Nghiên cứu - Trao đổi

Phát triển công nghiệp - Cần thêm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số

Gia Nguyễn 22/12/2024 04:30

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, nhiều ý kiến cho rằng, để các ngành công nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, cần thêm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Sự phát triển chưa từng có tiền lệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ cao, Cách mạng công nghiệp đang làm thay đổi cơ bản mô hình phát triển kinh tế, phương thức sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn, đã và đang điều chỉnh chiến lược công nghiệp của mình để thích ứng với xu hướng này, tận dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

phat-trien-cong-nghiep-21.12.2.jpg
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cơ bản mô hình phát triển kinh tế, phương thức sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh minh họa: ITN

Dù dư địa của ngành công nghiệp là rất lớn, chẳng hạn như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí,… tuy nhiên, việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong nước vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí nói riêng, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, và thêm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp.

Khẳng định việc chuyển đổi số và đầu tư cho công nghệ là yếu tố sống còn, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam - Cao Văn Hùng cho hay, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế.

phat-trien-cong-nghiep-21.12.1.jpg
Để các ngành công nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế tại Smart Việt Nam, doanh thu năm nay tăng từ 260 - 280% nhờ vào nhu cầu tăng đột biến của các khách hàng đối với sản phẩm cơ khí. Trong đó, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho việc bán hàng, nghiên cứu và phát triển, song vẫn cần chính sách Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư máy móc, thiết bị hiện dại, giảm giá thành cạnh tranh...

“Chúng tôi mong muốn các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hóa, hoặc sẽ có cơ chế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn, hỗ trợ về công nghệ”, ông Hùng bày tỏ.

Không chỉ riêng Smart Việt Nam, đây được cho là bài toán chung của các nhà sản xuất và là động lực lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn An Sơn - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trong đó “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ, với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp hiện tại khá thấp. Mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của nhiều doanh nghiệp hiện còn lạc hậu. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với những dây chuyền, công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện quá trình chuyển đổi số.

“Hoạt động chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt doanh nghiệp FDI có sẵn nguồn lực, công nghệ để ứng dụng được các giải pháp công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Nguyễn An Sơn nhìn nhận.

Trong khi đó, để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất trước xu hướng chuyển đổi số, TS Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Có thể chọn những trường đại học lớn để hình thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ số từ đó dẫn dắt các cái cơ sở khác

Đồng thời, cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia giỏi từ các nước phát triển về, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài.

“Công nghệ số thay đổi mô hình kinh doanh và vận hành nên nó cũng đòi hỏi chúng ta có rất nhiều cái mới mà các quy định trước đây chưa chưa áp dụng được. Thế thì cũng cần có các cơ chế để thử nghiệm hoặc là có các chính sách đặc thù trong việc thương mại hóa các sản phẩm số”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho hay, nhận thức đóng vai trò quan trọng chuyển đổi số. Bởi khi ý chí của người đứng đầu và nhận thức của họ nhìn nhận, đánh giá đúng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, họ sẽ có những lộ trình chuyển đổi một cách phù hợp. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số, các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội, cần có thêm nhiều các hoạt động đào tạo cho các lãnh đạo doanh nghiệp về nhận thức, vai trò của chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển công nghiệp - Cần thêm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO