Dịch COVID-19 tác động mạnh tới chuỗi cung ứng Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại điện tử, công cuộc số hóa toàn nền kinh tế.
Chưa bao giờ chuyển đổi số lại được nhắc tới và biến thành hành động thực tiễn nhiều như thời điểm này.
"Chất xúc tác" COVID-19
Đại dịch ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn có điểm sáng cho các doanh nghiệp dùng kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo một khảo sát gần đây, hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng thương mại điện tử.
Trên thế giới, hàng nghìn tỉ đô la cho hoạt động kinh tế đã được tạo ra từ các trao đổi TMĐT xuyên biên giới trong những năm gần đây và vẫn tiếp tục tăng tốc.
Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới như vậy. Sự hiện diện của họ qua các kênh trực tuyến sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thị trường tiềm năng này, cũng như đem hàng Việt Nam ra thế giới.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang tìm nhiều cách để xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn ra thị trường thế giới thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Bà Ngô Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc Công ty công nghiệp Ameco cho rằng: "Có lẽ hơi lạc quan nhưng tôi phải nói rằng đây là thời điểm vàng; khi mà hiện nay các khách hàng không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm sản phẩm".
Được biết, Ameco là một trong những công ty cơ khí tại Việt Nam, khẳng định chuyển đổi kỹ thuật số là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Công ty đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ nước ngoài thông qua Alibaba.com và hiện nay 70% sản lượng của Ameco đang được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Chia sẻ về con đường dẫn tới sử dụng TMĐT để xuất khẩu, bà Lã Kim Nhung, người sáng lập IMITI CO., LTD cho biết, bà cũng đã làm nhiều cách khác nhau để tìm kiếm đối tác nhưng đều không khả thi.
Những ngày đầu thành lập công ty, bà cũng phải đi tìm kiếm khách hàng từ những con số 0. Doanh nghiệp phải tìm đến những hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để tìm khách hàng. Tuy nhiên, chi phí tham gia các hội chợ triển lãm rất lớn, trong khi thời gian diễn ra hội chợ chỉ vỏn vẹn 3 – 4 ngày khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tìm đối tác.
“Kể cả tìm được khách hàng thì chưa chắc khách hàng đã phù hợp với sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi cũng tìm hiểu, tham gia vào những hiệp hội, diễn đàn chuyên ngành. Tuy nhiên, rất khó để tìm kiếm được người mua, khách hàng tiềm năng từ những hiệp hội, diễn đàn này”, bà Nhung nói.
Cuối cùng, bà đã thử đăng ký làm thành viên của một trang thương mại điện tử dành cho người bán buôn, bán sỉ để tìm kiếm khách hàng.
Sau 2 tháng, bà Nhung có đơn hàng đầu tiên từ Úc và nhiều đơn hàng khác từ các quốc gia trên thế giới.
“Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả người mua, người bán trên toàn cầu và chúng tôi cũng vậy. Những đơn hàng của chúng tôi đều bị hoãn lại, đơn hàng mới thì bị tạm ngưng. Chúng tôi đang nghe ngóng tình hình và chịu áp lực phải tăng thêm nhiều đơn hàng, tăng doanh thu mới để lấp vào những lúc thị trường bị ngưng trệ”, bà Nhung nói.
Cũng theo bà Nhung, vào thời điểm hiện tại, nếu không có kinh doanh online thì tình hình còn tệ hơn bởi những chuyến bay bị hủy, những hội chợ không được tổ chức, việc gặp gỡ đối tác tại nhà máy của doanh nghiệp cũng không tổ chức được…
Trong tháng 2 và tháng 3/2020, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp bà Nhung vẫn không bị ảnh hưởng nhiều dù người mua chủ yếu là làm việc ở nhà. Trong đó, Việt Nam đang là lựa chọn của một số khách hàng trong bối cảnh hiến tranh thương mại và dịch bệnh ở Trung Quốc, họ cần tìm kiếm nguồn cung ứng bổ sung để giảm thiểu rủi ro kinh doanh.
Bà Nhung nhận định, việc tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử khá dễ dàng. Người bán chỉ việc đăng sản phẩm có hình ảnh “bắt mắt”, đúng “từ khóa” của người mua tìm kiếm.
Sau khi tiếp cận được với khách hàng, người bán sẽ gửi báo giá chi tiết, thời gian giao hàng, nhận đơn hàng, sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, giao hàng và nhận tiền thanh toán.
Theo bà Nhung, việc quan trọng khi kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là phải có hình ảnh sản phẩm chi tiết, rõ ràng, đẹp mắt. Việc phản hồi với người mua phải thật nhanh chóng, tránh để người mua chờ đợi 1 – 2 ngày, thậm chí là cả tuần sẽ mất đi cơ hội của nhà cung cấp...
