Singapore hỗ trợ các nhà bán lẻ vừa và nhỏ phát triển thương mại điện tử

Nguyễn Long 06/04/2020 13:21

Chính phủ Singapore cho biết “Gói tăng cường thương mại điện tử” mới sẽ cung cấp hỗ trợ nhân lực và 90% chi phí cho các nhà bán lẻ áp dụng các nền tảng thương mại điện tử.

Đông Nam Á được đánh giá là thị trường phát triển tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử

Đông Nam Á được đánh giá là thị trường phát triển tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử

Gói tăng cường thương mại điện tử

Singapore đang cung cấp vốn và nhân lực để giúp các nhà bán lẻ vừa và nhỏ (SMB) khởi động hành trình thương mại điện tử của họ, cam kết sẽ giảm 90% chi phí cho việc này. Chính sách thúc đẩy mới này được Singapore kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều nhà bán lẻ hơn thích nghi với các mô hình kinh doanh trực tuyến, mở rộng kênh doanh thu và bán hàng của họ ngoài các cửa hàng truyền thống.

“Gói tăng cường thương mại điện tử” có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra, khiến nhiều người phải ở nhà và chuyển nhiều hoạt động sang các kênh trực tuyến.

Được biết, hiện gói kích thích này sẽ tập trung hỗ trợ các SMB có ít hoặc không có kinh nghiệm về lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là việc chuyển đổi số. Hiện chính phủ Singapore cho biết họ đang làm việc với 4 nhà khai thác thương mại điện tử lớn bao gồm: Lazada Singapore, Qoo10, Shopee và Amazon, để hỗ trợ cho các nhà bán lẻ trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

Với sự hỗ trợ của 4 sàn thương mại điện tử trên, các SMB đăng ký chương trình sẽ có thể lựa chọn cho mình 1 trong 4 sàn để bán sản phẩm trực tuyến, bao gồm phát triển nội dung, liệt kê sản phẩm, quản lý kênh, các dịch vụ và quảng cáo. Các nhà khai thác thương mại điện tử cũng sẽ giúp SMB quản lý và liệt kê các sản phẩm trong tối đa sáu tháng, chạy các chiến dịch quảng cáo, thực hiện đơn đặt hàng và thực hiện phân tích dữ liệu bán hàng cơ bản.

Doanh nghiệp sẽ nhận được khoản thanh toán tài chính một lần để bù vào 90% chi phí điều kiện, với số tiền tối đa là 9.000 đô la Singapore (khoảng 5.000 USD) trong tối đa 6 tháng. Để đăng ký, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện phải là doanh nghiệp đã đăng ký hoặc thành lập tại Singapore, có ít nhất 30% cổ đông là người địa phương, doanh thu hàng năm không được vượt quá 100 triệu đô la Singapore (56,58 triệu USD) mỗi năm và họ không có hơn 200 nhân viên.

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Doanh nghiệp thương mại điện tử có thực sự hưởng lợi?

    02:46, 31/03/2020

  • Omise "ông trùm" bí ẩn của nền thương mại điện tử Thái Lan

    07:00, 30/03/2020

  • [COVID-19] “Làm sạch” sàn thương mại điện tử

    11:00, 17/03/2020

  • Startup thương mại điện tử Leflair thất bại vì thiếu tiền

    06:46, 17/03/2020

Các SMB đã đăng ký cũng có thể tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua chương trình Nền tảng thương mại điện tử đa kênh hiện có của Enterprise Singapore, nơi cung cấp khoản thanh toán một lần cao hơn để chi trả 90% chi phí đủ điều kiện, tăng từ mức 70% trước đó.

Ngoài ra, các SMB đã đăng ký sẽ nhận được hỗ trợ nhân lực bổ sung thông qua gói tăng cường, bù đắp 90% chi phí nhân lực đủ điều kiện trong ba tháng. Nguồn nhân lực có thể bao gồm hỗ trợ cho các nhà bán lẻ trong việc xác định các nguồn nhu cầu mới và quy trình hợp lý hóa để đảm bảo hoạt động trực tuyến có thể được duy trì lâu dài.

