Nhịp sống thế giới từ ngày 2- 7/5
OPEC+ cam kết đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ; Trung Quốc duy trì chính sách zero Covid; Mỹ và Đức tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine... là những tin đáng chú ý tuần này.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 18- 22/4
1. Kuwait khẳng định OPEC+ sẽ đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, ông Mohamed al-Fares, khẳng định chiến lược của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, là tăng sản lượng dầu thô theo từng tháng nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa cung và cầu cũng như giữ ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
2. Thặng dư thương mại Brazil đạt kỷ lục mới
Bộ Kinh tế Brazil cho biết thặng dư thương mại nước này trong 4 tháng đầu năm nay đạt gần 19,45 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức xuất siêu kỷ lục trong 4 tháng đầu năm từng được ghi nhận từ trước đến nay tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này. Brazil đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục trong 4 tháng đầu năm nay chủ yếu là do ngành xuất khẩu nước này được hưởng lợi từ việc giá cả nguyên liệu thô trên thị trường toàn cầu tăng vọt trong thời gian qua.
3.Campuchia xây dựng cảng lớn thứ ba tại Đông Nam Á
Các quan chức Campuchia cho biết nước này đã bắt đầu xây dựng một cảng biển đa năng và kho vận trị giá 1,5 tỷ USD tại tỉnh Kampot, phía Tây Nam. Theo đó, cảng đa năng này sẽ là một cửa ngõ quốc tế mới để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch thương mại giữa Campuchia với các nước khác.
4. FED tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 20 năm
FED thông báo tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm phần trăm, mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000. Sau khi để lãi suất gần bằng 0% trong cả năm 2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức bình thường, như vậy sẽ không góp phần kích thích nền kinh tế.
5. Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt trả đũa phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt liên quan đến các hành động mà Nga coi là thiếu thân thiện của một số quốc gia. Sắc lệnh này cấm các cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức và cá nhân thuộc thẩm quyền của LB Nga thực hiện các giao dịch và nghĩa vụ đối với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài đã bị áp dụng các biện pháp trả đũa, cũng như cấm xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm từ Nga có lợi cho những cá nhân và thực thể mà nước này đã trừng phạt.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 25 - 29/4
6. Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh
Theo các cuộc khảo sát về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), cả hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn sự lây lan của đợt bùng phát dịch COVID-19. Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei tại Pinpoint Asset Management dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II sẽ suy giảm vì các đợt phong tỏa có thể sẽ diễn ra liên tục.
7. Châu Âu sẽ cấm vận hoàn toàn dầu của Nga trong vòng 9 tháng
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết, khối này sẽ thực hiện từng bước cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga trong vòng 9 tháng, tùy thuộc vào các loại sản phẩm dầu mỏ. Các thời hạn ngắn hơn sẽ gây ra tác động tiêu cực đến giá dầu toàn cầu, điều này mâu thuẫn với mục tiêu của khối.
8. Mỹ và Đức nhất trí tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh cam kết tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine cũng như các biện pháp chống lại Nga trong cuộc điện đàm mới đây. Hai nhà lãnh đạo này cũng xem xét các nỗ lực trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine và viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người dân Ukraine chịu ảnh hưởng bởi chiến sự.
9. Làn sóng biểu tình gia tăng phản đối chính quyền quân sự ở Sudan
Các lực lượng, đảng phái ở Sudan đã xuống đường yêu cầu chuyển tiếp và để chính quyền dân sự lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, Tổng tư lệnh quân đội Al-Burhan đã nhiều lần nhắc lại rằng quân đội sẽ vẫn nắm quyền điều hành trừ khi thông qua sự đồng thuận quốc gia hoặc tổng tuyển cử. Ít nhất 95 người biểu tình đã bị chết trong các cuộc đụng độ kể từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay.
10. Trung Quốc tiếp tục khẳng định tuân thủ chính sách “zero Covid-19 năng động”
Tại cuộc họp mới đây của Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự tuân thủ chính sách “zero Covid-19 năng động”, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại mọi lời nói và việc làm xuyên tạc, nghi ngờ và phủ nhận các chủ trương, chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm