Mỹ-Trung tình hình căng thẳng đến mức nào?

NGUYỄN CHUẨN 01/06/2020 06:35

Cuộc đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bước vào một “thời kỳ rủi ro cao” như lời một quan chức quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh từ trước tới nay giống như câu ngạn ngữ của người Trung Quốc “đồng sàng dị mộng”, một mối quan hệ chưa bao giờ được coi là tốt đẹp, bất kể dưới thời vị lãnh đạo nào của cả hai bên.

Tuy nhiên, nó vẫn không “quá tệ” đến mức coi nhau như “kẻ thù” cho đến khi có sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ

Quan hệ "đối tác-đối thủ" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc luôn tồn tại từ trước tới nay

Căng thẳng leo thang

Trong một cuộc “tấn công” dồn dập vào Bắc Kinh cuối tuần qua, Trump đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc phá hủy quyền tự trị cao cấp của Hồng Kông và ông đe dọa sẽ đưa ra những “trừng phạt thích đáng”. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu chỉ trích chính quyền Bắc Kinh tại Vườn Hồng Nhà Trắng vào ngày 29/5 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu chỉ trích chính quyền Bắc Kinh tại Vườn Hồng Nhà Trắng vào ngày 29/5 vừa qua

Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng Nhà Trắng: "Họ đã “xé toạc” Hoa Kỳ như chưa từng có ai làm trước đây, họ “đột kích” các nhà máy của chúng tôi và "rút ruột" các ngành công nghiệp của Mỹ”.

Cũng trong ngày 29/5, Trump nói Mỹ sẽ có biện pháp bảo vệ các đại học Mỹ trước nỗ lực ăn cắp công nghệ của Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ cấm nhập cảnh với "một số người từ Trung Quốc" bị xem là “rủi ro an ninh”.

Và ngay sau phát biểu của Trump, Nhà Trắng công bố lệnh tạm ngừng nhập cảnh với sinh viên sau đại học và các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc, sắc lệnh có hiệu lực từ thứ hai tuần sau và sẽ còn tiếp tục cho tới khi có sự thay đổi từ Tổng thống Mỹ.

Sắc lệnh mới này mục đích chủ yếu nhắm vào những sinh viên và công dân Trung Quốc đã từng làm việc, học tập và nghiên cứu với các cơ quan Trung Quốc mà theo như chính quyền Mỹ cho rằng đó là chương trình "Quân sự - Dân sự kết hợp" của Trung Quốc.

Và ở chiều ngược lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả động thái mới nhất của Mỹ, nhưng cụ thể thì chưa đưa ra những biện pháp cứng rắn nào khác ngoài những tuyên bố đanh thép của các lãnh đạo cao cấp giới quân sự Trung Quốc.

Mới đây, trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo của Đảng Cộng sản Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra một bài báo có tựa đề “Era of US intimidating China over” (Thời đại Hoa Kỳ bắt nạt Trung Quốc đã qua), nói thẳng về một loạt vấn đề trong quan hệ hai bên.

Tờ báo này cho rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng ứng phó trên bất kỳ một lĩnh vực nào mà Hoa Kỳ “rắp tâm” làm khó nước này. Bài báo này cũng cho rằng, điểm yếu của Trung Quốc là lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, thời điểm này, Trung Quốc “sẽ vận động toàn bộ dân tộc” để đạt mục tiêu có nền kinh tế công nghệ cao, như khi vận dụng để tự chế ra bom nguyên tử trước đây.

Theo giới quan sát nhận định, căng thẳng giữa hai bên có khả năng leo thang hơn nữa do lợi ích cạnh tranh của họ trên toàn cầu trong các lĩnh vực như thương mại, công nghệ và tư tưởng.

Wei Zongyou, giáo sư về quan hệ Mỹ-Trung tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết “có rất ít khả năng” làm dịu sự căng thẳng giữa hai bên và dự đoán rằng việc tách rời của Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tăng cường hơn nữa trong một loạt các lĩnh vực.

