KINH TẾ 2023: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp
Đứng trước bối cảnh vô cùng phức tạp như hiện này, kịch bản phục hồi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng"
Phiên thảo luận tại "Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 17/11/2022 đã đưa ra các phân tích, dự báo xu hướng kinh doanh năm 2023, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo.
Phát biểu đề dẫn tại phiên “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp” tại Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng””, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, nhìn lại tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đã có sự thay đổi lớn trong 10 năm qua.
Theo đó, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp vô cùng lớn với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021.
“Như vậy, tổng nguồn vốn khu vực tư nhân đã tăng mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, cho thấy sự lớn mạnh về nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Lê Duy Bình nhận định.
Giai đoạn 2017-2021, trong khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm từ 18,7% còn 7,2% thì khu vực tư nhân vẫn tăng mạnh trong giai đoạn dịch, được sự hỗ trợ bởi lĩnh vực chứng khoán.
Trong tỷ trọng cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cũng tăng trưởng từ 38% năm 2011-2015 đã tăng lên gần 60% năm 2021 cho thấy nguồn lực của nền kinh tế phân bổ lớn cho khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua.
Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) có xu thế đảo chiều giai đoạn 2010-2021 cho thấy, nếu năm 2010 khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.
“Tuy nhiên xu hướng này đảo ngược giai đoạn dịch bệnh vừa qua, khi mà khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng”, Giám đốc điều hành Economica VietNam nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn như vậy nhưng tốc độ tăng năng suất lao động liên tục giảm, sự đóng góp của TFP vào GDP cũng giảm theo. Ông Bình nhấn mạnh đây là điều cần phải đảo ngược, thay đổi để giúp doanh nghiệp “vượt sóng”.
Giám đốc điều hành Economica VietNam nhận định: “Thời kỳ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua rồi. Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong hai năm vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua và khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực khác để đóng góp cho gia tăng sản lượng, gia tăng tăng trường như công nghệ và nguồn nhân lực”.
Theo ông Lê Duy Bình, hệ số ICOR xấu đi của đầu tư tư nhân trong hai năm vừa qua cũng có tác động của đại dịch Covid-19, của quy luật hiệu quả lợi nhuận cận biên giảm dần, của điểm tới hạn của mô hình dựa chủ yếu vào đóng góp của yếu tố đầu vào là vốn mà không chú trọng tới các yếu tố khác.
>>KINH TẾ 2023: Cần có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025
>>KINH TẾ 2023: Chính sách tiền tệ phù hợp cho doanh nghiệp phục hồi
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc, nhưng chúng ta lại phải đối mặt với các khó khăn khác như lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng... nên doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp đều phải cắt giảm chi phí. Vậy tại sao lại phải chuyển đổi số? Nhiều người cho rằng chuyển đổi số là phải tăng chi phí, trong khi khó khăn như vậy, nhưng thực tế câu chuyện lại rất khác. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới và sớm vượt qua khủng hoảng.
“Kinh nghiệm cho thấy, những doanh nghiệp có áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số khi gặp khủng hoảng, họ cũng suy yếu nhưng có khả năng phục hồi nhanh hơn, và sau khủng hoảng họ đã lấy lại tốc độ tăng trưởng với tỷ suất lợi nhuận trên tổng doanh thu cao hơn.
Những doanh nghiệp dù rất lớn mạnh, nhưng không chuyển đổi số thì khi lao dốc trong khủng hoảng cũng như nhau, nhưng khả năng phục hồi chậm hơn và sau khủng hoảng rất khó để đạt được trạng thái đã có trước đó. Riêng những doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chuyển đổi số sẽ bị rơi vào tầng rất sâu và khó bật trở lại. Như vậy, cắt giảm chi phí là cần thiết nhưng không phải cắt tất cả, chúng ta cần phải chi tiêu cho chuyển đổi số”, ông Đường phân tích.
Theo ông Đường, các doanh nghiệp cần có chuyển đổi số để phục hồi và phát triển, trong đó công nghệ không quan trọng mà phải ra được bài toán đúng, khi đó công nghệ mới giải quyết được câu chuyện này cho chúng ta. Trogn đó, có các lĩnh vực mà một doanh nghiệp phải quan tâm như tiếp thị bán hàng, tài chính, thanh toán, hoạt động chuỗi cung ứng hành chính nhân sự, hệ thống thông tin...
“Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp theo từng mảng với phương thức hỗ trợ khác nhau. Ví dụ khi trong đại dịch thì cần phải sống sót, ngay lập tức phải có giải pháp đặt hàng, gia tăng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ, đa dạng hóa sản phẩm hay về tài chính phải xem xét cắt giảm các chi phí thanh toán online.
Do đó, các doanh nghiệp cần căn cứ để đưa ra những sản phẩm dịch vụ đặt hàng cho các đơn vị, có giải pháp về chuyển đổi số từ giai đoạn sinh tồn, sau đó đến giai đoạn phục hồi từ 6-12 tháng, khi đã khẳng định được mình sống sót, còn giai đoạn phát triển là từ một 1-3 năm sau đó.
Chúng ta cũng cần nhận thức được một số xu hướng trong chuyển dịch nền kinh tế mà vấn đề này đã được nhiều chuyên gia nhắc đến. Kinh tế truyền thống và kinh tế số có những đặc điểm rất khác nhau và dù sao chúng ta cũng đang tiến vào kinh tế số, sống chung với nó và vẫn phải hiểu để hành xử. Đơn cử như kinh tế truyền thống tập trung vào sản phẩm, còn kinh tế số thì tập trung vào khách hàng. Hay kinh tế truyền thống bán sản phẩm còn kinh tế số thì bán dịch vụ, bán trải nghiệm”, ông Đường cho hay.
Ngoài ra, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng khác nhau, ứng dụng công nghệ thông tin là ứng dụng một quy trình có sẵn, còn khi chuyển đổi số thì chúng ta phải thay đổi cách thức làm việc, tự động hóa thông tin và quy trình thay đổi phương thức hoạt động. Về điều này, vị đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích, ứng dụng công nghệ thông tin tập trung vào phục vụ nội bộ, nhưng chuyển đổi số tập trung vào cung cấp dịch vụ khách hàng, phục vụ người dùng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, vừa qua Bộ đã cố gắng có một vài giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa như các nền tảng số được đánh giá phù hợp với nhu cầu chuyển đổi số của từng doanh nghiệp hiện nay, từ đó giới thiệu với các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng ngay.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 về chiến lược quốc gia phát triển với điểm nhấn đặc biệt là lần đầu tiên cùng với Nghị định 80 của Chính phủ, khẳng định một cách rõ ràng hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ hơn.
Nhiều doanh nghiệp thấy mình ứng dụng nhiều phần mềm nhưng không rõ mình đã chuyển đổi số chưa, vì thế Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá, trong đó có bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp.
>>KINH TẾ 2023: Kỳ vọng doanh nghiệp bật lên từ trong thách thức
>>KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay "vượt sóng gió"
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, kể từ khi mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,1 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt gần 92 triệu lượt (cao hơn số lượng khách của cả năm 2019, trước dịch COVID-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ đón được 2,1 triệu lượt khách. Do đó, để có những hướng phát triển phù hợp với những định hướng chiến lược trong tương lai, đáp ứng nhu cầu Chính phủ đề ra, ông Đức đã đề xuất 6 biện pháp ngành Du lịch sẽ tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, ông Đức cho biết, sẽ chú trọng khai thác phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao như nghỉ dưỡng dài ngày. Trong đó, ưu tiên thu hút khách theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe bên cạnh nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực.
Mở rộng phát triển một số thị trường mới, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hàng năm tăng nhanh như Ấn Độ, Trung đông; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; Đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực cho một số phương thức, hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, về phát triển sản phẩm, ông Đức cho biết, sẽ uu tiên phát triển sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo (du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch thành phố). Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch. Cân bằng phát triển xanh và phát triển du lịch bền vững.
Thứ ba, trong lĩnh vực xây dựng nguồn nhân lực du lịch, ông Đức chia sẻ thêm, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã xảy ra sự mất cân đối và thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Do đó, ông Đức cho răng, thời gian tới, ngành du lịch sẽ ăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyển nghiệp cao; Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước.
Thứ tư, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao.
"Có thể thấy, thời gian qua đã có những tập đoàn đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch tạo diện mạo mới cho ngành du lịch Việt Nam. Đây là yếu tố cần được khuyến khích và nhân rộng", ông Đức nhấn mạnh.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch là một yếu tố quan trọng. Cơ quan quản lý du lịch chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả như cổng thông tin điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch...
Thứ sáu, ông Đức cho biết sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, điểm đến để có sản phẩm đa dạng hóa. Bên cạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với hàng không và đối tác để có sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, giá cả phù hợp.
>>KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng trước bối cảnh mới
>>KINH TẾ 2023: 6 giải pháp "chắp cánh" cho du lịch phát triển
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, hiện nay những bất ổn bên ngoài đang gây ra những khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam đã có những tác động đến chính sách điều hành vĩ mô và môi trường kinh doanh.
Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn, ông Việt nhận định, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu.
Ông Việt cho rằng, thực tế cho thấy, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách, ông Việt cũng chỉ ra 3 yếu tố rủi ro cần phải lưu ý để xây dựng các biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể, ông Việt cho biết, không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản.
“Đây là những yếu tố rủi ro mà cả doanh nghiệp và Chính phủ cần lưu ý chặt chẽ trong bối cảnh hiện tại. Và để vượt qua những rủi ro này, không có gì khác hơn là phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những Hiệp định thương mại, Hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết”, ông Việt nhấn mạnh.
Cùng với đó, với các rủi ro liên quan đến chi phí, ông Việt chỉ ra, bên cạnh việc cần chuẩn bị những cơ chế, cách thức quản trị để tiết giảm chi phí, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cơ quan trung ương để nghiên cứu cơ chế nhằm giảm các loại chi phí không chính thức.
"Bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”. Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Việt cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn, những người lao động trong các doanh nghiệp vẫn là đối tượng cần được quan tâm hơn nữa. Điều này có thể thấy rõ khi Việt Nam trải qua 2 năm đại dịch. Do đó, nếu lạm phát gia tăng cùng những bất ổn vẫn còn kéo dài sang năm 2023, ông Việt cho rằng, bên cạnh các gói hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.
Để vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro, các thông tin của doanh nghiệp, các thông tin về chính sách cần kịp thời hơn, cần được minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp. Từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ ngành trung ương để có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023.
>>KINH TẾ 2023: Kiến tạo không gian mở cho doanh nghiệp phát triển
>>KINH TẾ 2023: Giải đúng bài toán về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, thời gian tới, dự báo ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh tác động lên đời sống người dân, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.
Mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao, ảnh hưởng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung dài hạn, tạo áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hóa trong hoạt động.
Ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao, nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu. Công tác xử lý nợ xấu của các NHTM gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý TSBĐ, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết, sự liên kết giữa các chính sách và các Bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ còn tản mát nhiều nơi, chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh công nghệ phát triển, khiến tình trạng gian lận và lừa đảo có xu hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều trường hợp khách hàng bị kẻ gian lừa đảo, giả mạo email, tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, thẻ và cả những trường hợp kẻ gian giả mạo giấy tờ tinh vi để mở thẻ, mở tài khoản gây rủi ro cho ngân hàng” – ông Nguyễn Quốc Hùng lo ngại.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cần việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp là điều cần thiết, trong đó đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ các Luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới (như P2P Lending, Fintech, trung tâm kinh doanh thương mại, tiền kỹ thuật số, giao dịch xuyên biên giới, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu…), cũng như thúc đẩy phối hợp giữa các bộ, ngành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nền kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động ngân hàng, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội.
Thứ tư, xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: thông qua giảm thuế, phí cho các NHTM này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các NHTM thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.
Thứ năm, thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.
Thứ sáu, rà soát lại các quy định liên quan đến ngành nghề, đối tượng được hưởng, các điều kiện vay vốn. Tăng cường phối hợp chính sách, cải thiện môi trường đầu tư (thuế, hải quan, thủ tục hành chính…), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra
Ngoài ra, ông Hùng cũng kiến nghị Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.
Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất.
>>KINH TẾ 2023: Hạ tầng xanh, đón đầu xu thế mới
>>KINH TẾ 2023: Giải pháp cho đầu tư tư nhân hiệu quả trong bối cảnh mới
Ông Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội cho biết, gần đây, thuật ngữ về biến đổi khí hậu, Net Zero được nhắc đến rất nhiều, tại nhiều diễn đàn, vậy bản chất của nó là gì?
Theo ông Huân, biến đổi khí hậu được tiếp cận theo hai phía là khách quan và chủ quan, trong đó khách quan là yếu tố tự nhiên, con người không thể chạm đến, còn chủ quan là con người có thể gây ra như xả thải, tăng khí nhà kính...
Với hai vấn đề trên, chúng ta sẽ tiếp cận theo cách là phải thích ứng, vì dù biến đổi khí hậu do yếu tố khách quan hay chủ quan thì hiểm họa vẫn có thể xảy ra, do đó, con người cần có kế hoạch thích ứng với các biến đổi. Đặc biệt, chúng ta cần phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng và và giảm nhẹ phát thải.
Trong hội nghị COP26, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, không chỉ riêng Việt Nam, mà có tới 40 quốc gia khác cũng cam kết về việc này. Đây là mục đích để trái đất không bị nóng lên quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không dẫn đến hiện tượng băng tan, nước biển dâng.
“Để thích ứng, chúng ta sẽ phải giảm tiêu hao năng lượng và tiến tới phát thải carbon thấp. Qua số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới phát hành tháng 7/2022, Hoa Kỳ đang xả thải khoảng gần 5,8 tỷ tấn CO2 chiếm 12% toàn cầu. Trong khi Đức chiếm 1,6% còn Trung Quốc cao nhất chiếm gần 24%, riêng Việt Nam chỉ chiếm 0,8%.
Vấn đề đặt ra là, tại sao chúng ta xả thải thấp nhưng vẫn phải tham gia vào công cuộc này, bởi vì nếu tính trên 1 đô la GDP thì hiện nay Mỹ chỉ xả thải khoảng 0,28kg trên 1 đô la GDP, còn Việt Nam con số này là gần 1,4 - 1,5kg CO2 trên 1 đô la GDP, chỉ đứng sau Indonesia nhưng còn lớn hơn cả Trung Quốc.
Nếu chúng ta không phát triển xanh, thì xả thải càng ảnh hưởng đến tỷ trọng nền kinh tế, đến một lúc nào đó, thị trường tín chỉ carbon theo Luật bảo vệ tài nguyên môi trường, thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới. Đây là áp lực rất cụ thể, không chỉ quyết tâm của các nhà chính trị, các nhà môi trường để giảm thải, mà còn đánh vào yêu cầu của doanh nghiệp. Khi đó, Việt Nam cũng khó có thể kêu gọi thế giới giúp chúng ta trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi đây mới là vấn đề phải tiêu tốn nhiều chi phí”, Ông Huân phân tích.
Cũng theo vị Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội dẫn chứng, Ngân hàng Thế giới ước tính, đến năm 2040, chúng ta sẽ chi khoảng 268 tỷ đô la cho chống biến đổi khí hậu, chủ yếu là để thích ứng, còn lại là giảm nhẹ phát thải.
