Đối đầu Mỹ-Trung: D. Trump đã bắt “thóp” đối phương?
Nước Mỹ đang cố gắng bác bỏ di sản quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của hai người tiền nhiệm, R. Nixon và H. Kissinger.
Cách đây nửa thế kỷ, Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon thực hiện chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc sau khi hai bên đã thực hiện hàng trăm cuộc họp ở “sân trung lập” Warsaw, Ba Lan.
Chuyến thăm bước ngoặt này cùng với tài năng ngoại giao xuất chúng của Tiến sĩ Henry Kissinger đã cho Trung Quốc một “cơ hội ngàn vàng” để bước ra thế giới bất chấp tình hình lo ngại lúc đó của người phương Tây về tư tưởng, kinh tế của quốc gia cộng sản lớn như Trung Quốc.
Cơ sở lý luận và (nỗi lo) của người Mỹ lúc ấy là “nếu chúng ta không thay đổi thì Trung Quốc sẽ thay đổi chúng ta”. Muốn Trung Quốc “thay đổi” thì phải cho họ mở cửa, chơi theo luật toàn cầu do Mỹ định ra. Nhưng suốt 50 năm qua, từ R. Nixon đến B. Obama vẫn chờ đợi “Trung Quốc thay đổi”. Song, điều đó giờ được ví như “Frankenstein”.
Ngày 23/7, tại Thư viện mang tên Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có bài phát biểu “tổng kết và rút gọn” tất cả nhiệm vụ chống Trung Quốc, theo Pompeo:“Cố vấn O’Brien nói về hệ tư tưởng, Giám đốc FBI Wray đề cập tới hoạt động gián điệp, Bộ trưởng Kinh tế Barr nhắc đến nền kinh tế”.
Việc ông Pompeo đăng đàn tại Thư viện Nixon là một hàm ý tinh tế. Người Mỹ bây giờ - phải chăng đang xét lại di sản ½ thế kỷ quan hệ với Trung Quốc của tiền nhân? Chắc chắn như thế!
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ không khỏi khiến tất cả giật mình. Chúng ta từng nghĩ rằng, một Trung Quốc thâm thúy Nho học luôn đi những nước cờ kín đáo, “đánh như không đánh, chiến như không chiến, không chiến mà chiến”. Binh pháp Tôn Tử được dẫn đi dẫn lại nhiều lần.
Chúng ta cũng thường nghĩ rằng, người phương Tây với lối tư duy siêu hình, máy móc, trọng động mà ít thấy tĩnh, thường chỉ trực diện mà ít quan tâm bản chất vấn đề sẽ không dễ dàng bắt nạt Trung Quốc.
Nhưng bài phát biểu của ông Pompeo như một viên đạn bắn xuyên qua suy nghĩ, hành động, chiến lược của Trung Quốc. Họ hiểu Trung Quốc hơn cả chính chúng ta. Đây là điều rất đáng lưu tâm, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô hẳn phải đánh giá lại tầm vóc “chiến tranh chính trị” của Mỹ.
Xin dẫn ra một ví dụ rất nhỏ: Khi Mỹ tỏ ý cấm nhập cảnh trên diện rộng với công dân Trung Quốc, Bắc Kinh đã phản lại rằng “như thế là Mỹ chống lại 1,5 tỷ người”. Kế “man thiên quá hải” trong Tôn Tử binh pháp chăng?.
Nhưng Washington đã hiểu ra rằng, nhân dân Trung Quốc là một chuyện, chiến lược, chính sách của Trung Quốc được ban ra bởi các nhà cầm quyền hiện nay là một chuyện. Phải tách bạch nó ra!
Đúng rằng, chiến lược, chính sách dù tốt đến mấy mà không động viên được nhân dân cùng tham gia đều thất bại. Dù “một mình một chợ” trên Biển Đông, gây xung đột biên giới khắp nơi. Nhưng khi gặp trở ngại lớn, truyền thông Trung Quốc lập tức lên dây cót cho nhân dân!
Thực sự giật mình khi ông Pompeo nói rằng, “Trung Quôc không như các quốc gia khác. Giao dịch với Trung Quốc phải khác biệt, không theo lối thông thường”. Đây là kết luận dường như đánh trúng tâm lý của cả người Việt Nam!
Tất cả đều cần đến Trung Quốc để phát triển thương mại, lưu thông hàng hóa. Nhưng đây lại là vấn đề đầu mối phát sinh hệ quả, đó là sự phụ thuộc. Từ thị trường lớn nhất thế giới, đã sản sinh ra hàng trăm triệu Hoa kiều “túc kế đa mưu”, họ đi khắp thế giới. Buôn bán với thương nhân Hoa kiều - ở Việt Nam có quá nhiều bài học xương máu.
Kiểu thương mại bất cân đối ấy, với Mỹ là một quy mô khác, lớn hơn rất rất nhiều, những gì được xem là tinh túy nhất của kinh tế, công nghệ Trung Quốc bằng cách nào đó có mặt, gây nghi ngờ khắp nơi. Nhưng tuyệt nhiên, chưa một chính phủ nào lên tiếng mạnh mẽ, ngoài Tổng thống Trump!
Còn rất nhiều dẫn chứng mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt ra trong bài phát biểu tại Thư viện Nixon, cũng rất nhiều trong số đó cần thời gian để xác thực. Nhưng đây là thông điệp toàn diện, chứng tỏ ông Trump không còn muốn dừng lại ở chiến tranh thương mại!
Bài phát biểu này có ý nghĩa thế nào với chúng ta? Mỹ hiểu tường tận Trung Quốc, thì chắc chắn hiểu các quốc gia khác tương tự!
Có thể bạn quan tâm
Mỹ-Trung còn lại gì sau hai năm thương chiến?
06:30, 10/07/2020
Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ-Trung? (Bài 2)
08:00, 03/07/2020
Liệu có xảy ra chiến tranh tài chính Mỹ-Trung? (Bài 1)
11:30, 02/07/2020
CPTPP và RCEP có "vá" được thương chiến Mỹ-Trung?
12:00, 01/07/2020
Mỹ-Trung tình hình căng thẳng đến mức nào?
06:35, 01/06/2020
Huawei, “ngòi nổ” mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
11:20, 18/05/2020
Cuộc chiến Mỹ-Trung trên mặt trận COVID-19
06:01, 02/05/2020