Bỏ thuế khoán là bước đi đúng để minh bạch hóa thu nhập hộ kinh doanh. Nhưng nếu thiếu hỗ trợ đồng bộ, quá trình chuyển đổi sẽ gặp nhiều lực cản…
Việc loại bỏ hình thức nộp thuế khoán đang được xem là một trong những bước cải cách quyết liệt của ngành tài chính. Về nguyên tắc, đó là cách để minh bạch hóa dòng thu, bảo đảm tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các thành phần kinh tế. Không thể để một hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vẫn chỉ đóng vài trăm nghìn đồng thuế khoán cố định.
Thay vì nộp thuế theo con số ước đoán, các hộ kinh doanh buộc phải kê khai doanh thu thực tế, sử dụng hóa đơn điện tử và tuân thủ các quy định về kế toán – thuế. Đây là bước đi thể hiện rõ tinh thần chuyển từ “thuận tiện cho quản lý” sang “bình đẳng cho người nộp”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho biết, việc bỏ thuế khoán lại đang đặt nhiều hộ kinh doanh nhỏ vào tình thế khó xử. Đã quen vận hành theo kiểu đơn giản, nộp thuế một lần, không ghi sổ, không máy móc, nay họ phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới mà không được chuẩn bị kỹ về kỹ năng, công cụ hay tâm lý.
Nhiều người không biết bắt đầu từ đâu, cũng không biết hỏi ai. Từ việc đăng ký mã số thuế, mở tài khoản ngân hàng, đến sử dụng phần mềm xuất hóa đơn, ghi chép sổ sách… tất cả đều là lần đầu. Áp lực không nằm ở quy định mà nằm ở khoảng trống hỗ trợ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia cũng cho rằng, sự chuyển động của chính sách là rất nhanh, nhưng năng lực thích nghi của người thực thi thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Không có một tổ chức trung gian nào “cầm tay chỉ việc”, không có mẫu biểu đơn giản hóa, không có cơ chế “hướng dẫn thay vì xử phạt”, khiến không ít hộ kinh doanh chọn cách co lại hoặc rút khỏi thị trường.
Vấn đề không nằm ở sự đúng, mà nằm ở độ chênh giữa cải cách và khả năng hấp thụ. Khi chính sách được thiết kế như một đường cao tốc, nhưng người thực hiện vẫn chỉ đi xe máy, thì lỗi không thuộc về tốc độ mà là thiếu làn hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, bỏ thuế khoán chỉ là bước đầu. Để hộ kinh doanh có thể chuyển đổi thuận lợi, vẫn cần một hệ thống chính sách đồng bộ, từ miễn giảm thuế tạm thời, hỗ trợ phần mềm, đến tạo dựng niềm tin rằng minh bạch là có lợi.
Theo nhận định của TS Nguyễn Ngọc Tú – giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trước đây, Bộ Tài chính từng triển khai chương trình kê khai thuế với hộ kinh doanh nhưng không hiệu quả. Vì mức thuế khoán quá thấp, nên hộ kinh doanh thấy lợi thì làm. “Giờ bỏ thuế khoán, nếu không có hỗ trợ, họ sẽ tìm cách né: không xuất hóa đơn, không dùng máy tính tiền, để giảm doanh thu khai báo”, TS Nguyễn Ngọc Tý nói.
Ông Tú phân tích rằng, nếu mỗi tháng đang đóng thuế khoán 1 triệu đồng mà chuyển sang kê khai lên tới 10 triệu, thì áp lực tâm lý là rất lớn. Nhiều người sẽ không dám “thật thà” vì sợ thua thiệt.
“Bộ Tài chính cần có chính sách miễn giảm thuế giai đoạn đầu, để hộ kinh doanh dám khai thật doanh thu. Khi đó, lợi thế của việc minh bạch, hóa đơn rõ ràng, khấu trừ đầu vào sẽ khiến họ chủ động chuyển lên doanh nghiệp, chứ không phải vì bị ép buộc”, ông Tú chia sẻ.
Từ góc nhìn chính sách, ông Tú nhấn mạnh vào việc tạo ra động lực “khai thật – làm thật” thông qua ưu đãi thuế giai đoạn đầu. Tuy nhiên, để hộ kinh doanh thực sự yên tâm chuyển đổi, thì bên cạnh yếu tố kinh tế, điều cốt lõi vẫn là có một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Emme Law – cho rằng: nếu thiếu hành lang pháp lý phân tầng rõ ràng, thì ngay cả khi hộ kinh doanh muốn minh bạch cũng dễ rơi vào vòng xoáy xử phạt và giám sát hành chính.
“Hộ kinh doanh là mô hình linh hoạt, bán chuyên nghiệp. Không thể áp toàn bộ yêu cầu về hóa đơn, kế toán, sổ sách như với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu thiếu khuôn pháp lý phù hợp, họ sẽ hợp thức hóa vài tháng rồi âm thầm rút lui”, luật sư Tuấn bày tỏ.
Theo ông Tuấn, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn thống nhất về quy trình chuyển đổi, cơ chế hậu kiểm hay ngưỡng phân loại rủi ro với hộ kinh doanh. Nhiều nơi vẫn kiểm tra tràn lan, dễ khiến người kinh doanh mất niềm tin.
“Tôi đề xuất cần sớm ban hành khung pháp lý riêng cho hộ kinh doanh hậu bỏ khoán, có tiêu chuẩn sổ sách tối giản, công cụ hỗ trợ kế toán vi mô, hướng dẫn cụ thể thay vì bắt buộc áp mã số thuế và hóa đơn điện tử theo chuẩn doanh nghiệp. Đồng thời, phải luật hóa trách nhiệm của ngành thuế và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, không thể để họ tự loay hoay trong một cuộc cải cách đơn phương”, luật sư Tạ Anh Tuấn kiến nghị.