Giữa lúc thị trường chưa hết khó khăn do Covid-19, ông Nguyễn Huỳnh Đạt lại quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực “đất chật, người đông” là nhượng quyền chuỗi cà phê.
Từng góp phần thành công cho thương hiệu Knorr tại Việt Nam và được “gắn tên” với sản phẩm là “Đạt Knorr”, từng là đại diện thương hiệu Maggi của Nestle… người đàn ông có niềm đam mê đặc biệt với bếp núc ấy lẽ ra có thể “ở yên một chỗ”, tận hưởng những đóng góp và thành tựu của nhãn hàng đang rất thịnh hành trên thị trường, với mức lương cao… nhưng ông Nguyễn Huỳnh Đạt đã chọn lối rẽ khác…
Với suy nghĩ: “Việt Nam là đất nước sử dụng nhiều gia vị và có nguồn nguyên liệu dồi dào, làm ra nhiều loại gia vị, nước chấm ngon được cả thế giới công nhận, chọn lựa và yêu thích, vậy tại sao không tạo ra gia vị cho riêng mình, mà phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất gia vị nước ngoài?”, ông thành lập Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật, sau đó đổi tên là Công ty CP Ông bếp Bình Dương.
Gia nhập thị trường Việt Nam ông Đạt miệt mài nghiên cứu, phát triển, đưa ra các định hướng chiến lược nhằm phát triển ra thị trường.
Tuy nhiên, chọn hướng đi cung cấp những sản phẩm cho mỗi căn bếp của người Việt là một con đường quá khó khăn khi thị trường này đang được thống trị bởi những Tập đoàn khổng lồ của thế giới, những Tập đoàn mà ông đã được có cơ hội làm việc, được kinh qua. Thị trường này cũng đã và đang có những doanh nghiệp nội làm chủ cuộc chơi ở trên sân nội địa đối với một số sản phẩm gia vị theo xu hướng công nghiệp hóa gia vị thực phẩm để đạt hiệu suất kinh doanh tối ưu.
"Nhiều người nói tôi đã chọn con đường chẳng khác nào… húc vào đá tảng khi đi vào thị trường gia vị, nơi các doanh nghiệp nhỏ ngoài nguy cơ bị “đè chết” thẳng tay do không đủ nguồn lực để làm thị trường – tức làm marketing sản phẩm, phân phối vào các kênh bán lẻ hiện đại luôn đòi hỏi cả chi phí kinh doanh lẫn chi phí; đồng thời cũng luôn đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm nếu mình làm ăn “nổi” lên được một chút và bị các doanh nghiệp lớn ép phải bán, còn họ chọn mua để loại trừ", ông Đạt chia sẻ.
Trước tình thế đó, ông Đạt đã đã chọn cho mình một thị trường nhỏ, ngách: Thị trường dành cho các khu vực nông dân với đại đa số khách hàng người Việt có thu nhập không cao nhưng nhu cầu sử dụng sản phẩm, thực phẩm sạch, ngon, an toàn cho sức khỏe và có mức giá hợp với tùi tiền dành cho “chuyện ăn” của họ.
Nói nôm na là tôi chọn bếp ăn – với nỗ lực định vị cung cấp những sản phẩm “Ông Bếp” được đưa về giá trị thật cho người tiêu dùng” – ông Đạt nói.
Tuy nhiên, khó khăn chồng chất nhất là việc “dậm chân tại chỗ”. Suốt gần hai năm, các sản phẩm do công ty mình làm ra vẫn không thể nào đặt chân được vào các hệ thống siêu thị. Mặc dù tất cả đều có đầy đủ hồ sơ chứng nhận, các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm đều đạt. Tất cả các giấy tờ nào do Bộ Y tế cấp đều có đầy đủ lẫn bản quyền thương hiệu. Và ông đã nhận ra rào cản lớn nhất đó là phần chi phí phải chi khi đặt chân được vào siêu thị quá lớn, mà với mức phí đó đồng nghĩa với việc công ty phải nâng giá bán, điều này gây thiệt thòi cho người sử dụng.
Không chấp nhận điều này, ông Đạt đã "tự bơi", tự đi bán lẻ ở các nhà hàng và tổ chức các chương trình bán hàng, tư vấn tiêu dùng, hướng dẫn nấu ăn...
Ceo Nguyễn Huỳnh Đạt tự tin rằng ông chỉ cần đạt được một vị trí nhỏ bên cạnh các “Đại gia” lớn của ngành hàng, sự lấn sân từ từ của “Ông Bếp” ở mọi thị trường sẽ không phải không có cơ hội trở thành hiện thực.
Ông Nguyễn Huỳnh Đạt cũng nuôi tham vọng không chỉ dừng lại ở nội địa.
Bởi, theo ông Đạt: "Nếu tôi làm được mục tiêu phục vụ bếp ăn trong thị trường ngách một cách vững vàng, thì vẫn là ở thị trường ngách, tôi hoàn toàn có thể vươn xa hơn. Không phải chỉ riêng người tiêu dùng Việt Nam mới cần được trả “lẽ phải” – giá trị của sản phẩm về đúng giá trị thực mà người tiêu dùng ở các thị trường toàn cầu cũng đều như vậy.
Những sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật nghiêm nhặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia, mà giá thành nhập vào quốc gia họ phù hợp, thì vẫn có cơ hội cạnh tranh được, trước hết là đứng được và được chấp nhận, sau đó dần được yêu thích bên cạnh những sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia”.
Không có con đường kinh doanh nào là rộng mở. Con đường kinh doanh của ông Đạt có vẻ càng “hẹp” khi chỉ quanh quẩn ở nhà bếp với nước tương, nước mắm, dầu hào… nhưng ông Đạt tự tin rằng anh chỉ cần đạt được một vị trí nhỏ của mình bên cạnh các “Đại gia” lớn của ngành hàng, sự lấn sân từ từ của “Ông Bếp” ở mọi thị trường sẽ không phải không có cơ hội trở thành hiện thực.
Những tháng cuối năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp nội địa đang tất bật với những kế hoạch, chỉ tiêu, thì Công ty cổ phần Ông Bếp Bình Dương bất ngờ công bố kế hoạch gia nhập thị trường nhượng quyền cà phê bằng thương hiệu Vietcup Coffee.
Chia sẻ về quyết định táo bạo này, ông Đạt cho biết: “Mỗi khi nghĩ đến hàng ngàn tấn cà phê cao cấp từ Việt Nam xuất đi nhiều thị trường trên thế giới mà người dân trong nước vẫn phải tiêu thụ cà phê chất lượng thấp, tôi rất trăn trở. Tôi muốn viết lại câu chuyện cho cà phê Việt, để ly cà phê Việt về đúng giá trị ngay tại nơi nó sinh ra”.
Thực ra năm 2017, doanh nghiệp của ông Nguyễn Huỳnh Đạt đã xuất khẩu cà phê sang Đức, một số nước Đông Nam Á và đang gia công sản xuất, đóng gói cà phê cho đối tác Philippines. Đây là nền tảng để ông tiến bước vào thị trường nhượng quyền thương hiệu cà phê.
Theo ông Nguyễn Huỳnh Đạt, hiện tại, 90% chuỗi nhượng quyền cà phê xoay quanh ly cà phê sạch, an toàn, nên không tạo được sự khác biệt, nhiều nhà đầu tư phải đóng cửa vì thua lỗ sau 2 - 6 tháng hoạt động. Tại chuỗi cửa hàng Vietcup Coffee, Vietcup International tự tin mang đến 2 điều mới mẻ: công nghệ pha chế từ nước Kangen ion lượng tử đem lại chất lượng tuyệt hảo cho ly cà phê và cam kết lợi nhuận gấp 5 lần các thương hiệu nhượng quyền khác - mối quan tâm hàng đầu của bất cứ đơn vị kinh doanh nào.
“Đó cũng là giá trị cốt lõi để Vietcup Coffee hấp dẫn được khách hàng và Vietcup International thuyết phục đối tác nhượng quyền”, ông Nguyễn Huỳnh Đạt chia sẻ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lai, "chơi lớn" với cà phê nên "ông bếp" sẽ phải đối diện với hai thách thức không hề nhỏ. Đó là dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và phân khúc nhượng quyền cà phê với mức giá trung bình của Vietcup Coffee đang rất sôi động, đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh rất cao. Dẫn đầu phân khúc này là Milano và Napoli, mỗi thương hiệu có tới hơn 1.000 chi nhánh trên toàn quốc.
Ông Đạt cũng lạc quan cho rằng yếu tố dịch bệnh không chỉ mang đến thách thức cho doanh nghiệp, mà luôn kèm theo cơ hội. Trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới luôn là đề tài nóng. Nếu nhìn vào con số hàng chục ngàn doanh nghiệp bị giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm nay, thì có thể thấy, nhu cầu này lại càng tăng cao hơn. Trong khi đó, ngành thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ ăn uống theo xu hướng năng động và hiện đại đang rất được các nhà đầu tư nhỏ quan tâm.
Có thể bạn quan tâm