Mỹ - Trung và cuộc cạnh tranh đường dài trong lĩnh vực công nghệ

CẨM ANH 10/06/2021 05:30

Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật trị giá 240 tỷ USD về đầu tư vào nghiên cứu khoa học và sáng tạo công nghệ sẽ trở thành dự luật lớn nhất trong nhiều thế hệ của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

Thương viện Mỹ phế duyệt dự luật chi tiêu khủng để đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ

Thương viện Mỹ đã phê duyệt dự luật chi tiêu khủng để đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ  

Với tên gọi Dự luật Đổi mới và Cạnh tranh Mỹ năm 2021 (USICA), Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu trống, trong đó cấp 190 tỷ USD để củng cố năng lực nghiên cứu và công nghệ của Mỹ. Dự luật lần này cũng bao gồm một điều khoản nhằm giải quyết mối lo ngại đánh cắp nghiên cứu và công nghệ khi nêu rõ tài sản trí tuệ do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ phát triển sẽ bị cấm chuyển giao cho các thực thể nước ngoài có liên quan, chẳng hạn như Trung Quốc.

Đặc biệt, với việc đầu tư 52 tỷ USD để tăng tốc phát triển và sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn, thiết bị viễn thông sẽ cho phép Hoa Kỳ cạnh tranh trong tất cả các khía cạnh sản xuất trên phạm vi toàn cầu và chấm dứt tình trạng thiếu hụt chip đã buộc hàng loạt nhà sản xuất ô tô phải tạm thời đóng cửa các nhà máy.

Đồng thời, nếu được thông qua, dự luật sẽ đánh dấu bước ngoặt trong việc giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn của quốc gia này khi mở đường cho việc xây dựng 7-10 nhà máy tại Mỹ. Bên cạnh đó, dự luật cũng đề xuất đối phó ảnh hưởng gia tăng trên toàn cầu của Trung Quốc thông qua ngoại giao, bằng cách phối hợp với các đồng minh và tăng cường tham gia vào các tổ chức quốc tế, sau nhiệm kỳ với chính sách “nước Mỹ trước hết” của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, đây được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố khả năng cạnh tranh và tránh để Trung Quốc vượt mặt trong cuộc đua công nghệ khi dự luật nay cho phép Mỹ vượt xa thế giới về sáng tạo, sản xuất và cạnh tranh trong những ngành công nghiệp tương lai.

Giới quan sát nhận định, các mức tài trợ này là phù hợp và cần thiết trong tình hình hiện nay. Các chính sách đối đầu với Trung Quốc nằm trong số ít những vấn đề đồng cảm giữa lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ. Chính vì vậy, nhiều khả năng, Hạ viện sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này để nhanh chóng trình Tổng thống Mỹ Joe Biden ký phê duyệt trong thời gian tới.

Mặc dù là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng quỹ liên bang dành cho việc sản xuất chip vẫn thiếu so với nhiều cường quốc khác trên thế giới. Ngay sau khi dự luật được Thượng viện thông qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp Mỹ đã lên tiếng ủng hộ bước đi này.

Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh đường dài với Trung Quốc

Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh đường dài với Trung Quốc

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA, John Neuffer cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Hill rằng, dự luật sẽ kích thích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện nhiều nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip hơn trên các bang của Mỹ.

“Chính phủ các nước khác đã đầu tư rất lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và nghiên cứu chip. Việc tài trợ cho ngành sản xuất chất bán dẫn sẽ giúp cân bằng sân chơi toàn cầu và đảm bảo nguồn cung chip cho Mỹ, cũng như mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Neuffer nhấn mạnh.

Đặc biệt, để ngăn Trung Quốc vượt mặt nước này trong cuộc đua tiến bộ công nghệ, gói 190 tỷ USD sẽ đóng vai trò như một liều thuốc kích thích giúp Mỹ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc trong việc nghiên cứu cũng như phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Như Mark Montgomery, giám đốc cấp cao của Trung tâm Đổi mới Công nghệ và Không gian mạng phân tích, một điểm mà Trung Quốc có lợi thế hơn Hoa Kỳ là người Trung Quốc sẵn sàng chi tiền. Trong khi Mỹ không chi tiêu quá nhiều cho lĩnh vực này trong hơn một thập kỷ qua. Vì vậy, nếu Washington định cạnh tranh với Bắc Kinh, chính quyền của Tổng thống Biden cũng cần phải chạy đua về mặt kinh phí. Ngoài nguồn tài trợ khổng lồ, dự luật sẽ đặt ra các ưu tiên rõ ràng cho Quỹ Khoa học Quốc gia về các lĩnh vực mà Hoa Kỳ đang cạnh tranh gay gắt nhất với Trung Quốc.

Đặc biệt, chuyên gia này chỉ ra, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của dự luật là việc thành lập một bộ phận mới tại Quỹ Khoa học Quốc gia, được gọi là Tổng cục Công nghệ và Đổi mới sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ mới và đầu tư vào việc bồi dưỡng nhân tài trong nước với mức đầu 29 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Có thể thấy, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu dài hơi khi nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Và điều này báo hiệu rằng, trong tương lai, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ ngày một căng thẳng hơn và nóng hơn bao giờ hết.

Có thể bạn quan tâm

  • Đối đầu công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Ai đang thắng?

    Đối đầu công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Ai đang thắng?

    05:08, 18/04/2020

  • Mỹ - Trung có dễ dàng giảm nhiệt căng thẳng trong thời gian tới?

    Mỹ - Trung có dễ dàng giảm nhiệt căng thẳng trong thời gian tới?

    04:00, 01/06/2021

  • “Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung

    “Mặt trận mới” trong quan hệ Mỹ - Trung

    11:09, 09/05/2021

  • Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu trong lĩnh vực công nghệ

    Mỹ - Trung tiếp tục đối đầu trong lĩnh vực công nghệ

    05:00, 12/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ - Trung và cuộc cạnh tranh đường dài trong lĩnh vực công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO