Chứng khoán

Cổ phiếu TCB vượt đỉnh, hút dòng tiền nhà đầu tư

Hà Phương 21/05/2025 04:03

Cổ phiếu TCB - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam tiếp tục vượt đỉnh, sau nhiều thông tin hỗ trợ liên quan tới hoạt động của nhà băng này…

anh-bao-2-1-.png
Dự kiến cuối năm 2025 TCBS-Công ty Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam sẽ được IPO và được định giá 14.000 đồng/cp

Phiên giao dịch ngày 20/5 cổ phiếu TCB tiến sát mốc 30.950 đồng/cp, tăng 4,92% áp sát vùng đỉnh lịch sử với khối lượng khớp lệnh lên tới 38 triệu đơn vị, cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30. Sau TCB là cổ phiếu MBB khớp lệnh 31,3 triệu đơn vị, SHB khớp lệnh 90 triệu đơn vị, cổ phiếu ACB khớp lệnh 11 triệu đơn vị… Dòng tiền tiếp tục đổ vào cổ phiếu trụ và đặc biệt là cổ phiếu nhóm ngân hàng.

Phiên giao dịch ngày 20/5, tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE chỉ tăng 2,6% nhưng rổ VN30 tăng tới 10%. Giao dịch nhóm rổ blue-chips và cổ phiếu ngân hàng này chiếm 62% cả sàn với chỉ số VN30-Index tăng 2,01%, xác lập đỉnh cao mới kể từ đầu tháng 5/2022...

Nói riêng về TCB, cổ phiếu này tiếp tục hút dòng tiền nhà đầu tư cả nội và khối ngoại. Bên cạnh kết quả kinh doanh đã công bố khả quan trong Quý 1/2025, ông Hồ Hùng Anh- Chủ tịch HĐQT TCB tại ĐHĐCĐ cho biết, TCB đang chuẩn bị đưa công ty con TCBS-Công ty Chứng khoán Kỹ Thương Việt Nam lên sàn vào cuối năm 2025. Theo thông tin chưa chính thức, cổ phiếu TCBS được định giá 14.000 đồng/cp. Đây chính là điểm nhấn với TCB bởi dự kiến mảng này sẽ được tính vào lợi nhuận của nhà băng, giúp cổ phiếu TCB xây tiếp nền giá mới.

Ngoài việc IPO TCBS, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cũng chia sẻ một trong những chiến lược của ngân hàng, đó là củng cố niềm tin nhà đầu tư và hướng đi nhằm tăng trưởng giá trị cổ phiếu bền vững trong thời gian tới. Cụ thể TCB theo đuổi cam kết lớn hiện nay là hiện thực hóa mục tiêu đạt vốn hóa thị trường 20 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Được biết năm 2018, khi IPO, TCB được định giá ở mức P/B 4,5 lần. Đến nay, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đã đạt khoảng 174.000 tỷ đồng. Với lợi nhuận kỳ vọng trong năm 2025, TCB đặt mục tiêu cải thiện hệ số P/B lên mức từ 2 đến 2,5 lần. Nếu TCB tiếp tục thực hiện đúng kế hoạch và chiến lược đề ra, mục tiêu 20 tỷ USD là hoàn toàn khả thi...

Ngoài ra, một điểm nhấn khác trong chiến lược phát triển của TCB, đó chính là ngân hàng tham gia thu xếp vốn cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng vốn đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng - dự án đã được động thổ. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, chiến lược với tỉnh Bình Phước và vùng Tây Nguyên.

Nhà đầu tư thực hiện là liên danh Tập đoàn Vingroup và TCB. Đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Becamex IDC (BCM), Becamex Bình Phước. Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài 128,8 km, được chia thành 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp phương thức đối tác công tư (PPP). Vốn ngân sách Trung ương dự kiến khoảng 10.536,5 tỷ, vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương …

TCB đứng vai trò thu xếp vốn, tạo điều kiện thuận lợi, dịch vụ tốt nhất để tuyến đường được khởi công và hoàn thành thuận lợi. Một phần lợi nhuận từ mảng mới này sẽ được tính vào kết quả kinh doanh cuối năm của ngân hàng. Theo đó, cổ phiếu TCB được nhìn nhận đang có nhiều động lực tăng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cổ phiếu TCB vượt đỉnh, hút dòng tiền nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO