Khủng hoảng nhân lực y tế công: Vì sao hàng nghìn y bác sỹ "tháo chạy"?

KHÔI NGUYÊN 05/07/2022 03:30

Thực trạng nhân viên y tế bỏ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư chứng tỏ hệ thống bệnh viện công đang có vấn đề. Sự biến động về nhân sự nhiều chính là một dấu hiệu không tốt…

>>Đồng Nai: Hiện tượng chảy máu chất xám ngành y tế?

Nhân viên y tế điều trị cho F0 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Nhân viên y tế điều trị cho F0 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Đó là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng (ĐH Y Dược TP HCM) trước thực trạng nhân viên y tếthôi việc, bỏ việc tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây.

"Làn sóng" viên chức y tế bỏ việc, nghỉ việc xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn (gấp 2, 3 lần), có nơi thù lao trực đêm chống dịch chỉ 18.500 đồng, không thỏa đáng với công sức đóng góp của cán bộ y tế. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có, nhiều viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc để tìm công việc mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Theo thống kê của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đến tháng 12/2021, TP Hồ Chí Minh có 1.069 viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Tiếp đến là Hà Nội 540 người, Đồng Nai 372 người, Bình Dương 202 người, Long An 162 người, An Giang 151 người, Cần Thơ 144 người, Đà Nẵng 126 người, Bình Thuận 121 người. Hiện tượng “chảy máu” chất xám trong ngành Y diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương, đến cuối năm 2021, Bệnh viện Bạch Mai có 65 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 49 người; Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người; Bệnh viện Thống Nhất 42 người; Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.

Sang năm 2022, theo số liệu thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến hết tháng 4, Hà Nội có tới 226 nhân viên y tế xin nghỉ việc, 17 người khác xin chuyển công tác (gần 2 năm qua Hà Nội có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác). Tại TP Hồ Chí Minh, riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc (cao hơn nhiều so với các năm trước). Tại Gia Lai, 6 tháng đầu năm có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ (năm 2021 có 110 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc).

>>Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Thiếu tiêu chuẩn, định mức

hihhihi

Vì bị nợ lương, các nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống đường chăng băng rôn kêu cứu đầy xót xa “hãy cứu lấy blouse trắng”. Ảnh: LDO

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng (ĐH Y Dược TP HCM), nhân viên y tế làm việc ở đâu vẫn đóng góp cho sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, việc dịch chuyển của nhân viên y tế từ hệ thống công sang tư nhân báo hiệu 2 việc: 

Thứ nhất, đang có vấn đề ở hệ thống y tế công. Sự chuyển dịch luôn xảy ra nhưng khi quá nhiều là đang có vấn đề về hệ thống y tế. Thứ hai, sự chuyển dịch từ công sang tư, thậm chí từ bệnh viện công này sang bệnh công kia ở khía cạnh nào đi chăng nữa cũng gây ra sự tổn hại và đứt đoạn trong việc cung ứng dịch vụ y tế.

"Ví dụ, một nhân viên y tế từ bệnh viện này qua bệnh viện khác sẽ cần có thời gian làm quen và huấn luyện lại. Còn bệnh viện có nhân viên xin nghỉ việc cũng phải chuẩn bị nhân lực thay thế. Như vậy, sự chăm sóc bệnh nhân không còn liên tục và có sự thiếu hụt", ông Dũng nhấn mạnh.

Trước thắc mắc việc chuyển dịch từ y tế công sang tư với số lượng nhiều, người khám chữa bệnh tại bệnh viện sẽ chịu thiệt thòi? Về vấn đề này, PGS Dũng cho biết, nếu đa số người dân có tiền thì họ vẫn sẵn sàng đi khám bệnh tại bệnh viện tư để hưởng dịch vụ tốt. Còn đối với bệnh viện công, nếu ít bệnh nhân thì chắc chắn chất lượng chăm sóc sẽ tốt hơn để giữ chân được người bệnh. 

"Việc nhân viên y tế bỏ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư chứng tỏ hệ thống bệnh viện công đang có vấn đề. Sự biến động về nhân sự nhiều chính là một dấu hiệu không tốt. Ở một cơ quan, nếu người nghỉ việc quá nhiều rồi nhiều người vào, thay đổi nhân sự liên tục sẽ là sự bất ổn. Hiện nay, có một thực trạng tôi biết là nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị… để khám chữa cho người bệnh. Nhân viên y tế không có thu nhập tốt dẫn tới tâm lý chán, không có tương lai, họ bỏ việc là điều là tất yếu", PGS Dũng chia sẻ.

Còn theo TS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nơi có 114 viên chức, người lao động, trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên thôi việc, bỏ việc từ năm 2011 đến nay cho biết, nguyên nhân các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Nhiều người lo ngại, với làn sóng bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công nhiều như hiện nay, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập. Có nhiều chuyên gia đầu ngành xót xa khi nhìn lực lượng kế cận mình dần rời bỏ bệnh viện công, không ở lại để truyền nghề cho lực lượng kế cận. Hệ lụy của làn sóng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công sẽ đến sau 10-15 năm nữa.

Giám đốc một bệnh viện đầu ngành chia sẻ: Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt - Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… là cái nôi đào tạo nhân lực ngành Y. Nhưng các thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì thiếu máy móc, thiết bị y tế hiện đại, thiếu thuốc men và cơ chế đãi ngộ. Việc này đồng nghĩa với các em sinh viên, các bác sĩ nội trú sẽ không có ai để theo học. Hơn nữa, không phải người bệnh nào cũng có tiền để đi bệnh viện tư, người bệnh nghèo không được khám, chữa bệnh bởi bác sĩ giỏi. Tình trạng này dẫn tới các bệnh viện lớn mất thầy, trò không được đào tại chuẩn. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi một vài thế hệ kế cận. Đây là một việc hết sức đau xót.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế

    Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Tách bạch công tư dịch vụ y tế

    11:00, 02/07/2022

  • Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Thiếu tiêu chuẩn, định mức

    Giải tỏa “khủng hoảng” xã hội hóa ngành y tế: Thiếu tiêu chuẩn, định mức

    02:10, 02/07/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài cuối): Trả giá vì quên lời thề y đức

    11:10, 25/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 3): Kẽ hở từ “miếng bánh” đấu thầu

    04:05, 24/02/2022

  • “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào

    “Lò” tham nhũng cháy ở ngành Y tế (Bài 1): Phát súng lệnh vào "thành trì"

    03:40, 22/02/2022

  • Đã đến lúc “đại phẫu” ngành Y tế

    Đã đến lúc “đại phẫu” ngành Y tế

    11:00, 18/02/2022

  • Bài học của ngành Y tế

    Bài học của ngành Y tế

    08:25, 10/11/2021

KHÔI NGUYÊN