Rõ ràng, thời điểm này, có vẻ như Bắc Kinh và Washington đã không còn có thể là “đồng minh” một lần nữa như giới chức lãnh đạo Trung Quốc mong muốn.

Phản ứng của Bắc Kinh

Hôm thứ Bảy vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Wei Fenghe nói rằng nước này “cần tăng cường tinh thần chiến đấu, dám chiến đấu và sử dụng chiến đấu để thúc đẩy sự ổn định toàn cầu”.

Trong khi các quan chức quân sự khác lại cẩn trọng cho rằng, nhiệm vụ cần thiết của Bắc Kinh là phải “ đón đầu và bắt kịp các quốc gia phương Tây trong việc phát triển các công nghệ cốt lõi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Wei Fenghe.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Wei Fenghe

Ngoài ra, Zhu Cheng, người đứng đầu bộ phận vũ khí của Không quân PLA- Giải phóng quân Trung Quốc, cho biết sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây trong công nghệ cao, không gian, hàng hải và các lĩnh vực sinh học đang gia tăng một cách đáng kể trong thời gian gần đây.

Zhu Cheng cũng đề nghị đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ cải tiến và cách mạng phát triển của nước này để tránh các lỗ hổng chiến lược do tụt hậu với Hoa Kỳ và các nước phương Tây.

Trong một tuyên bố mới vào tuần trước, Bắc Kinh cho rằng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 6,6%. Mặc dù, năm 2020, Trung Quốc đã báo cáo sự thu hẹp nền kinh tế trong quý đầu tiên - một cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1992. Và đây cũng là lần đầu tiên, Bắc Kinh không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng nói rằng họ sẽ cắt giảm chi tiêu trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm các vấn đề đối ngoại, giáo dục và khoa học, với các dịch vụ công cộng chung để cắt giảm lớn nhất, 13,3%.

Tín hiệu "mạnh" đã được phát đi

Khi quan hệ Trung-Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, các quan chức và học giả Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ hai bên có thể sẽ dẫn nhau đến “một cuộc xung đột vũ trang” tình cờ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường bấm nút bỏ phiếu về luật an ninh Hong Kong ngày 28/5 tại Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng bấm nút bỏ phiếu về luật an ninh Hong Kong ngày 28/5 tại Bắc Kinh

Mới đây, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger nói trong một diễn đàn ở Bắc Kinh rằng, “một đám cháy nhỏ, khi ngoài tầm kiểm soát có thể trở thành đám cháy lớn”, căn nguyên của chiến tranh thế giới thứ nhất cũng bắt đầu như vậy.

Trước đó, các nhà quan sát đã hy vọng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký giữa Bắc Kinh và Washington vào tháng 1 có thể làm giảm bớt một số căng thẳng.

Mới tuần trước, ông Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh và Washington đã cam kết cùng nhau thực hiện thỏa thuận này, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ tách rời nhau thì sẽ không có lợi cho cả hai bên và điều đó cũng sẽ gây phương hại cho thế giới.

Tuy nhiên, “cuộc chiến ngôn từ” leo thang cùng với sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa gia tăng đối với trật tự thế giới" và kêu gọi các nước đứng về phía Mỹ để chuẩn bị cho “một cuộc xung đột lớn” chống lại Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, mới đây, trên tờ Bưu điện Hoa Nam, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng, quân đội Trung Quốc phải “chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc chiến đấu vũ trang” và cũng nên khám phá những cách huấn luyện phù hợp trong đại dịch.

Có thể bạn quan tâm

  • QUỐC TẾ TUẦN QUA: Mỹ, WTO

    QUỐC TẾ TUẦN QUA: Mỹ, WTO "chia tay", thế giới không còn phẳng!

    11:00, 31/05/2020

  • Mỹ và WHO, vì đâu tan vỡ?

    Mỹ và WHO, vì đâu tan vỡ?

    16:20, 30/05/2020

  • Thách thức với chính sách đối ngoại Mỹ hậu COVID-19

    Thách thức với chính sách đối ngoại Mỹ hậu COVID-19

    11:10, 28/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ-Trung tình hình căng thẳng đến mức nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO