8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa được Thủ tướng đồng ý chuyển sang đầu tư công...
Tại thông báo số 147, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT về chuyển đổi 8 dự án DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công; trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Thông báo kết luận nêu rõ, trước tình hình dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Trong đó, giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ: KH&ĐT, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Về Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 được chia làm 11 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng. Theo nghị quyết trước đó của Quốc hội, trong các đoạn dự án này có 3 đoạn đầu tư công, hiện đã khởi công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.
8 đoạn còn lại kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, sau khi huỷ chào thầu quốc tế, Bộ GTVT đang thực hiện sơ tuyển tìm nhà đầu tư trong nước, gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự kiến, 8 dự án này sẽ khởi công muộn nhất vào tháng 8.
Đối với Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, thông báo kết luận nêu rõ: Đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trên trục cao tốc này, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang đầu tư theo hình thức BOT, tiến độ hoàn thành năm 2021.
Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đặt mục tiêu thông xe kỹ thuật năm sau và khánh thành vào 2022.
Có thể bạn quan tâm
15:48, 08/04/2020
15:29, 08/04/2020
11:02, 05/04/2020
04:30, 05/04/2020
11:00, 03/04/2020
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản góp ý về việc chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông sang đầu tư công, trong đó đề nghị Bộ Giao thông rà soát chi tiết và tổng thể những dự án này trước khi chuyển đổi sang đầu tư công để đảm bảo tính khả thi.
Theo đó, các dự án cần được rà soát tổng mức đầu tư trước khi chuyển sang đầu tư công, tránh trùng lặp kinh phí giải phóng mặt bằng với toàn tuyến. Nguyên tắc chỉ định thầu cần quy định tiết kiệm từ 5-7% ngân sách so với dự toán được phê duyệt..
Việc chuyển một số dự án giao thông trọng điểm sang đầu tư công không chỉ góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công 2020 mà còn tạo tác động lan tỏa cho nền kinh tế đang ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo tinh thần Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, thì đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng.