Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ hệ thống KRX, định giá hấp dẫn, triển vọng nâng hạng và khả năng dòng vốn ngoại quay trở lại.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bước vào một giai đoạn bản lề với nhiều chuyển động đáng chú ý và những kỳ vọng lớn cho giai đoạn cuối năm 2025 và kéo dài sang năm 2026. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, xung đột địa chính trị và những cú sốc kinh tế bất ngờ, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có những cải thiện về cấu trúc, thanh khoản và dòng tiền. Vậy đâu là những yếu tố mang lại sự kỳ vọng đó?
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin Việt Nam phân tích trước hết, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng các rủi ro vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt là từ môi trường kinh tế quốc tế. Hai rủi ro nổi bật hiện nay bao gồm: sự leo thang của các cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, điều đã, đang và có thể tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu; và thứ hai là các yếu tố bất định không thể lường trước từ biến động chính sách của các nền kinh tế lớn, khủng hoảng tài chính, đến dịch bệnh hay các thảm họa bất ngờ khác. Tuy nhiên, chính trong môi trường đầy biến động ấy, nhà đầu tư lại càng kỳ vọng vào những thay đổi tích cực đến từ nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một trong những điểm sáng được kỳ vọng là việc đa dạng hóa sản phẩm phái sinh nhờ vào nền tảng KRX. Dù hệ thống KRX chỉ vừa chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025 và vẫn đang trong giai đoạn làm quen, điều chỉnh kỹ thuật, nhưng được đánh giá rằng nó sẽ mở đường cho sự phát triển thêm nhiều sản phẩm mới trong tương lai gần.
“Hiện nay, sản phẩm phái sinh chủ yếu chỉ tập trung vào VN30. Phái sinh trái phiếu chính phủ gần như không có giao dịch. Điều này cho thấy thị trường sản phẩm còn rất hạn chế. Do đó, với KRX, thị trường có thể chứng kiến sự mở rộng sang các nhóm sản phẩm đa dạng hơn, sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2025 hoặc thậm chí sang năm 2026, các sản phẩm mới mới được triển khai, nhưng đây là tiền đề quan trọng để thị trường trở nên phong phú, hấp dẫn và tiệm cận chuẩn quốc tế hơn.
Cần lưu ý rằng nền tảng KRX không còn là công nghệ mới nhất do đã được lên kế hoạch triển khai từ năm 2012-2013, nhưng vẫn là một bước tiến so với hệ thống cũ vốn đã rất lạc hậu. Việc áp dụng hệ thống KRX giúp thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng”, ông Phục nhìn nhận.
Kỳ vọng lớn thứ hai là nâng hạng thị trường theo tiêu chí quốc tế vào cuối năm nay. Về mặt kỹ thuật, Việt Nam đã tương đối đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng theo chuẩn FTSE. Xa hơn, nếu chúng ta làm tốt hơn nữa thì đến năm 2026 có thể được nâng hạng theo MSCI. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thận trọng cảnh báo rằng đây mới chỉ là “có thể”, vì câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị trì hoãn nhiều lần trong quá khứ.
Kỳ vọng thứ ba là sự quay trở lại của dòng vốn nước ngoài. Sau một giai đoạn bán ròng kéo dài, các nhà đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ giảm bán và có thể quay lại mua ròng trong năm 2025 nếu các điều kiện vĩ mô và thị trường thuận lợi hơn. Qua đó, thị trường sẽ có sự cải thiện rõ rệt về cung - cầu, góp phần đẩy giá trị thị trường đi lên. Điểm đáng lưu ý là hiện tại, dòng vốn ngoại vẫn chủ yếu tập trung vào một số cổ phiếu nhất định, thay vì trải rộng trên toàn thị trường. Đây là điều các nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng khi theo dõi dòng tiền.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho biết lũy kế từ năm 2024 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng. Tuy nhiên, điểm rất tích cực là khối ngoại đã mua ròng 2.881 tỷ đồng trong tuần giao dịch 12-16/05/2025, đây là tuần mua ròng cao nhất trong 2 năm.
“Nguyên nhân chúng tôi cho rằng có thể đến từ lượng dòng vốn rút ròng ra khỏi thị trường Mỹ trong thời gian gần đây và rủi ro vĩ mô lên nền kinh tế Việt Nam đã giảm đáng kể sau khi Mỹ hoãn thuế đối ứng. Như vậy, có thể thấy đây cũng là lượng dòng tiền mới chứ không đơn thuần là dòng vốn Pnotes vì giá trị mua ròng được phân bổ ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Theo quan sát của chúng tôi, dòng vốn vẫn tiếp tục rút khỏi thị trường cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh định giá TTCK Mỹ ở mức cao và rủi ro kinh tế từ chính sách cho nên dòng vốn toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phân bổ sang các thị trường khác. Như vậy, khối ngoại vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ mua ròng vào TTCK Việt Nam khi định giá của chỉ số VN-Index vẫn ở mức thấp và rủi ro vĩ mô thấp như cách mà dòng vốn toàn cầu đang dịch chuyển vào TTCK châu Âu. Tuy nhiên, dòng vốn này còn có thể chịu sự tác động từ các chính sách thuế quan”, vị chuyên gia phân tích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vào yếu tố hấp dẫn khác: định giá thị trường đang ở mức thấp, mở ra cơ hội đầu tư giá trị rõ ràng. Với mức P/E hiện tại khoảng 12,8 lần, thị trường Việt Nam đang tương đương với Indonesia và chỉ cao hơn một chút so với Philippines. Trong nhóm 10 thị trường khu vực, P/E của Việt Nam thấp hơn cả Trung Quốc (13,84), Hàn Quốc (13,29) và rất thấp so với Ấn Độ (22 lần), Thái Lan (18,11), Malaysia (19,48), và Mỹ (khoảng 30 lần). Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang tương đối rẻ so với mặt bằng chung.
Ngoài ra, diễn biến của khối tự doanh thời gian gần đây chưa thể hiện xu hướng rõ ràng và không đủ để làm cơ sở cho các dự báo ngắn hạn; nhưng nếu kết hợp với tín hiệu từ dòng tiền ngoại và sự kỳ vọng vào cải cách hạ tầng giao dịch, thị trường vẫn có thể tạo được sức bật đáng kể khi bước vào quý IV năm nay.
Mặc dù những rủi ro từ bên ngoài vẫn đang rình rập và nhiều yếu tố bất định có thể khiến thị trường rung lắc, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang sở hữu nhiều yếu tố nền tảng để kỳ vọng vào một sự phục hồi và bứt phá trong giai đoạn cuối năm 2025. Với việc triển khai hệ thống KRX, định giá thấp hơn mặt bằng khu vực, triển vọng nâng hạng và khả năng thu hút dòng vốn ngoại trở lại, thị trường đang ở trong một trạng thái tiềm năng cao. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là cần thiết đối với các nhà đầu tư. Những bước đi vững chắc và cải cách thực chất sẽ là điều kiện tiên quyết để kỳ vọng biến thành hiện thực trong tương lai gần.