Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu chuyến công du nươc ngoài; Nga cắt khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria; Mỹ xem xét phê duyệt gói hỗ trợ mới cho Ukraine... là những tin đáng chú ý.
>>Nhịp sống thế giới từ ngày 18- 22/4
1. Nga cắt khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria
Nga thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng họ sẽ dừng giao khí đốt từ ngày 27/4 sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng Rúp cho công ty năng lượng Nga Gazprom. Ngay sau đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Ba Lan và Bulgaria đã bắt đầu nhận khí đốt từ các nước láng giềng nhằm bù đắp cho việc bị Nga cắt nguồn cung.
2. Ông Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai năm 2022 với 57,6% số phiếu bầu. Trong khi đó, đối thủ của ông Macron, ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen chỉ giành được 42,4% số phiếu.
3. Lạm phát ở Đức lên mức cao nhất trong 40 năm qua
Việc đứt gãy nguồn cung, đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine đã khiến giá cả các mặt hàng ở Đức tăng mạnh từ nhiều tháng qua. Trong tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu này đã tăng 7,4%, mức cao nhất trong 40 năm qua. Mức lạm phát ghi nhận trong tháng 4/2022 là mức cao nhất ở Đức kể từ mùa Thu năm 1981 và tăng hơn 0,1% so với tháng 3/2022.
4. Tổng thống Zelensky tiếp đón hai Bộ trưởng Mỹ tại Kiev
Ngày 24/4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Ông Blinken và ông Austin nói Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp hơn 300 triệu USD hỗ trợ tài chính quân sự cho Ukraine để nước này mua thêm các hệ thống phòng không hiện đại và tích trữ thêm vũ khí tương thích chuẩn NATO.
5. Triều Tiên diễu binh quy mô lớn trong đêm
Hãng Yonhap (Hàn Quốc) cho biết Bình Nhưỡng tối 25/4 đã tổ chức diễu binh kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPRA). Phát biểu tại lễ diễu binh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết sẽ tiếp tục củng cố và phát triển vũ khí hạt nhân.
>>Nhịp sống thế giới từ 11-15/4
6. Thủ tướng Nhật Bản bắt đầu chuyến công du nước ngoài
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã rời Tokyo, bắt đầu chuyến công du nước ngoài kéo dài 8 ngày. Trong chuyến công du này, Thủ tướng Kishida sẽ tới thăm 3 nước ở Đông Nam Á là Indonesia (từ ngày 29-30/4), Việt Nam (từ ngày 30/4 đến 1/5) và Thái Lan (từ ngày 1-2/5). Sau đó, ông sẽ tới thăm Italy và Vương quốc Anh, rồi trở về Nhật Bản vào ngày 6/5.
7. Tổng thống Mỹ đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ mới 33 tỷ USD cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/4 cho biết đã đề nghị Quốc hội nước này thông qua gói hỗ trợ mới trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine. Hơn 20 tỷ USD trong gói hỗ trợ này sẽ dành để hỗ trợ vũ khí, đạn dược và những hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine, 8,5 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho Kiev và 3 tỷ USD dành cho các hoạt động nhân đạo.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng đề xuất sẽ cho phép giới chức Mỹ tịch thu thêm nhiều tài sản của các nhà tài phiệt Nga để có thể hỗ trợ tiền mặt cho Ukraine và xử phạt những đối tượng né tránh các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
8. Nga trả đũa Nhật Bản
Nga tuyên bố trục xuất 8 nhà ngoại giao Nhật Bản để trả đũa động thái quốc gia này trục xuất 8 nhà ngoại giao và quan chức thương mại của Nga. Nước này cũng tuyên bố ngừng nhập khẩu than từ Nga để phản ứng trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
9. Kinh tế Mỹ lần đầu tăng trưởng âm từ giữa năm 2020
Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này giảm 1,4% trong Quý I so với cùng kỳ năm 2021, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,9% của Quý IV năm 2021. Đây là lần đầu tiên kinh tế Mỹ tăng trưởng âm kể từ giữa 2020, khi lệnh phong tỏa phòng COVID-19 làm gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động giao thương.
10. Biến đổi khí hậu khiến 4% GDP toàn cầu gặp rủi ro
Nghiên cứu mới được thực hiện ở 135 quốc gia ước tính biến đổi khí hậu có thể khiến 4% GDP toàn cầu mỗi năm gặp rủi ro đến năm 2050 và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều vùng nghèo hơn trên thế giới. Trong đó, các nước thu nhập trung bình và thấp hơn có khả năng bị thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội nhiều hơn trung bình 3,6 lần so với các nước giàu có.
Có thể bạn quan tâm