Các doanh nghiệp Nhật Bản đang dịch chuyển sản xuấ từ Trung Quốc sang ASEAN nhằm giảm chi phí sản xuất cũng như tránh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Theo Asian Nikkei Review, hãng thời trang Fast Retailing Uniqlo là một trong số nhiều doanh nghiệp may mặc Nhật Bản đang chuyển dần sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á nhằm tìm kiếm mức chi phí nhân công thấp hơn, cũng như tránh những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vốn đầu tư Nhật Bản hướng về Đông Nam Á
Theo kế hoạch, Fast Retailing sẽ hợp tác với Toray Industries của Ấn Độ để mở nhà máy tại Indonesia. Nhà máy này sẽ sử dụng nguyên phụ liệu của Indonesia thay vì nhập từ Trung Quốc như trước đây. Không chỉ có Fast Retailing, Onward Holdings cũng đã thành lập văn phòng tại Campuchia để thúc đẩy sản xuất tại đây. Hiện khoảng 60% số lượng nhà sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp đặt tại Trung Quốc và con số này chưa đầy 10% tại khu vực Đông Nam Á.
Sau khi xem xét về mạng lưới logistic và chi phí lao động, vị Chủ tịch của Onward Holdings - Michinobu Yasumoto cho biết: "Chúng tôi sẽ dời sản xuất tới Campuchia, nơi phù hợp hơn so với Trung Quốc".
Có thể bạn quan tâm
06:50, 14/01/2018
20:32, 20/09/2015
04:01, 02/09/2018
17:08, 31/08/2018
13:32, 29/08/2018
03:43, 28/08/2018
06:36, 16/08/2018
03:37, 02/08/2018
Thống kê từ Hiệp hội sợi hóa học Nhật Bản cho biết Trung Quốc hiện chiếm khoảng 34%, tương đương hơn 158 tỷ USD xuất khẩu dệt may của toàn thế giới trong năm 2016. Tính đến nay, nền kinh tế này vẫn là nước xuất khẩu may mặc đứng đầu thế giới, sau đó là Bangladesh và Việt Nam. Mặc dù vậy, thị phần của Trung Quốc đã giảm 5% kể từ năm 2013 trong khi xuất khẩu từ Đông Nam Á gia tăng.
Không chỉ có doanh nghiệp Nhật Bản, bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang xem xét lại chuỗi cung ứng và có kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia có chi phí thấp khác.
Theo hãng tin Reuters, ông Dan Krassenstein - Giám đốc khu vực châu Á của ProconPacific cho biết, các hoạt động sản xuất của công ty sẽ được chuyển dần sang Nam Á và Đông Nam Á để hưởng chi phí thấp hơn cũng như chính sách giảm thiểu hoạt động sản xuất gây ô nhiễm từ chính quyền Trung Quốc. Cụ thể, công ty này sẽ phân bổ khoảng 22% sang thị trường Ấn Độ và khoảng 5 – 10% sang Việt Nam, thay vì đặt toàn bộ nhà máy sản xuất tại Trung Quốc như trước đây
Công ty cung cấp kinh kiện điện cho Apple có tên Delta Electronics mới đây tiết lộ sẽ bỏ ra 2,14 tỷ USD vào một thương vụ M&A doanh nghiệp của Thái Lan, và đây được coi là bước đệm để doanh nghiệp này mở rộng sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Nam cần làm gì để đón đầu xu hướng này?
Theo các chuyên gia, làn sóng doanh nghiệp Nhật đổ bộ vào thị trường Việt Nam không phải là mới nhưng vẫn có sự tăng lên về quy mô và số lượng, điều này cho thấy sức hấp dẫn lớn của thị trường Việt Nam.
Trong một khảo sát gần đây của Jetro cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động. Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Lý do chính để doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động tại Việt Nam là doanh thu tăng khoảng 88%, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi chiếm 65,1%.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, lý do để dòng vốn Nhật Bản chảy mạnh mẽ vào Việt Nam, nhanh và dứt khoát, trước tiên phải kể đến sức hút từ thị trường 100 triệu dân. Bên cạnh đó, không thể không kể đến yếu tố tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ổn định, đặc biệt là các quy định về thương mại, đầu tư “cởi mở” theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Để “mối lương duyên” Việt – Nhật thực sự đạt được hiệu quả, và lâu dài, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), chúng ta còn nhiều việc phải làm, bởi với nguồn lực còn hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam rất dễ bị lép vế và chịu thiệt khi được doanh nghiệp nước ngoài mua bán cổ phần, thêm vốn đầu tư. Việt Nam có một số điểm yếu như tính minh bạch, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng chưa cao làm hạn chế sự lan tỏa. Ngoài ra, sự liên kết còn yếu do chất lượng nhân lực của doanh nghiệp nội chưa đáp ứng được yêu cầu; trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Chính vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia đều mong muốn Nhà nước, bên cạnh chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, cần có chính sách giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực để có thể hợp tác “đôi bên cùng có lợi” với các doanh nghiệp nước ngoài.