Hoạch định tài chính thế nào để có cuộc sống sung túc?
Muốn kiếm tiền nhanh, phải chớp cơ hội. Nhưng tư duy này không thể áp dụng để luôn có được một cuộc sống bền vững dài lâu.
Không phải ai cũng trong nhóm 5% chớp đúng cơ hội
Tôi quan sát bạn bè, người quen trong hơn 30 năm nay, thì không phải ai giỏi hoạch định làm ăn cũng trở thành giàu có; thậm chí họ chỉ có cuộc sống trên mức trung bình mà thôi. Trong khi đó, khá nhiều người giàu không giỏi tính toán bài bản, xây dựng kế hoạch; mà họ chỉ cần giỏi đánh hơi cơ hội làm ăn, dám vay lớn xuống tiền nhanh, phi vụ sau nối phi vụ trước quy mô lớn hơn, chỉ chừng vài năm họ đã trở nên giàu có, nhà lầu xe hơi, được nhiều người ngưỡng mộ.
Thế nhưng, tôi vẫn khuyên mọi người, nhất là những bạn trẻ bắt đầu bước qua tuổi 30 mới lập gia đình, muốn có một cuộc sống khá giả, sung túc phải có sự hoạch định tầm nhìn 10 năm, trong đó ít nhất 5 năm đầu chưa thấy tài sản tích lũy được bao nhiêu; mà nó sẽ gia tăng với quy mô nhanh vào các năm sau đó một cách an toàn.
Tại sao phải cẩn thận và đi chậm, và chấp nhận không tìm kiếm những cơ hội lớn để kiếm tiền nhanh, kiếm tiền lớn? Đơn giản là chúng ta không chắc nằm trong số 5% chớp đúng cơ hội, mà nhiều khả năng chúng ta nằm trong số thất bại, cuộc sống trở nên tồi tệ, nợ nần, mất uy tín do chạy theo cơ hội. Hãy đọc những nhận định dưới đây, và phải gộp chúng lại để “không nên chạy theo cơ hội làm giàu nhanh, dù thấy nó”:
Thứ nhất, lúc nào số người giàu cũng chỉ trong khoảng 0,5%; chúng ta có nên mạo hiểm để lọt vào trong số đó hay không? Trong khi nếu cố chạy theo làm giàu nhanh, có khả năng chúng ta nằm trong số 95% thất bại, cuộc sống bị tổn thương đến mức chỉ có 10% người có nghị lực và cơ duyên, biết bỏ qua mặc cảm làm lại từ đầu mới vượt qua; đa số còn lại trở nên bất mãn với cuộc đời, hoặc trở thành người không đáng tin cậy, gia đình không còn hạnh phúc…
Thứ hai, với cuộc sống hiện đại, chúng ta sẽ không tốn quá nhiều tiền để có một cuộc sống vật chất rất tốt so với ngay cả vua chúa hay nhà giàu ngày trước; số tiền đó chỉ cần tầm 5 – 10 tỷ đồng là đủ đạt được. Việc kiếm tiền chắc chắc giúp chúng ta đạt được điều đó trước 40 tuổi hoặc 50 tuổi; và chúng ta sẽ có khoảng 20 – 30 năm khỏe mạnh để tận hưởng nó.
Thứ ba, quan sát những người trở thành giàu có nhờ giỏi chớp cơ hội, kiếm tiền nhanh và dễ, thường chỉ tiếp tục sống vui trong những phi vụ kinh doanh, chỉ sống với sự gia tăng tài sản, còn cuộc sống gia đình, bạn bè chân tình dần dần mất đi, và hầu như không thể quay lại dù có muốn, do họ đã bị đồng tiền làm lạc lối…
Tại sao chúng ta phải hoạch định kế hoạch đầu tư 10 năm?
Để trả lời câu này, chúng ta hãy đọc những nhận định dưới đây, và phải gộp chúng lại để thấy tại sao cần hoạch định:
Câu nói nổi tiếng đầy hàm ý của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln là: “Nếu cho tôi 6 giờ để đốn hạ một cái cây, tôi sẽ dành 4 giờ đầu để mài sắc lưỡi rìu". Rõ ràng việc chuẩn bị đầy đủ, sẽ giúp chúng ta đạt mục tiêu một cách hiệu quả, cho dù nó có vẻ xuất phát điểm chậm chạp.
