Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Cần xử nghiêm hành vi gian lận
Thời gian qua, nhiều nhà thầu bị xử lý nghiêm bởi việc “gian dối” trong hồ sơ bị phát hiện sau khi trúng thầu, tuy nhiên, những hành vi này lại đang được “bỏ qua” đối với các nhà thầu bị loại...
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, các chủ đầu tư đã thông báo công khai 58 quyết định xử phạt đối với nhà thầu vi phạm. Trong đó, có 11 nhà thầu bị cấp có thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm đối với các gói thầu, dự án do mình quản lý vì cung cấp thông tin không trung thực…
Làm “giả” báo cáo tài chính
Tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 8/7 vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam- chi nhánh Bắc Kạn (Agribank chi nhánh Bắc Kạn) cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Thịnh Phong (Công ty Thịnh Phong) đã vi phạm về việc cung cấp thông tin báo cáo tài chính không trung thực trong hồ sơ dự thầu Gói thầu Xây dựng + Thiết bị, công trình mở rộng trụ sở làm việc Agribank chi nhánh huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Hình thức xử lý vi phạm là cấm nhà thầu tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm do Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư trong vòng 3 năm kể từ ngày 8/7/2021.
Cụ thể, Agribank chi nhánh Bắc Kạn cho biết, số liệu của đơn vị này về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo báo cáo tài chính tham dự thầu năm 2017 là 9,15 tỷ đồng, năm 2018 là 10,005 tỷ đồng, năm 2019 là 11,797 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông tin Chi cục Thuế TP. Bắc Ninh cung cấp, số liệu 3 năm lần lượt là 1,779 tỷ đồng, 1,99 tỷ đồng và 4,797 tỷ đồng. Tổng chênh lệch 3 năm lên đến 22,38 tỷ đồng. Trong khi đó, hồ sơ mời thầu yêu cầu doanh thu bình quân hàng năm trong 3 năm này tối thiểu là 6,525 tỷ đồng.
Đại diện Agribank chi nhánh Bắc Kạn cho biết, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Tổ chuyên gia, Bên mời thầu đã đối chiếu hồ sơ gốc, tuy nhiên, Công ty Thịnh Phong cung cấp báo cáo tài chính gốc để đối chiếu có dấu đỏ, đã kiểm toán…
Những hành vi gian lận của nhà thầu rất đa dạng và tinh vi như kê khai nhân sự chủ chốt, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính không trung thực... vẫn đang được “bỏ qua” cho nhà thầu bị loại
“Việc gian lận của Công ty của Thịnh Phong dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư đã hủy kết quả lựa chọn nhà thầu và chấm dứt hợp đồng thi công”, vị này cũng cho biết thêm.
Đáng chú ý, cũng với bản báo cáo tài chính “giả” này, công ty Thịnh Phong tiếp tục tham gia dự thầu một gói thầu khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng huyện Bạch Thông làm chủ đầu tư, tuy nhiên, hành vi gian lận đã bị phát hiện.
Cụ thể, ngày 28/5/2021 Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã có Báo cáo đánh giá E- HSDT gói thầu thi công xây dựng công trình nhà lớp học 8 phòng trường TH& THCS Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã cho kết quả: Công ty TNHH xây dựng Thịnh Phong không đạt khi đánh giá về năng lực tài chính do số liệu doanh thu xây dựng hàng năm không trùng khớp với số liệu hồ sơ đã nộp dự thầu.
Còn nương nhẹ nhà thầu bị loại
Trao đổi với DĐDN, chuyên gia đấu thầu, luật sư Nguyễn Thành Luân cho biết, hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn đề xuất với người có thẩm quyền ban hành văn bản cấm thầu đối với nhà thầu có hành vi gian lận. Thống kê cho thấy, phần lớn nhà thầu bị cấm thầu có hành vi gian lận dẫn tới làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
“Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hành vi gian lận của nhà thầu rất đa dạng và tinh vi. Những hành vi gian lận như kê khai nhân sự chủ chốt, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính không trung thực… vẫn đang được “bỏ qua” cho nhà thầu bị loại”, luật sư Nguyễn Thành Luân chia sẻ.
Cụ thể theo luật sư Luân, trong quá trình tra soát, làm rõ năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, đã phát hiện không ít nhà thầu gian lận, chỉnh sửa hồ sơ dự thầu “cho đẹp” để dự thầu. Tuy nhiên, nếu nhà thầu không trúng thầu thì chủ đầu tư nương nhẹ, không truy cứu thêm, ít khi đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cấm thầu.
“Nếu xử lý nghiêm khắc thì nhà thầu không chỉ bị cấm thầu 3 - 5 năm, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi việc làm giả con dấu, làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng...”, luật sư Nguyễn Thành Luân nhận định.
Đồng quan điểm, theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian gần đây, nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu đã bị khởi tố, có những hành vi gian lận diễn ra cách đây nhiều năm vẫn bị xử lý.
Đây sẽ là áp lực buộc các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền không nương nhẹ trong xử lý với hành vi vi phạm về đấu thầu của nhà thầu như trước. Bởi nếu nể nang, không xử lý thì chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm về quá trình tổ chức đấu thầu.
“Theo quy định, hồ sơ dự thầu có thể được lưu giữ tới 10 năm sau khi kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Vì thế, hành vi gian lận, không trung thực trong việc kê khai năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu (nếu có) vẫn được lưu giữ nhiều năm ở các chủ đầu tư/bên mời thầu và có thể bị truy cứu trách nhiệm”, ông Tăng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Ba “kịch bản” cài thầu
17:00, 21/07/2021
“Khoảng tối” trong đấu thầu ở Gia Lai: “Điệp khúc” bảo lưu... tiêu chí mời thầu
11:00, 07/07/2021
“Khoảng tối” trong đấu thầu tại Gia Lai: Những tiêu chí “bắt bí” nhà thầu
11:06, 30/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Vì sao tỉnh Bắc Kạn không xử lý nhà thầu gian dối?
04:00, 29/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Tiêu chí lỗi thời “hành” nhà thầu lạ
11:00, 24/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: Chuyện “lạ” ở Hà Nam
11:00, 17/06/2021
Những “khoảng tối” trong đấu thầu: “Quân xanh, quân đỏ” biến hình
10:58, 09/06/2021