Những “chiến binh” Kym Việt

NHA TRANG 17/06/2021 03:00

Kym Việt do ba người khuyết tật là Phạm Việt Hoài, Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên vào cuối tháng 12 năm 2013.

Ngay từ đầu ba người đã xác định lập ra một “công ty bình thường”, làm sao đưa ra thị trường sản phẩm tốt được khách hàng yêu thích, chứ không “lấy cái khuyết tật của mình để xin người mua”. 

Giải bài toán kênh phân phối

Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt

Ông Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt

Là doanh nghiệp xã hội chuyên về đồ thủ công, Kym Việt đã và đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động khuyết tật. ÔngPhạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt, đồng thời cũng là một người khuyết tật giàu nghị lực, ngay từ đầu đã xác định rằng phải chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm thật sự giá trị, tức là không chỉ dừng lại ở mẫu mã đẹp, chất lượng hoàn thiện cao, mà sản phẩm phải thực sự truyền tải được thông điệp nhân văn, ý nghĩa tới cộng đồng.

“Kym” trong từ “kim khâu”, “Việt” trong tên Tổ quốc – Việt Nam, Kym Việt là một cái tên bình dị mang trong mình những khát khao bình dị, không mang nhiều tầng ý nghĩa hoa mỹ, chỉ đơn giản là ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn mình từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới.

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, trong những ngày đầu Kym Việt cũng gặp không ít khó khăn với bài toán khó mang tên giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. Hai năm đầu tiên, sản phẩm làm ra nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ hơn 200 triệu đồng. Những nhà sáng lập thay phiên nhau mang hàng đi hội chợ bán.

Ngoài những thử thách như những start-up khác, ông Hoài cùng đồng đội còn gặp thêm một trở ngại nữa. “Tôi và Cường đi chào hàng, nhiều nơi tưởng bọn tôi đến xin tiền. Có người bảo thẳng: “Tóm lại là các anh cần bao nhiêu tiền”. Tôi đáp: “Chúng tôi không muốn mua nước mắt của khách hàng, các anh hãy nhìn sản phẩm, nếu thấy tốt và quan tâm đến thì hợp tác”, ông Hoài kể lại và cho biết, chính những đối tác này sau đó đã đến thăm xưởng và hợp tác rất sòng phẳng như những thương vụ kinh doanh bình thường khác.

Sau nhiều trăn trở, Ban Giám đốc Kym Việt đã đề ra hướng đi mới cho các sản phẩm của mình, thông qua việc mở rộng kênh phân phối và tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội. Bằng sức mạnh của Công nghệ 4.0 và chất lượng thực sự trong từng sản phẩm, công ty dần dần có được lượng khách ổn định và ngày càng có nhiều người biết đến.

Ông Phạm Việt Hoài chia sẻ: “Nhiều khách hàng biết đến Kym Việt qua fanpage. Hiện Facebook cũng là kênh chiếm tỷ trọng cao nhất trong các kênh bán hàng của chúng tôi dù ban đầu chúng tôi xây dựng fanpage không chỉ với mục đích bán hàng. Đó là nơi để Kym Việt có thể đem đến cho cộng đồng những câu chuyện về văn hóa, về hành trình cuộc sống của những người khuyết tật đã tạo ra và thổi hồn vào từng sản phẩm,mang lại giá trị cho xã hội”.

Nâng "chất" sản phẩm của người khuyết tật

Ông Hoài cũng cho biết nhiều người vốn từ nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào, nhưng giờ đây, ông có thể cho mọi người thấy cách tạo nên một sản phẩm của Kym Việt, từng công đoạn cắt-khâu kỹ lưỡng đã được thực hiện tỉ mỉ ra sao và người thợ nào đã làm ra sản phẩm ấy.

“Và câu chuyện đó để người tiêu dùng trân trọng sản phẩm hơn chứ chưa bao giờ và tuyệt đối không bao giờ lấy cái khiếm khuyết ra để quảng bá, kêu gọi”, ông Hoài cho biết.

“Đàn thú nhồi bông” đầy màu sắc, được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ dưới bàn tay tài hoa những người khuyết tật

“Đàn thú nhồi bông” đầy màu sắc, được chăm chút từng đường kim, mũi chỉ dưới bàn tay tài hoa những người khuyết tật

Được biết, nguyên liệu sản xuất cũng được đặc biệt chú trọng với tiêu chí đảm bảo an toàn và sức khỏe, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thuần Việt như cát biển Nhật Lệ (Quảng Bình), quế (Quảng Nam, Yên Bái), hồi (Lạng Sơn), để sản phẩm có mùi thơm dễ chịu. Toàn bộ nguyên liệu đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp chứng nhận cấp tem hợp quy Quacert.

Theo ông Hoài, dù là doanh nghiệp đặc thù, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng Kym Việt vẫn hoạt động và vận hành như một doanh nghiệp bình thường. Bởi định hướng kinh doanh của công ty là phải sống bằng nền tảng sản phẩm, đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không phải dựa vào sự thương cảm.

Bên cạnh những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội, câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt đã góp phần đưa sản phẩm của những người khuyết tật chinh phục cộng đồng trong nước và quốc tế. Sản phẩm của Kym Việt đã tới Atlanta, Mỹ, Nhật.

Đại dịch COVID-19 bùng phát, với những doanh nghiệp bình thường khó khăn là 2-3 lần thì với một doanh nghiệp xã hội, con số này có thể tăng lên hàng chục lần. Thị trường của doanh nghiệp "đóng băng" do ngành du lịch ngừng hoạt động, các hoạt động sự kiện giải trí cũng ngừng tổ chức... Đơn hàng của Kym Việt vẫn có song vẫn chưa thể phục hồi được như lúc chưa xảy ra dịch.

Trước những khó khăn trên, Kym Việt đã xác định bản thân mình cũng cần thay đổi. Theo đó, Kym Việt tổ chức không gian kết nối "KymViet Space" - thu hút mọi người đến xem hài kịch, thưởng thức nhạc, đồng thời thăm quan các mặt hàng, công đoạn sản xuất thú nhồi bông của Kym Việt.

Ông Hoài còn ấp ủ kết hợp với các công ty công nghệ để sản xuất thú nhồi bông công nghệ cho lĩnh vực giáo dục. 

“Nhiều người nghĩ sản xuất sản phẩm thủ công không phù hợp với công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng hiện giờ, thực tế đã khác xa so với trước đây. Khâu thiết kế đã được chúng tôi ứng dụng công nghệ để nâng cao mẫu mã và chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng”, ông Hoài chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Hoài còn tham vọng tạo ra những con thú nhồi bông “công nghệ” có khả năng tương tác với người học.

“Chúng tôi đang triển khai tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty sản xuất chip. Theo đó, Kym Việt sẽ sản xuất thú còn phần công nghệ sẽ do những công ty này thiết kế và lập trình”, ông Hoài cho biết.

Ví dụ, con thú nhồi bông có thể cùng học tiếng Anh với các bạn nhỏ, tương tác với người dùng. "Khi bạn đọc How are you, nếu bạn đọc sai thú bông sẽ chỉnh hộ bạn âm tiết, còn nếu đúng rồi thú bông sẽ nói OK/yes", ông Hoài cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Giấc mơ cà phê của

    Giấc mơ cà phê của "ông bếp" Nguyễn Huỳnh Đạt

    00:48, 16/06/2021

  • "Khẩu vị" đầu tư của ông chủ Tập đoàn SoftBank

    06:00, 15/06/2021

  • CEO Lux Group: Dòng tiền là

    CEO Lux Group: Dòng tiền là "mạch máu" của doanh nghiệp

    02:37, 14/06/2021

  • Chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài

    Chân giá trị của lãnh đạo và nhân tài

    04:28, 13/06/2021

  • Hải đồ cổ doanh nhân hay nghệ sĩ?

    Hải đồ cổ doanh nhân hay nghệ sĩ?

    11:23, 12/06/2021

  • Vị ngọt cuối đời của

    Vị ngọt cuối đời của "Cô Ba Sương"

    04:00, 12/06/2021

  • Người thừa kế 22 tuổi của Samsung

    Người thừa kế 22 tuổi của Samsung

    00:10, 11/06/2021

NHA TRANG