Thương mại điện tử không "bùng nổ" vì COVID-19 như kì vọng

Khánh Hà 04/05/2020 16:33

Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thương mại điện tử được dự đoán là có "cơ hội vàng" để phát triển. Tuy nhiên, thực tế không như kì vọng.

Website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group cùng công ty đo lường SimilarWeb công bố Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam Quý 1 năm 2020, thống kê lượng truy cập của nhóm 50 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

TMĐT biến đổi vì dịch

Trái với suy nghĩ của nhiều người về những con số tăng trưởng phi mã mà các doanh nghiệp thương mại điện tử đạt được trong quý I, cao điểm của dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo số liệu từ bộ phận nghiên cứu của iPrice: Lượng truy cập vào website của các chợ online trong quý đã giảm trung bình gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số ngành hàng đóng góp lớn vào tăng trưởng của thị trường trước dịch là hàng điện tử và thời trang giờ đã không còn là "gà đẻ trứng vàng". Các website thời trang giảm 38% lượng truy cập theo quý, trong khi hàng di động, điện máy chỉ tăng 4-5%. Đây là ảnh hưởng của việc COVID-19 làm suy giảm sức mua các mặt hàng giá trị cao.

"Các ngành hàng tốt trên thương mại điện tử mùa dịch bao gồm bách hóa và y tế, vì vậy sàn thương mại điện tử phải chuyển dịch ngành hàng. Tuy nhiên, vì một số lý do khiến sự chuyển dịch này bị chậm như chuỗi cung ứng chưa sẵn sàng, cần thời gian để chuẩn bị. Bản thân các sàn cũng cần phải quan sát thị trường một thời gian mới đưa ra được quyết định" - anh Đặng Đăng Trường, Trưởng Ban Truyền thông iPrice Việt Nam cho biết.

Báo cáo của iPrice Group tiết lộ Tiki đã trở lại vị trí số 2 trong số các sàn TMĐT Việt Nam sau hai quí đứng sau Sendo. Sau 3 tháng đầu năm, web của Tiki đạt 23,99 triệu lượt truy cập / tháng, giảm nhẹ 500 nghìn lượt/tháng so với quý 4/2019 nhưng vẫn rất ổn định nếu so với hai đối thủ Lazada Việt Nam và Sendo.

Lượng truy cập vào website của Lazada Việt Nam và Sendo trong quý 1 lần lượt giảm 7,3 triệu lượt / tháng và 9,6 triệu lượt / tháng so với quý trước. Hai sàn cũng lần lượt xếp sau Tiki.

Vị trí số một toàn quốc vẫn thuộc về Shopee Việt Nam với 43,16 triệu lượt truy cập website/tháng. Shopee Việt Nam còn tăng thêm 5,2 triệu lượt truy cập website/tháng so với quý trước. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp Shopee Việt Nam đạt tăng trưởng về lượng truy cập website.

Như vậy lượng truy cập vào website của các sàn TMĐT, trừ Shopee, trong quý này giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo iPrice Group, một phần nguyên nhân là do trong mùa dịch, các sàn TMĐT tiết chế các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi mà thay vào đó, đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội. Mục đích là tận dụng lúc người dân ở nhà và có nhiều thời gian ngồi trước màn hình để tăng tương tác, tăng độ gắn kết với khách hàng, đồng thời thử nghiệm tính năng mới.

Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân nữa là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước.

Số liệu từ iPrice, lượng truy cập vào các website hàng bách hóa trong quý I năm nay tăng đến 45% so với quý trước. Theo đại diện Tiki, đây cũng là một trong những ngành hàng sẽ nằm trong sự thay đổi chiến lược của sàn này để phù hợp với xu hướng chi tiêu thắt lưng buộc bụng của người dùng trong trạng thái "bình thường mới".

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Chủ tịch Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp, Tiki cho biết: "Các mặt hàng giá trị cao sẽ mang lại doanh số lớn trên đơn hàng, tuy nhiên ví dụ khi khách hàng mua điện thoại giá trị cao thì phải 1-2 năm sau họ mới có nhu cầu lại. Khi mình bán sản phẩm thiết yếu hàng ngày thì giá trị mua sắm lặp lại sẽ rất cao, vì vậy tổng doanh số các ngành hàng này cũng không hề thua kém. Tự tin với những ngành hàng này sẽ có sự cải thiện lớn hơn về dòng tiền".

