Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cảm động thầy giáo 3 năm đi xin gạo cho trẻ em vùng cao
Thương những học trò nhỏ quá khó khăn, Thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh, tỉnh Lai Châu đã viết thư xin gạo nuôi học sinh.
Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh đóng ở địa bàn xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Xã Nậm Manh cách trung tâm huyện Nậm Nhùn khoảng 10 cây số. Dân cư đa số là người dân tộc Mông và Khơ Mú, sống rải rác ở 5 bản (Nậm Manh, Nậm Nàn, Nậm Pồ, Huổi Chát, Huổi Héo) với 10 điểm nhóm nhỏ lẻ.
Theo thầy Phạm Quốc Bảo, toàn bộ học sinh ở trường đều là con em đồng bào Mông. Hầu hết các hộ dân ở xã sinh sống bằng nghề trồng lúa nước nhưng năng suất thu hoạch thấp, nên kinh tế gia đình khó khăn và thiếu thốn. Đa số các em đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Năm 2014 thầy Bảo về trường nhậm chức khi đó các học sinh đến trường rất ít và nhà trường phải rất vất vả vận động học sinh đến lớp. Thời gian đầu, học sinh đến trường nhưng sau đó trốn học về nhà.
Tuy nhiên, nhà trường tham mưu cho chính quyền xã cần phải có biện pháp vận động các gia đình, đồng thời tạo ra những sân chơi ở trường (sân bóng đá, khu vui chơi riêng..) để các em có hứng thú hơn khi tới trường học tập.
"Năm học 2019-2020, nhà trường có 19 lớp với 455 học sinh. Trong đó 251 em phải ăn ở nội trú vì nhà các học sinh này cách trường 5-30km. Chỉ cuối tuần hoặc thậm chí cuối tháng các em mới về thăm được gia đình", vị hiệu trưởng cho hay.
Nói về lý do thầy cô viết thư ngỏ xin gạo cho học sinh, thầy Bảo chia sẻ: "Từ năm 2017, xã Nậm Manh còn 2 bản thuộc vùng 3 nên hiện chỉ có 48 học sinh (thuộc vùng 3) được hưởng chế độ bán trú của nhà nước. Còn 203 em đã ra khỏi vùng 3 từ năm 2017 nên không được chế độ này.
Từ tháng 1/2019, học sinh ở nội trú không thuộc vùng 3 chỉ được tỉnh hỗ trợ tiền ăn nhưng không được hỗ trợ gạo. Mỗi năm học, nhà trường sẽ thiếu khoảng 20 tấn gạo.
Không được Nhà nước hỗ trợ gạo, cũng không thể ép phụ huynh góp gạo cho con, trách nhiệm lo cho trò cơm đủ no dồn lên vai các thầy cô giáo. Những lá thư xin gạo đã được thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo nhiều lần gửi đi.
Từ đầu năm 2019 đến nay, dù học sinh đến từ bản nào cũng luôn đủ cơm ăn, áo mặc. Bữa cơm ấm lòng cũng là cách để gọi trẻ đến trường đến lớp chuyên cần hơn. Nhờ tài xoay xở của các thầy cô, nhiều học sinh đã từ bỏ ý định nghỉ học giữa chừng vì thiếu ăn.
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh học sinh, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh kể: “Người dân nơi này sinh nhiều con, có gia đình đến 5, 6 đứa đi học nên không đủ gạo đóng cho nhà trường. Trước đây thầy cô chúng tôi phải rất vất vả đi vận động học sinh theo học, nay tình hình cũng đỡ hơn nhiều”.
Cô Hường nói thêm, thầy cô ngoài việc dạy văn hóa còn phụ giúp chia nhóm, chia cơm cho học sinh trong mỗi bữa ăn.
Bên cạnh đó, thầy cô cũng hướng dẫn học sinh vệ sinh trường lớp, nơi ăn chốn ở, khu sinh hoạt và trực buổi trưa, buổi tối vào lúc các em ngủ.
Thầy cô làm việc bằng cả tấm lòng, vì từ lúc trường ra khỏi vùng 3 thì giáo viên không còn được hưởng chế độ phụ cấp.
“Giáo viên trường tôi ai dạy ở bản thì ở lại tại bản cuối tuần mới về nhà. Ai dạy trung tâm thì thuê nhà ở, có người thì mượn phòng cũ của thủy điện ở cách trường 10 đến 12 cây số. Chúng tôi cũng ăn uống tự túc”, cô Hường tâm sự.
Học sinh vùng cao rất thiếu thốn nơi vui chơi giải trí sau những giờ học. Chính vì vậy, thời gian rảnh thầy cô đi xin lốp xe ô-tô cũ mang về tạo thêm sân chơi cho các em.
Những chiếc lốp xe ô-tô phế thải trông thô và xấu xí, nhưng qua bàn tay khéo léo của thầy cô, nó được quét sơn nhiều màu trông rất bắt mắt, ngộ nghĩnh.
Cũng từ chiếc lốp, học sinh được chơi trò bập bênh, chơi đu quay và thỏa sức leo trèo rất vui nhộn.
Thầy Bảo nói rằng, học kì 1 của năm học này, học sinh đã có đủ gạo để ăn. Nhưng qua học kì 2, nhà trường cần 9.774 kg gạo (230 học sinh x 0,4 kg x 30 ngày x 4 tháng) để nuôi các em.
Ngoài nhu cầu về gạo, nhà trường cũng cần xây thêm một bếp ăn bán trú (65m vuông). Hiện tại nhà trường dùng tạm bếp ăn cũ đã xuống cấp nhiều, và chắc chắn không thể sử dụng cho thời gian tới.
“Giờ cảnh quan trường cũng đẹp hơn vì có thêm những sân chơi và học sinh đã tự giác đến trường nhưng năm tới, học sinh sẽ ở bản lẻ học vì hết được hỗ trợ. Chúng tôi cũng khó lòng nuôi nổi các em vì thiếu gạo" – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nậm Manh buồn bã nói.
Thở phào vì trò sẽ không bị đói trong năm học này nhưng thầy Bảo vẫn mong sớm có một chính sách hỗ trợ sát với thực tế hơn. Bởi dù thương trò đến mấy các thầy cũng không thể đi xin mãi được nhất là khi sắp tới đây, tập thể giáo viên nhà trường phải dồn sức cho năm học đổi mới giáo dục.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Góc vỉa hè bừng sáng nơi đôi vợ chồng 6 năm miệt mài phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư
11:00, 26/05/2020
NGUỜI VIỆT TỬ TẾ: Chuyện về ông Dũng “một tay”
06:00, 25/05/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Phiên chợ nhân đạo đặc biệt cho người dân nghèo vùng cao
10:29, 24/05/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Phiên chợ 0 đồng mang nụ cười tới bệnh nhân ung bướu
11:00, 20/05/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Mang hơi ấm tới người vô gia cư
11:00, 19/05/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cụ giáo làng tuổi 80 của học trò nghèo miền núi
11:00, 14/05/2020
Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Hàng nghìn người dân Thanh Hóa từ chối tiền hỗ trợ để nhường người khó khăn hơn
20:55, 12/05/2020
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Đồng Tháp cho ra đời 10 cây ATM gạo phục vụ người nghèo
11:00, 05/05/2020
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |