Cuộc sống cũng thi vị lắm chứ! Nghịch cảnh éo le lắm khi lại trang bị cho con người ta nghị lực sống phi phàm. Chuyện về ông Dũng "một tay" là như thế!
Đam mê nghề mộc từ nhỏ, đến năm 30 tuổi, ông Dũng đã có cơ ngơi là một xưởng chế biến gỗ lớn nhất nhì vùng. Nhưng một tai nạn lao động bất ngờ ập đến suýt lấy đi tính mạng đã buộc ông phải bỏ nghề.
Giờ đây, chỉ còn một tay và sự nỗ lực vươn lên bằng nghề mới, ông Dũng đã gieo tên tuổi của mình khắp nơi, đem về doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm và tạo ra công việc cho hàng chục lao động.
Một tai nạn kinh hoàng
Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến cơ sở đúc chậu cây cảnh của ông Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1972), trú tại thôn Đại Đồng Nhất, xã Gio Hòa, Gio Linh, Quảng Trị.
Lúc chúng tôi đến, ông Dũng đang hăng say trang trí chậu. Tuy chỉ còn một cánh tay nhưng bàn tay còn lại của ông vẫn cầm bay lướt thoăn thoắt. Ông giải thích: “Sau dịp Tết, số chậu tôi làm ra đã bán hết sạch nên giờ đây cần làm lại số lượng mới để phục vụ thị trường”.
Gần 20 năm trước, trong lúc ông chuẩn bị kết thúc công việc xẻ gỗ thì áo của ông bị cuốn vào máy cưa, đứt lìa cánh tay phải. Lá lách, sườn và bụng của ông cũng không tránh khỏi trọng thương.
Nỗi sợ tàn phế chiếm lấy suy nghĩ, đau đớn không tả nỗi. Nhưng nhờ nghị lực, gần một năm sau, ông có thể đi lại rồi tập tành sinh hoạt như bình thường được.
Mặc dù ông cảm thấy bản thân còn may mắn vì... thoát chết nhưng cơn thập tử nhất sinh lần ấy khiến tâm trí ông bị ám ảnh nặng nề.
Lúc ấy, việc vừa trải qua một cơn bĩ cực tốn kém chi phí điều trị, phải ra vào viện thường xuyên, sức khỏe giảm sút,… không thể tiếp tục theo nghề mộc, ông Dũng đã phải suy nghĩ rất nhiều về một việc mưu sinh mới và liệu rằng, có công việc nào phù hợp với ông không?
Ông Dũng nhớ lại: “Thời gian đó tôi luôn chìm ngập trong cảm giác mình là gánh nặng cho gia đình và không có động lực để làm gì...”.
Sau gần 1 năm quanh quẩn ở nhà để phục hồi sức khỏe, thú vui của ông lúc đó là lên rừng đào cây về trồng làm kiểng để giết thời gian. Đào mãi, cây quá nhiều, không có chỗ trồng nên ông tập tành đúc chậu để trồng cây phục vụ thú chơi.
Đúng như dân gian nói, đi mãi sẽ thành đường, ý nghĩ về việc kinh doanh chậu đúc chợt lóe lên trong đầu ông vì ở địa phương lúc ấy chưa có ai làm công việc tương tự. “Tôi đâu ngờ đấy chính là cái phao cứu sinh cho số phận của tôi đến bây giờ”, ông Dũng cười lớn.
Nghị lực vượt qua nghịch cảnh
Không có người hướng dẫn hay được đào tạo qua trường lớp, ông tự học hỏi qua sách, báo và tự mày mò cùng óc sáng tạo của mình. “Ban đầu, sản xuất ra những cái chậu đầu tiên xấu và thô lắm, mình nhìn thấy còn không hài lòng, rất xấu hổ. Sau này, thêm tháng thêm ngày, tôi làm nhiều thì dần lên tay và không bị mắc lỗi nữa. May mắn là càng ngày số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều”.
Thế nhưng ít ai biết, thời gian đầu mở cơ sở đúc chậu, ông Dũng gặp khó khăn trăm bề. Không có đồng vốn lận lưng, ông đành vay ngân hàng. Chỉ có 20 triệu để trang trải, từ vật liệu cho đến đầu tư các vật dụng, đồ nghề liên quan dẫn đến việc thiếu hụt diễn ra liên tục.
Ông phải xoay xở bằng cách bán các chậu hoa và cây cảnh mà ông yêu thích để lấy vốn và tự tay làm các công cụ đơn giản để tạm thời phục vụ việc đúc chậu.
Thêm vào đó, sức khỏe không như trước do mất một tay và thương tổn nội tạng nặng nề cộng với việc không có ai phụ thêm, nên việc nặng như dịch chuyển chậu cảnh, trộn hồ… ông vẫn phải một mình xoay xở mặc dù rất khó khăn.
“Cơ thể không lành lặn đã làm khó tôi rất nhiều. Mỗi lần trái gió trở trời tôi lại bị đau nhưng tôi vẫn tự nhủ bản thân phải có nghị lực để không đầu hàng số phận”.
Nghề dạy nghề, càng ngày ông đúc ra nhiều chậu với nhiều dáng, nhiều mẫu khác lạ, bắt mắt như: chậu khay, chậu hình chữ nhật, chậu lục giác, chậu khuôn xoài, chậu giả lu… chất lượng và mẫu mã ngày càng được nâng cao nên số lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều. Ông cũng dần có điều kiện thuê thêm nhân công phụ giúp thêm cho công việc của xưởng đúc.
Đến nay, mỗi năm ông cho ra lò khoảng 3.500 chậu các loại theo đơn đặt hàng, chưa kể các chậu của khách gần nhà. Cơ sở của ông giải quyết công việc cho 4 nhân công làm lâu dài và 3 nhân công làm thời vụ cùng hàng chục học viên được ông đào tạo đã ra nghề và có cơ sở riêng.
Ông Dũng mừng rỡ khoe, trung bình mỗi năm cơ sở đúc chậu của ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi từ việc đúc chậu. Ngoài ra, khu vườn của ông Dũng còn hàng chục cây mai, sanh, lộc vừng… giúp ông có thêm hàng chục triệu đồng thu nhập từ việc bán cây cảnh.
Công việc tưởng chừng là cái duyên đã giúp ông có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình và lo cho 2 người con ăn học.
Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa cho biết: ông Nguyễn Ngọc Dũng là tấm gương điển hình trong việc vượt khó vươn lên làm giàu ở xã. Với tư cách là trưởng nhóm “Tự lực người khuyết tật” trên địa bàn, ông đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các thành viên trong nhóm cùng bà con trên địa bàn xã hăng say làm kinh tế, giúp cho nhóm hoạt động hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm cho bà con.