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: “Chuyển đổi số đã đến một cách rất tự nhiên, khẳng định đây là hướng đi bắt buộc. Những nếu để nó diễn ra bình thường sẽ rất chậm. Cần những cú huých. Các doanh nghiệp đã thấy hướng đi là phải thay đổi phương pháp làm việc, phương pháp lãnh đạo, mô hình kinh doanh, tiếp cận khách hàng. Quan trọng hơn những thay đổi đó phải đem lại giá trị và đem lại cơ hội mới ví dụ tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, cắt giảm chi phí hoặc tạo ra mối quan hệ mở rộng hơn với các đối tác toàn cầu”.
Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng, tại Việt Nam có khá nhiều sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn là không nhiều. Chủ yếu là những đơn hàng nhỏ lẻ, giá trị thấp hoặc trọng lượng chỉ dưới 10kg.
Cơ hội xuất khẩu qua TMĐT
Ông Kuo Yiling, Trưởng đại diện của Alibaba.com tại Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi làm chủ doanh nghiệp thông qua mạng internet.
Mô hình bán buôn trên mạng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá dễ dàng thực hiện. Trong khi các nhà cung cấp “khổng lồ” thường dùng phương pháp truyền thống để kinh doanh như quan hệ cá nhân, Marketing truyền miệng hay đến triển lãm thương mại… Nhưng phương pháp truyền thống tốn khá nhiều chi phí và ít có hiệu quả hơn Digital Marketing – tiếp thị kỹ thuật số.
Theo ông Kuo Yiling, thương mại điện tử là lựa chọn tốt để thúc đẩy việc kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Các nền tảng thương mại điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi doanh nghiệp của Việt Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã có sự chuyển dịch trong phương thức hoạt động kinh doanh, đó là sử dụng ứng dụng thương mại điện tử. Việc này đang rất được quan tâm và được các doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ.
Trong câu chuyện hỗ trợ cho xuất khẩu thì mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 431/QĐ-Ttg ban hành ngày 27/3/2020. Đây là Quyết định Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động Thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Phạm vi của Quyết định này là các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng. Các giao dịch có thông tin về đơn hàng gửi trước đến hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.
Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của Quyết định 431 là tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa.
“Đối với những sản phẩm thương mại điện tử có giá trị thấp, cần giải quyết thông quan nhanh thì không thể nào xem nó như một lô hàng lớn, nặng cả tấn nằm trong các container được. Khi có Quyết định 431 thì chúng ta sẽ thông quan hàng hóa được nhanh chóng hơn”, ông Dũng nói.
Có thể bạn quan tâm
18:30, 15/08/2019
17:02, 28/03/2019
15:23, 14/01/2019
02:46, 31/03/2020
11:00, 17/03/2020
17:14, 16/03/2020
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại - (Cục Xúc tiến thương mại - XTTM) - Bộ Công Thương đánh giá: "Những sàn giao dịch nổi tiếng trên thế giới như Amazon, Alibaba… đã có lịch sử hoạt động nhiều năm với thương hiệu rất lớn. Kinh doanh qua các sàn TMĐT này có lợi thế, bởi họ có đầy đủ công cụ để bảo vệ DN cũng như thương hiệu của chính họ. Do vậy, khi sản phẩm muốn lên được các sàn TMĐT này phải đảm bảo các tiêu chí khắt khe về tiêu chuẩn.
Các sàn TMĐT trong nước muốn cạnh tranh được phải đi con đường rất dài và phấn đấu nhiều công đoạn khác nhau, đồng thời khẳng định được tuy chúng ta chưa tốt bằng nhưng cũng có những tiêu chí tương đương. Đó là một trong những thách thức mà sàn TMĐT trong nước phải vượt qua".
Cũng theo bà Thúy, DNNVV rất ham học hỏi, năng động trong tìm các cơ hội kinh doanh, nhưng tiềm lực tài chính, năng lực cung ứng, quản lý chất lượng sản phẩm lại hạn chế. Cùng đó, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ ngoại ngữ, có hiểu biết về giao thương quốc tế không cao, đây cũng là trở ngại của DNNVV khi tham gia các sàn giao dịch TMĐT.
Một thách thức khác chính là, nhận thức của DNNVV về TMĐT chưa tới, khiến sự chuẩn bị chưa tốt. DN vẫn nghĩ kinh doanh qua TMĐT không quá phức tạp, nhưng thực tế đây là một kênh XK, mà đã là xuất khẩu thì phải tuân theo tất cả các quy định của thị trường nhập khẩu và tiêu chuẩn riêng của các nhà mua hàng. Những điểm yếu này sẽ dần phải được khắc phục.