"Lỗi nghẽn lệnh xuất phát từ hệ thống giao dịch tại HOSE là của Chicago và thuật toán được định sẵn, quá tầm tư duy, sửa đổi của chúng ta”, ông Lê Hải Trà - Phụ trách điều hành HOSE nói...
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng “nóng” về thanh khoản có phiên lên tới gần 1 tỷ USD nhưng đồng thời lại lộ ra sự yếu kém về kỹ thuật là tình trạng đã kéo dài suốt thời gian qua.
Trong phiên 24/2, mặc dù VN-Index giảm điểm nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức cao, đạt 811,6 triệu cổ phiếu, trị giá 18.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.370 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư lo lắng trong suốt những tháng cao điểm qua đó là tình trạng nghẽn lệnh.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã họp với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX) và các các công ty chứng khoán lớn để bàn về nguyên nhân, giải pháp, nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi.
Theo giải thích của cơ quan quản lý, "nghẽn lệnh" là do "năng lực thiết kế của hệ thống giao dịch của HSX có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua".
Theo ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), thì lỗi xuất phát từ hệ thống giao dịch tại HOSE là của Chicago. “Trong yêu cầu bảo vệ hệ thống, thuật toán từ Chicago đã được định sẵn và quá tầm tư duy, sửa đổi của chúng ta”, ông Trà nói.
Thực tế, hệ thống nào cũng chỉ chịu tải được một lượng lệnh giới hạn, chứ không thể vô biên. Tại Việt Nam, bài toán hệ thống đã không lường trước được câu chuyện lượng lệnh có những ngày vào sàn vượt quá dung lượng tiếp nhận. Khi diễn biến này xảy ra, việc giữ an toàn hệ thống tại sàn HOSE được thực hiện theo thuật toán do cách sàn Chicago đặt ra.
Hiện nay, để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh khi thanh khoản thị trường tăng cao, từ tháng 1/2021, HoSE đã áp dụng tăng lô cổ phiếu tối thiểu từ 10 lên 100 đơn vị cho mỗi lệnh. Bước đầu ghi nhận, giải pháp này đã đem lại hiệu quả tạm thời khi giá trị giao dịch từ mức 14.000 tỷ đồng là nghẽn nay lên 17.000 tỷ đồng mới nghẽn. Tuy nhiên, về lâu dài cách này không khả thi, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh, nhất là về cuối phiên giao dịch.
Về dài hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu HOSE và các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống mới sớm vào hoạt động, thay thế cho hệ thống hiện nay trong thời gian sớm nhất để giải quyết triệt để vấn đề quá tải hệ thống giao dịch. Từ phía HOSE, ông Trà cho biết, Sở đang và sẽ nỗ lực tối đa cho việc hoàn thiện hệ thống mới một cách sớm nhất.
Dù vậy, trong thời gian chờ đợi hệ thống được nâng cấp, nhà đầu tư vẫn không biết kêu ai, đành phải chịu tình trạng nghẽn lệnh, bản điện tử “đứng hình” khi lượng giao dịch tăng đột biến.
Một chuyên gia đã khuyến nghị giải pháp tạm thời là cơ quan quản lý có thể xem xét nâng lô cổ phiếu tối thiểu lên 1.000 đơn vị theo hướng các công ty chứng khoán sẽ gom lệnh của khách hàng lại. Khi đó, áp lực lệnh vào HoSE sẽ giảm hơn. Tuy nhiên đây là phương án giúp giảm áp lực xử lý lên hệ thống giao dịch của HoSE về số lượng lệnh chứ không phải quy mô của lệnh. Để giải quyết triệt để vẫn phải chờ hệ thống mới của HOSE đi vào hoạt động.
Có thể bạn quan tâm