TP. HCM sắp xếp lại các cơ quan báo chí: Không để cơ quan báo chí nào bị xóa tên!
Đó là khẳng định của ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM, tại Hội nghị triển khai Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP. HCM đến năm 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở TTTT TP. HCM cho biết, thành phố là một trong những địa phương triển khai quyết liệt quyết định (số 362/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo ông Từ Lương, thành phố hiện có 28 cơ quan báo chí và thực hiện sắp xếp 27 cơ quan báo chí, trừ báo Công An TP. HCM sắp xếp theo hệ thống của ngành công an. Khi thực hiện phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện, thành phố có đánh giá kỹ lưỡng hiện trạng của báo chí TP. HCM hiện nay và đã lên phương án sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí (1 đài truyền hình, 1 đài phát thanh, 7 báo, 10 tạp chí). Như vậy, sau sắp xếp, thành phố giảm 8 cơ quan báo chí, trong đó chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin.
“Trong quá trình thực hiện, Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe ý kiến của các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí. Riêng Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM cũng đã 3 lần tổ chức Hội nghị để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các cơ quan báo chí. Điều đó cho thấy rằng, từng bước đi của thành phố là thận trọng, khoa học và đảm bảo được yêu cầu của lãnh đạo thành phố là không có cơ quan báo chí nào bị xóa tên”. - Ông Từ Lương chia sẻ.
Đánh giá về vai trò của báo chí thành phố, ông Từ Lương cho rằng, trong quá trình phát triển vừa qua, báo chí TP. HCM đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình, đóng góp cho sự nghiệp thông tin truyền thông của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có hiện tượng một số phóng viên, biên tập viên đã lợi dụng chức năng của mình để thực hiện những việc làm không thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, gây ảnh hưởng đến uy tín của báo chí TP. HCM.
Về tiến độ thực hiện, ông Từ Lương cho biết, Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TTTT, các địa phương phải tiến hành xong việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí trước ngày 30/6/2020, thay vì ngày 31/12/2020, với tinh thần đẩy nhanh tiến độ, nhưng không làm giảm chất lượng của việc sắp xếp.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều cơ quan quản lý báo chí cũng như các cơ quan báo chí mong muốn thành phố cho thêm thời gian để sắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động, nhất là công tác sắp xếp nhân sự của các cơ quan báo chí sau khi sáp nhập. Đại diện các cơ quan báo chí cũng ủng hộ Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP. HCM đến năm 2025, trong đó quan điểm không “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Văn Minh - Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM đánh giá, quá trình quy hoạch báo chí của thành phố thời gian qua thu hút sự quan tâm rất lớn trong đội ngũ của những người làm báo nói riêng và là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã tổ chức ba cuộc họp để góp ý cho đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP. HCM đến năm 2025. Việc quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đề án là rất cao và cũng đặc biệt chú ý công tác sắp xếp do đây là vấn đề chưa có tiền lệ, cố gắng không phải để “xóa sổ” một cơ quan báo chí nào sau sắp xếp. Sau khi ban hành đề án, UBND TP. HCM sẽ lập tổ công tác để làm việc với từng cơ quan báo chí ngay sau Hội nghị triển khai đề án này.
“Trong thời gian tới, các cơ quan chủ quản báo chí cần rà soát lại quy chế lãnh đạo để xây dựng nội dung sắp xếp cho phù hợp. Trong đó, cập nhật bổ sung quy chế quản lý để thực thi trách nhiệm cơ quan chủ quản theo mô hình mới sau sắp xếp”. - Ông Minh phát biểu.
Trước đó, ngày 22/5/2020, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP. HCM đến năm 2025, với các mục tiêu như:
Nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Đảng đối với hoạt động báo chí; Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển báo chí TP. HCM theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Theo đó, nội dung trọng tâm của Đề án bao gồm 8 phần: Hiện trạng báo chí thành phố; Sự cần thiết; Cơ sở pháp lý; Quan điểm; Mục tiêu; Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện; Giải pháp thực hiện và Tổ chức thực hiện. Lộ trình sắp xếp được thực hiện qua 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 là từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020, thực hiện sắp xếp. Kết quả sau giai đoạn 1 thành phố còn 19 cơ quan báo chí gồm: 01 đài phát thanh, 01 đài truyền hình, 07 báo (02 báo Tôn giáo), 10 tạp chí. Giảm 08 cơ quan báo chí (chuyển thành 06 ấn phẩm và 02 bản tin).
Giai đoạn 2: Từ 2021 – 2025, hoàn thành sắp xếp. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, các cơ quan báo chí thành phố nhanh chóng ổn định hoạt động và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng kế hoạch hoạt động theo yêu cầu mới.
Có thể bạn quan tâm
TP. HCM sẽ sáp nhập 3 quận và 19 phường
11:00, 21/05/2020
TP. HCM sẽ bồi thường cho người dân Thủ Thiêm trong tháng 5
14:07, 16/05/2020
TP. HCM xúc tiến thêm tuyến metro số 5
02:30, 15/05/2020
Kiến nghị mở rộng đường cao tốc TP. HCM-Long Thành-Dầu Giây lên 12 làn xe
13:00, 12/05/2020
TP. HCM: Thanh tra Chính phủ sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm vào cuối tháng 5
13:19, 11/05/2020
“Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế TP. HCM
05:00, 09/05/2020