hộ kinh doanh chưa được hướng dẫn cụ thể, thì lỗi không nằm ở người thực hiện, mà thuộc về bộ máy thực thi”, ông Biên nhận định.

chuyen-doi-hoa-don-dien-tu-nua-chang-duong-con-bo-ngo-3.jpg
Luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La. Ảnh: Nguyễn Giang

Luật sư Biên cho rằng, với quy mô hơn 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước, việc triển khai hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu, nhằm minh bạch doanh thu, giảm thất thu thuế và thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, với đặc thù của hộ kinh doanh: nhỏ lẻ, linh hoạt, ít năng lực công nghệ… thì phải có chính sách phân loại theo nhóm nguy cơ và năng lực.

“Không thể áp cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật cho quán bún nhỏ và chuỗi cà phê lớn. Hộ kinh doanh không thể trở thành “doanh nghiệp thu nhỏ” về nghĩa vụ thuế nếu thiếu cơ chế hỗ trợ thực chất”, luật sư Biên nói.

Bên cạnh đó, luật sư Biên cũng cảnh báo, nếu không điều chỉnh sớm, có thể xuất hiện tình trạng chống đối ngầm, khai man doanh thu, xuất hóa đơn khống hoặc bỏ hóa đơn… khiến mục tiêu minh bạch hóa bị phản tác dụng. Vì vậy, bên cạnh việc phổ biến chính sách, cơ quan thuế cần công khai đường dây nóng, bố trí nhân sự chuyên trách tại từng địa bàn và phối hợp chặt với nhà cung cấp phần mềm để hỗ trợ tận nơi, theo lộ trình ưu tiên.

Ở góc nhìn thể chế, Luật sư Biên cũng đề xuất phải điều chỉnh lại quy định pháp luật theo hướng: Cho phép miễn xử phạt vi phạm lần đầu trong vòng 1 - 2 năm đầu áp dụng hóa đơn điện tử, giúp các hộ tiếp cận công cụ chuẩn hóa mà không bị ép buộc mua dịch vụ bên ngoài; Nghiên cứu áp dụng cơ chế “đơn giản hóa nghĩa vụ kê khai”, đặc biệt với hộ nộp thuế khoán dưới một ngưỡng nhất định.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cũng nhận định, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là chủ trương đúng. Nhưng đúng không có nghĩa là dễ. Và càng không thể đồng nghĩa với việc mặc định rằng hộ kinh doanh nào cũng đủ điều kiện để thực hiện suôn sẻ.

Theo luật sư Hiệp, sự chuyển đổi không thể chỉ diễn ra trên văn bản, nó cần thực thi trên từng hộp cơm văn phòng, từng gánh hàng rong, từng sạp chợ nhỏ… Do vậy, nếu chính sách không “chạm đất”, thì mục tiêu số hóa toàn diện vẫn chỉ là kỳ vọng treo lơ lửng.

“Một cuộc cải cách thực sự chỉ thành công khi nó không chỉ tạo ra luật, mà còn tạo ra điều kiện để người dân tuân thủ luật. Và trong công cuộc này, hộ kinh doanh, một lực lượng tạo sinh kế cho hàng triệu người Việt không thể bị bỏ lại phía sau”, luật sư Hiệp chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hơn 50% hộ kinh doanh loay hoay với hóa đơn điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO