Quảng Ninh: Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trách nhiệm thuộc về ai?

Lê Cường 21/02/2020 04:50

Mặc dù đã bị phản ánh nhiều lần, nhưng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Nhiều người dân tại tổ 5, khu Nam Thạch B, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, cơ sở gia công sắt ở đây tồn tại rất nhiều năm nay. Cơ sở này thường mang sắt thép ra vỉa hè, ngoài đường hàn, cắt, sơn xì... Mùi sơn phát tán nồng nặc, cộng thêm tiếng ồn thường xuyên gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân xung quanh, nhất là với trẻ nhỏ.

Trong khi đó, tại thành phố Hạ Long, dù việc ô nhiễm đã được báo DĐDN phản ánh, người dân thì nhiều lần kiến nghị đến chính quyền và cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến cho người dân thêm phần bức xúc.

xưởng sản xuất gỗ tại Khu đô Thị Cao Xanh - Hà Khánh. Ảnh Lê Cường

Xưởng sản xuất gỗ tại Khu đô Thị Cao Xanh - Hà Khánh. Ảnh Lê Cường

Bà Trần Thị Lan, phường Cao Xanh cho biết, khoảng hơn 1 năm gần đây, quanh khu dân cư mọc lên nhiều cơ sở sản xuất gỗ, tập kết vật liệu xây dựng... Các cơ sở này hoạt động thường xuyên gây ra tiếng ồn, mùi khét và bụi khiến cho người dân sống xung quanh không thể chịu nổi. Người lớn khỏe mạnh thì đã đành, thế nhưng người già và trẻ em luôn rơi vào cảnh mất ngủ, ốm đau.

Cũng theo bà Lan, đúng quy hoạch thì Khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh không được xây dựng các cơ sở sản xuất, nhà xưởng lớn như vậy. Nhưng không hiểu sao những cơ sở này vẫn “mọc” lên. Thậm chí nhiều xe tải lớn, xe Container vào tận khu dân cư để nhận hàng, không những gây nguy hiểm mà còn làm hỏng hết cả đường đô thị.

“Thành phố Hạ Long đã có đề án di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư từ nhiều năm nay, nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn chưa di dời hết? Đã vậy, ở một số khu đô thị lại còn “mọc” lên nhiều cơ sở sản xuất mới gây ô nhiễm. Không hiểu công tác quản lý của địa phương kiểu gì”, bà Lan bức xúc nói.

Các cơ sở này thường xuyên gây tiếng ồn, nhiều xe trọng tải lớn ra vào tiềm ẩn nguy cơ về an toàn. Ảnh Lê Cường

Các cơ sở này thường xuyên gây tiếng ồn, nhiều xe trọng tải lớn ra vào tiềm ẩn nguy cơ về an toàn. Ảnh Lê Cường

Theo tìm hiểu của PV, vấn đề di dời các cơ sở TTCN đã được Quảng Ninh đặt ra từ cuối năm 2011, với Nghị quyết số 32/2011/NQ-HĐND được thông qua tại kỳ họp thứ 4 khoá VII về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành quy định chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở này. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khác nhau, đến năm 2016 chính sách này hết hiệu lực thi hành.

Trong khi đó, theo các địa phương, số lượng cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư còn khá nhiều với tổng số trên 1.200 cơ sở như, TP Cẩm Phả có 381 cơ sở, Đông Triều 445 cơ sở, TP Hạ Long còn 155 cơ sở, Uông Bí hơn 70 cơ sở...

Có thể bạn quan tâm

  • Sông Diễn Vọng đe dọa vịnh Hạ Long

    Sông Diễn Vọng đe dọa vịnh Hạ Long

    05:00, 21/05/2019

  • Bức tử sông Diễn Vọng

    Bức tử sông Diễn Vọng

    11:30, 09/05/2019

  • Quảng Ninh: Đình chỉ hoạt động xây dựng Cụm công nghiệp Hoành Bồ

    Quảng Ninh: Đình chỉ hoạt động xây dựng Cụm công nghiệp Hoành Bồ

    06:14, 15/07/2019

  • Cẩm Phả (Quảng Ninh): Vì sao chưa hoàn thành di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp?

    Cẩm Phả (Quảng Ninh): Vì sao chưa hoàn thành di dời cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp?

    16:02, 22/11/2019

  • Cụm công nghiệp ngăn dòng chảy Bái Tử Long?

    Cụm công nghiệp ngăn dòng chảy Bái Tử Long?

    11:05, 18/08/2019

Để thực hiện di dời các cơ sở này, ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm hoặc không phù hợp đô thị đến năm 2025 với rất nhiều ưu đãi.

Hỗ trợ, ưu đãi là thế, nhưng một số địa phương vẫn gặp khó khăn như bố trí diện tích đất trong các cụm công nghiệp chưa hợp lý, quy hoạch chi tiết trong cụm công nghiệp chưa phù hợp với việc di dời; chưa bàn giao được mặt bằng cho các cơ sở muốn di dời; chưa có địa điểm di dời…

Có thể chia sẻ với tỉnh Quảng Ninh về những khó khăn trên. Tuy nhiên, việc để xây dựng nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp mới gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh có đúng quy định và trách nhiệm thuộc về ai?

Lê Cường