Đề xuất bắt buộc hộ kinh doanh từ 200 triệu đồng/năm dùng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đang gây tranh cãi vì quá bao trùm và chưa đồng bộ pháp lý…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, trong đó đề xuất từ năm 2027, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng/năm sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình chuyển đổi số lĩnh vực thuế, với mục tiêu kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh cá thể và chống thất thu ngân sách.
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, khi ngưỡng 200 triệu đồng/năm bị đánh giá là quá thấp, dễ gây áp lực đồng loạt lên hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vốn chưa sẵn sàng về hạ tầng công nghệ cũng như kiến thức số.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nếu áp ngưỡng 200 triệu/năm, gần như toàn bộ nhóm hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, tạp hóa, sửa xe, quán nước… ở khu vực đô thị đều thuộc diện điều chỉnh. Thậm chí, nhiều hộ ở nông thôn cũng không tránh khỏi.
Vấn đề lớn nằm ở năng lực thực thi. Việc trang bị máy tính tiền có kết nối internet, phần mềm xuất hóa đơn, chữ ký số... đòi hỏi chi phí hàng triệu đồng. Với hộ có quy mô siêu nhỏ, thu nhập bấp bênh, đây là một gánh nặng không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ một quán bún nhỏ trên phố Kim Liên (Phường Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ, bình quân mỗi ngày quán bà Hoà bán được khoảng 700 đến 800 nghìn, trừ chi phí lời lãi chẳng bao nhiêu. “Giờ mà bắt mua máy tính tiền, học cách dùng phần mềm, ký số… thì chắc nghỉ luôn còn hơn”, bà Hoà nói.
Còn tại xã Sóc Sơn, thành Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cường – chủ tiệm sửa xe máy đã hơn 15 năm cũng bày tỏ sự hoang mang. “Tôi chỉ có một cái tủ đồ nghề, vài cái kích, cái bơm… làm từ sáng đến tối mới được vài trăm ngàn. Chủ yếu là vá săm, thay dầu, sửa lặt vặt cho bà con quanh xã. Giờ nghe nói phải mua máy tính tiền, có kết nối mạng, ký số… thì tôi không hình dung nổi phải bắt đầu từ đâu. Tôi năm nay ngoài 60 rồi, chẳng rành điện thoại cảm ứng, nói gì đến phần mềm hay hóa đơn điện tử”, ông Cường lắc đầu.
Không chỉ là gánh nặng chi phí, rào cản công nghệ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Nhiều hộ kinh doanh do người lớn tuổi vận hành, trình độ công nghệ hạn chế. Việc bắt buộc họ phải sử dụng thiết bị số có thể gây ra tâm lý “bị ép”, dẫn đến phản ứng ngược, từ chối đăng ký kinh doanh, hoặc “lách” bằng cách chia nhỏ doanh thu để né ngưỡng.
Bình luận về đề xuất này, không ít chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chính sách triển khai đồng loạt mà thiếu hỗ trợ, có thể dẫn tới tâm lý bất mãn trong một bộ phận người dân, đặc biệt khi họ cảm thấy bị kiểm soát trong khi “những ông lớn trốn thuế vẫn ung dung ngoài cuộc”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp từ góc độ pháp lý, một số chuyên gia cho rằng đề xuất này tuy có mục tiêu đúng, nhưng đang “chạy nhanh hơn hành lang pháp lý hiện hành”.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN nhận định, theo Luật Quản lý thuế, các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 300 triệu đồng/năm chủ yếu nộp thuế khoán, không bắt buộc lập hóa đơn định kỳ, trừ khi người mua yêu cầu. Việc buộc phải dùng máy tính tiền, lập hóa đơn tự động cho từng giao dịch là mở rộng nghĩa vụ, cần có cơ sở pháp lý đủ vững chắc.
Ông Hiệp nhấn mạnh, nếu chỉ quy định bằng nghị định mà chưa có điều chỉnh ở cấp luật, thì rất dễ dẫn tới khiếu kiện hành chính. “Một chính sách thuế mới, nhất là chính sách có thể gây bất lợi hoặc thay đổi quyền và nghĩa vụ của người dân, phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không thể tùy tiện mở rộng bằng thông tư hay nghị định nếu chưa có luật cho phép”.
Ngoài ra, luật sư Hiệp cũng cho rằng cần đánh giá kỹ tác động xã hội. “Chúng ta không thể áp dụng một tiêu chuẩn quản lý như doanh nghiệp lớn cho nhóm hộ siêu nhỏ. Điều này trái với nguyên tắc quản lý rủi ro trong thuế – vốn là nền tảng pháp lý hiện đại toàn cầu”.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cảnh báo thêm về tính khả thi và tính nhân văn của chính sách.
“Dễ nhận thấy chính sách này được thiết kế chủ yếu dựa trên năng lực quản lý và mong muốn số hóa của cơ quan thuế, nhưng chưa thực sự xuất phát từ điều kiện thực tế của hộ kinh doanh”, luật sư Luân nhận định.
Ông Luân cho rằng, với nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có hạ tầng internet ổn định, việc triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền là điều “gần như bất khả thi”. Nếu vẫn bắt buộc áp dụng mà không có gói hỗ trợ cụ thể (thiết bị, tập huấn, chi phí duy trì...), thì có thể gây ra tình trạng “cưỡng chế trên giấy, thất bại trên thực tế”.
“Đã có rất nhiều chính sách được ban hành với mục tiêu tốt, nhưng lại thất bại vì thiết kế không tính đến năng lực hấp thụ của người dân. Điều cần nhất lúc này là lộ trình hợp lý, không phải mệnh lệnh hành chính”, luật sư Luân nêu quan điểm.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, thì việc nâng chuẩn quản lý hộ kinh doanh là hợp lý. Tuy nhiên, không thể "dội nước lạnh" vào hàng triệu người dân bằng các yêu cầu công nghệ mà chính họ không đủ khả năng tiếp cận.
Một chính sách hiệu quả không chỉ dựa vào công nghệ, mà phải bắt đầu từ sự hiểu người dân, chia sẻ gánh nặng, và trao quyền thay vì áp đặt. Nếu không, mục tiêu chống thất thu thuế sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: áp lực – phản kháng – né tránh – thất bại.