Vì sao Mỹ “tiền hậu bất nhất” về Trung Quốc?
Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp một thị trường tiêu dùng đủ lớn và một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Thế giới luôn mong ngóng và tự phác thảo cho mình “chính sách của Mỹ về Trung Quốc”. Điều này là hiển nhiên khi mối quan hệ đặc biệt quan trọng này có sức ảnh hưởng đối với phần còn lại trên địa cầu.
Sự thật, kể từ thời điểm kết thúc “đêm tân hôn” sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn”, giới kinh tế và giới chính trị Mỹ chưa hề tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề Trung Quốc.
Về cơ bản, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa - chống lại Trung Quốc luôn là xương sống trong mọi chính sách. Cố nhiên, người Mỹ và người Trung Quốc sinh ra là để đối lập nhau! Nhưng quan hệ kinh tế không phải như vậy.
Vì đây là hai hệ thống chính trị hoàn toàn khác biệt, hiện nay Mỹ là quốc gia tư bản lớn nhất còn Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa mạnh nhất. Nói đúng hơn Bắc Kinh chỉ thay thế vị trí của Liên Xô trong bàn cờ chính trị quốc tế.
Lịch sử thế giới cận - hiện đại tính từ năm 1917 được điển hình bởi mâu thuẫn giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa, Mỹ và đồng minh đã thành công trong việc bao vây cô lập Liên Xô, Đông Âu - không chỉ vì Đảng Cộng sản Liên Xô suy yếu mà còn có yếu tố lịch sử, địa kinh tế, chính trị.
Vài thập kỷ trước, toàn cầu hóa là thuật ngữ còn xa lạ, nói riêng trong lĩnh vực kinh tế, hai cực Đông - Tây, Mỹ - Xô hoàn toàn tách biệt, các công ty Mỹ hầu như không làm ăn ở Liên Xô, ngược lại, những đế chế công nghệ Nhật Bản có mặt rất sớm tại Mỹ.
Mỹ và NATO quật ngã Liên Xô vì họ không có lợi ích kinh tế nào ngoài mục tiêu chính trị, khống chế chủ nghĩa xã hội. Với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, họ xem các nước tư bản là mối họa.
Từ năm 1990, cục diện thế giới thay đổi, sau khi Liên Xô không còn, Mỹ và châu Âu trở nên…thân thiện hơn, sẵn sàng bắt tay với đối thủ một thời, mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại - điều mà những người thận trọng chính trị gọi là “thuộc địa kiểu mới”.
Trung Quốc đã thuộc lòng kinh nghiệm ở Liên Xô, năm 1979 Đặng Tiểu Bình đích thân sang thăm Mỹ với thái độ hết sức thân thiện. Quan hệ Trung - Mỹ được dự báo sẽ khác quan hệ Mỹ - Xô.
Đúng như vậy, giới kinh tế Mỹ nhìn thấy ở Trung Quốc rất nhiều lợi ích béo bở: Chính sách mở cửa thu hút đầu tư, thị trường đông dân nhất thế giới, nguồn lao động giá rẻ, dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất Trung Quốc, bất chấp lời kêu gọi đánh thuế tất cả các doanh nghiệp rời Mỹ sang Trung Quốc, bất chấp chiến tranh thương mại, dịch bệnh COVID-19. Người Trung Quốc vẫn chuộng hàng Mỹ, còn các doanh nghiệp Mỹ không muốn bỏ qua thị trường tiêu thụ khổng lồ.
Những công ty như Popeyes, Walmart, Tesla hay Exxon Mobil đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước này. Kỳ vọng này lấn át cả lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Hà cớ gì Apple, Tesla, Exxon Mobil phải chuyển khỏi Trung Quốc khi không thể tìm được nơi nào tốt hơn? Nói như Chủ tịch phòng Thương mai châu Âu tại Trung Quốc: “Nếu bạn không hoạt động tại thị trường này, người Trung Quốc sẽ sang thị trường của bạn. Tốt hơn là nên cạnh tranh ở đây thay vì chờ đến khi họ xuất hiện trước cửa nhà bạn”.
Mâu thuẫn kinh tế và chính trị ở Mỹ là điển hình và thường xuyên. Suy đến cùng chưa một Tổng thống Mỹ nào có thể chiến thắng giới tài phiệt, thậm chí có thuyết còn cho rằng, đằng sau chiếc ghế Tổng thống là những “ông trùm” công nghiệp bí ẩn!
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ Mỹ - Trung: Những “lớp sóng” không bao giờ yên ả
05:00, 01/10/2021
Bất luận thế nào Mỹ - Trung vẫn cần nhau!
05:30, 24/07/2021
Mỹ - Trung đã “Chiến tranh lạnh” hay chưa?
06:00, 01/07/2021
Mỹ - Trung và cuộc cạnh tranh đường dài trong lĩnh vực công nghệ
05:30, 10/06/2021
Mỹ - Trung có dễ dàng giảm nhiệt căng thẳng trong thời gian tới?
04:00, 01/06/2021