Phó Giám đốc điều hành của Enterprise Singapore Ted Tan cho biết: "Điều quan trọng hơn bây giờ là các nhà bán lẻ phải đa dạng hóa nguồn thu nhập bằng cách sử dụng các kênh thương mại điện tử. Chúng tôi muốn trao quyền cho tất cả các nhà bán lẻ để phát triển các chiến lược thương mại điện tử bền vững và lâu dài, đảm bảo khả năng phục hồi kinh doanh vượt xa COVID-19”.

Việt Nam tăng tốc phát triển thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam đang rất hấp dẫn do vậy tính cạnh tranh rất cao. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google & Temasek công bố, nền kinh tế trực tuyến của khu vực Đông Nam Á sẽ nhanh chóng tăng trưởng để đạt mức 240 tỷ USD trong năm 2025 và ngành thương mại điện tử sẽ chính là mũi nhọn cho sự phát triển này.

Hiện các công ty thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á đang bước vào một cuộc chiến thật sự hấp dẫn, không chỉ về vốn và dịch vụ mà còn về công nghệ và những ý tưởng đặc biệt.

Đáng chú ý, theo báo cáo trên, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Bên cạnh đó, với quy mô dân số 95 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập internet cao là cơ sở để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng năm 2020 này quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỷ USD.

Để phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai các kế hoạch tổng thể về phát triển thương mại điện tử cho từng giai đoạn 5 năm (hiện nay là Kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 5 năm lần thứ ba (2016-2020) theo Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), cùng với đó là các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 (ban hành tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Theo chuyên gia cho biết, hiện nay điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa thực sự mạnh mẽ và còn manh mún trong cách thực hiện. So với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những điểm hạn chế nhất định trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ông Trần Quý Hiến, đồng sáng lập CTCP Ecomstone Việt Nam cho biết, chìa khóa để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển thương mại điện tử thời điểm này có thể cân nhắc một số giải pháp:

Thiết lập bộ phận chuyên trách về xuất khẩu trực tuyến để nghiên cứu mảng thị trường vô cùng tiềm năng này đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại do chính phủ và các Hiệp hội chủ trì cũng như các hội nghị, các sự kiện kết nối trong phạm vi khu vực và thế giới để tiếp cận những đối tác tiềm năng, nắm bắt các cơ hội xuất khẩu hàng hoá trực tuyến.

Xây dựng chiến lược kinh doanh đa kênh, không giới hạn mình trong khuôn khổ của mô hình kinh doanh truyền thống (phân phối trong nước hay xuất khẩu B2B đi nước ngoài) mà mở rộng sang mảng kinh doanh trực tuyến đa nền tảng (Amazon, Ebay, Alibaba, …)

Lên kế hoạch xây dựng thương hiệu toàn cầu lâu dài và bền vững. Người mua hàng trực tuyến không có điều kiện cầm nắm sản phẩm trực tiếp nên họ mua hàng chủ yếu dựa vào uy tín và thương hiệu. Nếu chúng ta không có thương hiệu uy tín thì sẽ không thể bán hàng.

Đầu tư vào nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ công nghệ IT. Việt Nam có lợi thế lớn về nhân lực trẻ, nhạy bén và khát khao vươn lên. Đây sẽ là một vũ khí vô cùng lợi hại để chúng ta cạnh tranh với thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp cần đưa ra những phân tích và số liệu cụ thể về xu hướng tiêu dùng trong tương lai. Doanh nghiệp cũng cần nhận diện những hành vi tiêu dùng, mua sắm của khách hàng trong thời đại số để định hướng tiếp cận thị trường, thay đổi cách tương tác trong chiến lược xây dựng thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Singapore hỗ trợ các nhà bán lẻ vừa và nhỏ phát triển thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO