Chiến tranh thương mại sẽ được giải quyết khi đôi bên cảm thấy "đủ thiệt hại". Nhận định này đang dần hiện thực.
Với mức thuế cao chót vót mà Washington áp vào khối lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc - từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, xe đạp, thậm chí cả thức ăn cho vật nuôi. Và những điều khoản gai góc trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, những tưởng sẽ là hồi kết cho mối quan hệ kinh tế này!
Nhưng không phải! Trong 4 tháng đầu năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, tổng giá trị thương mại của hai quốc gia này vẫn tăng 50,3%, đạt 224,8 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 49,3%, nhập khẩu từ Mỹ tăng 53,3%.
Sự bùng nổ chắc chắn tiếp tục diễn ra, với việc Trung Quốc mua hàng triệu tấn hàng nông sản của Mỹ cho năm 2021, 2022 và người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tích mua sắm và nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc với số lượng kỷ lục.
Điều này chứng tỏ, chiến tranh thương mại chẳng qua chỉ là cơn nóng giận tức thời. Thực chất nội tại, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ vẫn rất cần nhau để phát triển cân bằng.
Có vẻ như hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã “cùng nhau chiến thắng trong thương chiến” và đang tạo ra những tiền lệ chưa từng có trong lịch sử thương mại toàn cầu. Đó là gì?
Bắc Kinh tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận thương mại giai đoạn I bằng cách tăng cường mua lúa mỳ và ngô của Mỹ. Trong vòng 10 tháng năm 2020, Trung Quốc hoàn thành 71% cam kết trị giá 23 tỷ USD, con số này tăng mạnh kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Điều này có nghĩa các doanh nghiệp hai phía đã thích ứng với hàng rào thuế quan rất cao, họ tìm cách cắt giảm chi phí, đẩy khoản bù đắp cho người tiêu dùng. Hơn nữa, Trung Quốc không còn cách nào khác!
Chẳng có gì tốt đẹp nếu tiếp tục căng thẳng, Trung Quốc là nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất toàn cầu; thị trường 1,4 tỷ “miệng ăn” luôn đối diện với nguy cơ mất an ninh lương thực. Hòa hoãn với Mỹ là có lợi cho đại cục.
Ngược lại, Mỹ đặc trưng cho xã hội tiêu thụ - nơi có hàng trăm tập đoàn đa quốc gia kiếm ra hàng nghìn tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc, bởi vì không có nơi nào đủ điều kiện sản xuất nhanh, rẻ và chất lượng như Trung Quốc.
Một khảo sát của IHS Markit hồi tháng 10 năm ngoái tại 6.600 doanh nghiệp lớn nhất ở 12 quốc gia cho thấy kết quả đáng suy nghĩ. Theo đó các công ty Mỹ làm ăn có lãi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tất cả đều có cơ sở ở Trung Quốc!
Hiện tượng này hoàn toàn trùng khớp với số liệu rất khả quan của kinh tế Trung Quốc mấy năm vừa rồi, bất chấp làn sóng suy thoái hàng loạt do dịch bệnh. Như vậy, Trung Quốc vẫn là môi trường lý tưởng để thoát khủng hoảng.
Cách đây vài chục năm, chính các đại doanh nghiệp Mỹ góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo kinh tế Trung Quốc bằng khoản đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ USD, đến nay vẫn là khu vực giải quyết việc làm rất hữu hiệu cho người Trung Quốc.
Mỹ - Trung không những “xung” mà còn “khắc”, nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, thực chất bên trong hai nền kinh tế này quan hệ rất khăng khít, không thể tăng trưởng nếu thiếu nhau.
Từ khi xảy ra chiến tranh thương mại, cựu Tổng thống Trump liên tục hối thúc doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, xây chuỗi cung ứng mới. Sau gần 3 năm, chưa có doanh nghiệp Mỹ nào làm được điều này; cũng chưa có quốc gia nào gánh nổi vai trò của Trung Quốc!
Diễn biến thương mại này đang tạo ra tiền lệ khung khổ cho xung đột và giải quyết xung đột thương mại về sau. Đó là, các bên chấp nhận chơi theo luật riêng của nhau, chấp nhận giao dịch với mức thuế quan bất thường vì vẫn cần nhau.
Nhưng, đây là bài toán kinh tế có tổng bằng 0, bởi vì bản thân thuế quan - suy đến cùng không đem lại lợi ích căn bản cho nền kinh tế. Ông Trump có thể mang về cho ngân sách thêm 75 tỷ USD từ thuế đánh vào hàng Trung Quốc.
Cố nhiên, 75 tỷ USD ấy không sản sinh ra từ tăng trưởng và phát triển. Hay nói đúng hơn, đó là khoản tiền trấn áp từ các doanh nghiệp của nhau, sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế của mỗi nước.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận định từ những ngày đầu nổ ra thương chiến, đây là cuộc chơi chính trị bộc phát, nó sẽ tự khắc được giải quyết khi hai bên cảm thấy đủ thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn cội chiến tranh thương mại
04:00, 19/01/2020
Chiến tranh thương mại dưới góc nhìn “nghệ thuật đàm phán”
11:05, 30/08/2019
Khởi động thuế quan mới trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
00:16, 02/09/2019
Chiến tranh thương mại làm "nghẽn" dòng đầu tư quốc tế
05:30, 27/08/2019
Đâu là nước cờ hiểm của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại?
07:00, 23/08/2019
Dầu thô: Vũ khí mới của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại?
11:00, 10/08/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Chỉ chấm dứt khi Trung Quốc nhượng bộ
11:37, 24/05/2019