Trước sức ép từ COVID-19, bản thân các sàn thương mại điện tử cũng có xu hướng cắt giảm chi phí, không ồ ạt đổ tiền làm quảng cáo khuyến mãi như trước. Đổi lại, họ đẩy mạnh tiêu tiền vào việc livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội. Tranh thủ thời điểm người dân có nhiều thời gian dành cho các thiết bị di động để tăng tương tác, gắn kết người dùng... phục vụ cho những mục tiêu lâu dài hơn.

Cuộc cạnh tranh thương mại điện tử ở Việt Nam vốn đang trong giai đoạn liên tục thay đổi qua từng quý, mỗi doanh nghiệp một thế mạnh và chưa có ai là người thắng cuộc tuyệt đối. Tác động từ dịch COVID-19 có thể sẽ đóng vai trò xúc tác, tạo ra nhiều cơ hội mới cho những cái tên đang kém hạng tận dụng để vươn lên. Quý I có ý nghĩa thăm dò là chính, "cuộc cạnh tranh" trong bối cảnh mới sẽ rõ ràng hơn trong quý II.

Thách thức chất lượng

Hầu hết các dự báo từ những tổ chức quốc tế về thị trường TMĐT Việt Nam đều cho rằng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ nay đến năm 2025. Nếu lấy tỉ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2015-2018 để dự báo, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt khoảng 33 tỉ USD vào thời điểm năm 2025, xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Để ngành TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh và thậm chí tăng mạnh hơn dự báo, vấn đề cốt lõi nhất chính là chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành - Phó giám đốc Công ty truyền thông iSobar, một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối online các sản phẩm nông sản Việt - cho rằng: “Chất lượng hàng hóa, dịch vụ bán qua kênh online sẽ quyết định đến niềm tin của người tiêu dùng. Người mua hàng online hiện nay đa phần mua các món hàng có giá trị nhỏ, đơn hàng có giá trị bình quân từ 1 triệu đồng trở xuống chiếm chủ yếu, cho thấy người ta còn chưa mạnh dạn mua những món hàng có giá trị lớn qua mạng”.

Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019”, những vấn đề còn tồn tại của ngành được các doanh nghiệp vận hành website TMĐT nêu ra gồm: Khách hàng thiếu tin tưởng về chất lượng hàng hóa, lo ngại về thanh toán trực tuyến, lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, chi phí vận chuyển - giao nhận còn cao… Cho dù các lo ngại của người tiêu dùng dần dà được các nhà cung cấp dịch vụ và website bán hàng lớn, có uy tín cải thiện, tuy nhiên những yếu tố này vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tiêu dùng, cũng chính là trở ngại đáng kể đối với các hành vi mua sắm online.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc: Mô hình đặc biệt cho thương mại điện tử

    Trung Quốc: Mô hình đặc biệt cho thương mại điện tử

    06:00, 04/05/2020

  • Hậu COVID-19 và cơ hội cho xuất khẩu qua thương mại điện tử

    Hậu COVID-19 và cơ hội cho xuất khẩu qua thương mại điện tử

    05:00, 27/04/2020

  • COVID-19 là

    COVID-19 là "chất xúc tác" phát triển nền tảng thương mại điện tử

    13:49, 25/04/2020

  • Singapore hỗ trợ các nhà bán lẻ vừa và nhỏ phát triển thương mại điện tử

    Singapore hỗ trợ các nhà bán lẻ vừa và nhỏ phát triển thương mại điện tử

    13:21, 06/04/2020

  • [COVID-19] Doanh nghiệp thương mại điện tử có thực sự hưởng lợi?

    [COVID-19] Doanh nghiệp thương mại điện tử có thực sự hưởng lợi?

    02:46, 31/03/2020

  • [COVID-19] “Làm sạch” sàn thương mại điện tử

    [COVID-19] “Làm sạch” sàn thương mại điện tử

    11:00, 17/03/2020

Từ phía đơn vị vận hành một sàn TMĐT, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử Shopee Việt Namcho rằng: “Trở ngại lớn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ tiến độ cho đến chi phí, còn các yếu tố trở ngại khác có thể dần cải thiện theo thời gian”. TMĐT cùng với các loại hình kinh doanh khác trong nền kinh tế số đang dần làm thay đổi hành vi tiêu dùng trong xã hội. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất như ông Nguyễn Khoa Hồng Thành nhận định chính là niềm tin người tiêu dùng. Theo ông, chất lượng hàng hóa, dịch vụ bảo đảm sẽ giúp giữ chân được người tiêu dùng với TMĐT, và từ đó họ cũng có tâm lý thoải mái hơn trong việc mua hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến.

Khánh Hà