Những năm gần đây, di sản thế giới vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm của sông Diễn Vọng.
Sông Diễn Vọng chảy qua địa bàn Cẩm Phả, Hoành Bồ và đổ ra vịnh Hạ Long. Dọc hai bên sông là hàng loạt bến cảng tập kết, sàng tuyển, chế biến than gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Than ở đầu sông và cuối sông
Với nguồn nước ngọt thiên nhiên từ trên các đồi rừng tươi tốt nơi thượng nguồn đổ về, nước sông Diễn Vọng đã từng trong vắt và mát lành. Nhà máy nước Diễn Vọng chẳng cần nhọc công lắng lọc gì nhiều đã có nguồn nước sinh hoạt lí tưởng cung cấp cho 2 TP Hạ Long và Cẩm Phả.
Nhưng mọi thứ đã trở nên tồi tệ khi vào đầu những năm 2000, rừng đầu nguồn bị cạo trọc và nhiều diện tích ven dòng sông này bị sử dụng vào các hoạt động khai thác than. Bùn đất, dầu mỡ, than đá và bãi thải theo những trận mưa trôi xuống Diễn Vọng, dòng sông này ô nhiễm nặng nề.
Đầu sông đã vậy, cuối sông còn được “bồi” thêm hàng loạt thứ độc hại trước khi nước đổ vào vịnh Hạ Long. Điểm cuối của dòng sông này, một bên là cụm cảng Làng Khánh, TP Hạ Long, một bên là hàng chục bến, bãi tập kết, vận chuyển than thuộc xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ.
Trao đổi với DĐDN, đại diện Cảng vụ Quảng Ninh cho biết, các bến, bãi ở đây theo quy hoạch không được sản xuất, chế biến than. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, khu vực dòng sông chảy qua đây, nước đen ngòm, trơ lên những ụ đất chứa đầy những phế thải cũng mang màu đen như vậy. Tại Cảng 368 ngoài một khối lượng than lớn được tập kết, thì còn rất nhiều các trang thiết bị liên quan đến sản xuất chế biến như bể lắng, máy sàng tuyển...
Ông Nguyễn Văn Đến, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ cho biết, xung quanh bến than này được che chắn rất qua loa, mỗi lần họ sàng tuyển, rửa than là y rằng một lượng than rất lớn và nước thải chảy xuống vịnh. Khu vực này ngày trước nước xanh tốt nhiều cá tôm, là kế sinh nhai của người dân xung quanh, nhưng giờ chúng tôi phải đi rất xa mới đánh bắt được.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 18/05/2019
11:01, 15/05/2019
11:43, 14/05/2019
11:10, 08/05/2019
18:30, 04/05/2019
Cần câu trả lời từ cơ quan chức năng
Ô nhiễm môi trường vịnh từ các dự án là điều thật khó chấp nhận với một tỉnh “du lịch” luôn coi công tác môi trường là số một. Còn nhớ, trong việc không chấp thuận cho Công ty Tân Tiến tiếp tục mở rộng nhà máy sản xuất xút vì lo ngại môi trường vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng, tỉnh này đã từng nhấn mạnh, “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.
Vậy tại sao, nơi cửa ngõ vịnh Hạ Long vẫn đang ngày đêm bị sự ô nhiễm phá hủy, lẽ nào lại có sự ưu ái đặc biệt ở đây?
Còn đối với sông Diễn Vọng. Đã từ lâu, người ta không dùng cụm từ nước mát sông Diễn Vọng nữa. Công ty Cổ phẩn Thi công và Cấp nước Quảng Ninh cũng từ lâu đã không dám dùng nguồn nước sông Diễn Vọng để cung ứng cho nhà máy xử lý nước Diễn Vọng. Họ phải lắp hệ thống dẫn nước từ hồ Cao Vân về nhà máy khá tốn kém vì sự ô nhiễm của Diễn Vọng đã quá nặng nề.
Khi dự án xử lý chất thải rắn của Tập đoàn INDVECO được thực hiện, chính quyền và nhân dân đã kỳ vọng rất lớn vào việc cải thiện môi trường và nguồn nước. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra như DĐDN đã phản ánh gây ra những quan ngại rất lớn về năng lực của chủ đầu tư. Và thực chất nó chính là một đòn “chí tử” đối với Diễn Vọng.
Các dự án bên sông Diễn Vọng đã có báo cáo DTM chưa, đã hoạt động đúng với cam kết bảo vệ môi trường chưa? Và những gì đã và đang xảy ra với Diễn Vọng, với di sản thế giới vịnh Hạ Long sẽ được xử lý như thế nào? Đó là những câu hỏi cần được giải đáp khi nguồn nước và môi trường vịnh đang gióng lên những hồi chuông báo động!
DĐDN sẽ tiếp tục vấn đề này.