Tuyên Quang phát triển hệ sinh thái bền vững
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Tỉnh luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư chính là thành công của tỉnh nhà.
>> Tuyên Quang: Kiến tạo không gian phát triển mới
- Theo ông, đâu là điểm nổi bật của Tuyên Quang trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua?
Xuyên suốt một mục tiêu “trải thảm mời gọi đầu tư”, Tỉnh Tuyên Quang đã thực sự dốc toàn lực để xây dựng nên một môi trường đầu tư hấp dẫn với việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện đại, kết nối. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề và nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, ý nghĩa.
Tuyên Quang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành (DDCI) với mục tiêu không ngừng cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, địa phương, tạo động lực thực hiện cải cách thường xuyên, liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Tỉnh tiên phong trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư “đo lường” bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở. Chính việc đổi mới liên tục trong cách tiếp cận doanh nghiệp, vấn đề doanh nghiệp quan tâm đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo bứt phá trong cải cách hành chính.
Lắng nghe, thay đổi tư duy phục vụ đang được các sở, ngành trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện với việc tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, công khai quy hoạch đất, quy hoạch đô thị, các dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp... Những thay đổi tích cực đó hướng tới cách phục vụ chủ động, góp phần đưa tỉnh 8 lần liên tiếp vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng PCI với kết quả năm 2021 ở vị trí 29/63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có đến 6 chỉ số tăng điểm so với năm 2020, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai; tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh...
- Ông có thể chia sẻ đôi nét về kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh?
Nhờ tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư để phát triển đã mang lại những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn Tỉnh đã thu hút được 206 dự án với tổng số vốn hơn 32 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh thu hút 36 dự án đầu tư với số vốn gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020-2025. Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong Tỉnh nhằm xây dựng một môi trường đầu tư năng động, thân thiện, minh bạch và hiệu quả nhất để mở cửa chào đón các nhà đầu tư.
- Hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, Tuyên Quang đã đưa ra các giải pháp gì, thưa ông?
Tuyên Quang đã định vị môi trường sinh thái là nguồn tài sản quý, lợi thế cạnh tranh, một trụ cột trung tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Với sự nỗ lực trong suốt chặng đường phát triển, “con đường” đến với nền kinh tế xanh của Tuyên Quang đã dần hình thành.
Tuyên Quang hiện có trên 448.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 415.000 ha, trong đó có trên 233.000ha rừng tự nhiên; trên 182.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tuyên Quang cũng là một trong 3 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Hàng năm, tỉnh thực hiện trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000 ha rừng trồng bằng cây chất lượng cao.
Bảo vệ và phát triển vốn rừng, Tuyên Quang đang tạo ra lợi thế lớn, môi trường sinh thái được bảo vệ, hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn. Trên địa bàn các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... những cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt, hệ động thực vật được bảo tồn, phát triển đa dạng, phong phú, tạo ra môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Tuyên Quang đã trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi Tỉnh đã hình thành các khu điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đối với dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm năng tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, xanh, sạch và theo chiều sâu. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ.…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói
12:29, 21/12/2022
Tuyên Quang: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai
18:53, 22/10/2022
Tuyên Quang: Đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư
17:02, 22/10/2022
Tuyên Quang: Kiến tạo không gian phát triển mới
16:25, 22/10/2022
Tuyên Quang: Giao thông đi trước
13:48, 22/10/2022
Tuyên Quang: Đột phá trong chuyển đổi số
11:33, 22/10/2022
Tuyên Quang: Tăng niềm tin với doanh nghiệp
10:37, 22/10/2022