Vì vậy, để kêu gọi nguồn lực nước ngoài không chỉ về đồng vốn mà còn về công nghệ, quản lý, thì chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời không thể phát thải ròng như hiện nay. Đồng thời nhiều ngành nghề lĩnh vực cần phải tham gia vào như ngành năng lượng, bao gồm xi măng (đốt than ở các lò xi măng), hay giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và xả thải trong quá trình sản xuất công nghiệp. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực trong ngành kinh tế đều có thể tham gia vào quá trình phát triển xanh.
Riêng ngành nông nghiệp của chúng ta cũng xả thải khí Metan gần như đứng đầu thế giới. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang rất quyết tâm để nông nghiệp xanh hơn, vì lượng phân bón, thuốc trừ sâu và cách tưới tiêu đang không hiệu quả gây ra nhiều hậu quả cho môi trường.
Nhiều chuyên gia cũng đề cập đến việc nếu trong ngành công nghiệp chúng ta dùng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh thì chất thải của một ngành nào đó, lại là đầu vào sản xuất của một dây chuyền sau, khi đó chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Có mặt tại phiên thảo luận, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp cũng chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng Covid-19, xung đột Nga – Ucraina, các nước tăng lãi suất và thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi chính sách của các thị trường lớn như Trung Quốc…
“Những điều này gây ra những tác động như lạm phát cao ở các nước, nguồn cung lương thực giảm. Cùng với đó, giá nông sản, giá lương thực và giá dầu đều tăng. Chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước”, ông Thắng cho biết.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, bức tranh ngành nông nghiệp vẫn duy trì tốt, mức dự kiến trên 50 tỷ USD năm 2022, trong đó có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, các thị trường lớn vẫn được duy trì tăng trưởng tương đối đều. Đơn cử, thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 26% và 18% tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó cơ cấu của thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
ASEAN là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, ông Thắng cho biết có sự tăng trưởng đều giữa các ngành hàng xuất khẩu như gỗ, thuỷ sản, cà phê, cao su,…trừ ngành rau quả có giảm do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đánh giá, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…
Ông Trần Công Thắng đánh giá, yếu tố tạo sự tăng trưởng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2022 gồm nhu cầu thị trường thế giới về lương thực thực phẩm tăng, xuất hiện một số thị trường mới cho thủy sản, gỗ. Cùng với đó, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau đại dịch Covid-19, mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. Đồng thời, tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định FTAs. Tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tăng chất lượng sản phẩm trong khi guồn cung trong nước tốt.
Chia sẻ chung về tình tình của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đang nhiều khó khăn chồng chất. Trong đó, nguồn cung của thị trường đã sụt giảm rõ rệt, trong 9 tháng đầu năm chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào thị trường giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất so với từ năm 2015 cho đến nay.
Các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại chúng, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Giá bất động sản bị đánh giá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Áp lực áp lực tăng giá đầu vào phát triển bất động sản cũng rất mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường cũng gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.
Ông Đính cũng cho biết, thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh, trong khi chi phí tiếp khách vì tài chính trách nhiệm, lãi suất thật áp lực rất mạnh cho doanh nghiệp bất động sản. Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ.
Theo ông Đính, khó khăn về sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản còn đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng, hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt từ tục đầu tư, đặc biệt là việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do các chính sách bộc lột các dấu hiệu của sự lạc hậu, chồng chéo mâu thuẫn.
“Các giao dịch ở thị trường bất động sản rất thấp, rất yếu, các doanh nghiệp gần như không có thanh khoản, không doanh thu, các hoạt động phải tạm dừng, giảm doanh số giao dịch qua đó các doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ khủng hoảng rất cao” – ông Đính bày tỏ lo ngại.
Phó Chủ tịch VNREA cho biết nếu không có những sự điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô thì với vấn đề của thị trường như hiện nay, với sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản như hiện nay, bước vào năm 2023 thì thị trường bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, tạo ra rất nhiều những hệ lụy với nền kinh tế.
Nói về giải pháp vực dậy thị trường, ông Đính kiến nghị trong thời gian chờ sửa đổi các luật, cần thiết phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng Chính phủ cũng đang có những động thái rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản. “Chúng tôi mong muốn có những động thái cụ thể hơn để có những chính sách quyết liệt giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay” – ông Đính nói.
Đồng thời, Phó Chủ tịch VNREA kiến nghị có chính sách tín dụng đặc biệt cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án cấp thiết cho xã hội, các dự án để khuyến khích các nguồn hàng phù hợp với nhu cầu chung của đại chúng như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, sau 2 tiếng làm việc, chúng ta nhận diện những khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp trong năm 2023 và cũng đã nhìn thấy những "cơ hội đặc biệt" để doanh nghiệp bứt phá trong năm tới.
Từ quý 4 của năm nay, nền kinh tế nước ta chịu những tác động của tình hình địa chính trị thế giới. Lường trước những thách thức của kinh tế toàn cầu, Chính phủ có chính sách điều hành kinh tế phù hợp, trong đó có hai chính sách quan trọng chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Tuy nhiên, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, để vượt qua thách thức, khó khăn trên cần có vai trò chủ động của doanh nghiệp trong việc phát huy nội tại để chống đỡ với những đợt sóng.
Trong năm tới, kịch bản điều hành sẽ hướng tới những giải pháp trọng yếu sau:
Thứ nhất, duy trì cải cách gắn với phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát.
Thứ hai, tăng cường huy động và sử dụng các nguồn lực. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công dự kiến được cân đối tăng thêm gần 29% trong năm 2023 để tăng tổng cầu từ phía Chính phủ hỗ trợ cho nền kinh tế, góp phần dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân. Có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, hoàn thiện cơ chế tạo động lực cho người dân đầu tư vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như chính sách cạnh tranh, chính sách khai thác nguồn lực dữ liệu.
Khó khăn là điều không thể bàn cãi nhưng rõ ràng, những khó khăn đang hiện hữu sẽ khiến doanh nghiệp có thêm nhiều sự sáng tạo.
Có một số điểm nhấn từ các chuyên gia, doanh nghiệp mà chúng tôi tạm nhận định như sau:
Thứ nhất, dự trù kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước đang là một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp linh hoạt áp dụng. Tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính.
Thứ hai, lạm phát xảy ra, các thị trường trọng yếu thị trường Mỹ, EU giảm sức mua cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Thứ ba, chuyển đổi số; doanh nghiệp càng thích ứng tốt hơn thì dễ vượt qua khủng hoảng hơn. Khủng hoảng cũng tạo không gian cho các hoạt động kinh tế mới phát triển một cách bền vững như kinh tế chia sẻ, kinh tế số (thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hoá góp phần tăng năng suất lao động.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến; Chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả.
Thứ năm, đối với giải pháp vốn: hơn lúc nào hết các doanh nghiệp chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; Tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thứ sáu, cuối cùng và quan trọng nhất là củng cố, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên, phát triển văn hóa doanh nghiệp và cao hơn nữa là xây dựng một nền văn hoá kinh doanh của Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
KINH TẾ 2023: 6 giải pháp "chắp cánh" cho du lịch phát triển
16:35, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Chính sách tiền tệ phù hợp cho doanh nghiệp phục hồi
16:25, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay "vượt sóng gió"
16:19, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Giải đúng bài toán về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
16:16, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Giải pháp cho đầu tư tư nhân hiệu quả trong bối cảnh mới
15:46, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Hạ tầng xanh, đón đầu xu thế mới
15:26, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Kiến tạo không gian mở cho doanh nghiệp phát triển
15:18, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp
15:08, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Kỳ vọng doanh nghiệp bật lên từ trong thách thức
14:25, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Cần có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025
14:20, 17/11/2022
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng"
11:26, 17/11/2022