Mỗi người chúng ta dù giống nhau về mục tiêu chung là muốn có cuộc sống sung túc, nhưng rất khác nhau về xuất phát điểm như số tiền ban đầu, thu nhập, các trách nhiệm với người thân, các sở thích cuộc sống… Do vậy, mỗi người cần phải hoạch điịnh một phương hướng thực hiện để phù hợp với xuất phát điểm và tình hình phát triển của mình.
Mục tiêu của chúng ta không “chỉ là nhiều tiền” mà còn là “tính an toàn”, “phát triển cuộc sống”, “hạnh phúc gia đình và hưởng thụ niềm vui”... Có đến 4, 5 phương trình hợp lại trong một hệ phương trình “đầu tư kiếm tiền cho cuộc sống hạnh phúc”. Do vậy việc hoạch định để thỏa hệ bất phương trình này là cần thiết.
Tóm lại, chúng ta muốn có nhiều tiền để cuộc sống hạnh phúc, chứ không muốn rơi vào tình trạng người chiến thắng (nhiều tiền) rốt cuộc lại là người thua những người bạn nghèo hơn, vì thấy họ có một gia đình yên lành. Chỉ những công cuộc đầu tư dựa trên sự cẩn thận, từng bước mới giúp chúng ta làm chủ đồng tiền có được mà không trở nên tự kiêu và nô lệ nó.
Nguyên lý chung cho người trẻ xuất phát điểm thấp
Mỗi người đều có một kế hoạch riêng phù hợp với hoàn cảnh và trách nhiệm của mình, nhưng đối với những người trẻ có gia cảnh bình dân, thì có một số nguyên lý chung về đầu tư như sau:
Trong 5 năm đầu tiên khi ra trường (25 – 30 tuổi), không nên chú trọng tìm cơ hội kiếm tiền lớn, dễ chết hoặc hủy hoại cuộc đời. Hãy làm việc với mục tiêu học hỏi nghề nghiệp, rèn luyện kỹ năng, phát triển các mối quan hệ bạn bè, kinh doanh trên sự chân thành, tin cậy; và tất nhiên đừng để mắc nợ vì những Start up giấc mơ làm giàu….
Khi đến tuổi 30, hãy mạnh dạn lập gia đình, đừng lo trong tay không có gì; đơn giản vì khi cả hai gộp lại thì 2 thu nhập nhưng có những chi phí xài chung, sẽ giúp có dư một ít cho đầu tư. Ngoài ra, khi có gia đình thì ý chí để dành tiền xây dựng gia đình sẽ mạnh hơn độc thân.
Trong 3 năm đầu sau khi kết hôn, vợ chồng hãy quyết liệt thắt lưng buộc buộc, để dành từng tháng một, đừng nhìn số tiền ít ỏi rồi nản… Hai vợ chồng hãy kiên trì trong 3 năm sẽ có một số tiền để có thể đầu tư.
Trong các năm tiếp theo sẽ đầu tư từ phương thức tiền nhỏ đầu tư đất xa, phần vay vốn cân với thu nhập. Khi tích lũy tăng, kết hợp đầu tư để dành với đầu tư ngắn hạn….
Cuối cùng, cần tránh hưởng thụ núp dưới danh nghĩa đầu tư. Ví dụ vợ chồng trẻ thay vì thuê nhà, lại dồn tiền, vay tiền mua căn hộ trả góp vì nghĩ nó là đầu tư. Khi ở căn hộ khang trang vượt sức tài chính của mình, thì điều đó có phần tiêu xài chứ không chỉ đầu tư. Nếu là đầu tư, thì vẫn thuê một căn phòng nhỏ ít tiền, còn căn hộ mua sẽ cho thuê lại nhiều tiền để gánh một phần vốn đầu tư vài năm.
Có thể bạn quan tâm
Làm sao để trở thành nhà quản trị tài chính giỏi?
13:00, 06/03/2020
Rủi ro trong quản trị tài chính
05:30, 05/03/2020
Tài chính cá nhân (Bài 6): Căn cứ vào đâu để mua bảo hiểm nhân thọ?
05:50, 11/05/2020
[Tài chính cá nhân] Bài 5: Vì sao vàng nên có trong danh mục đầu tư?
11:30, 07/05/2020
[Tài chính cá nhân] Bài 4: Chơi casino và đầu tư ngắn hạn vì sao thua nhiều hơn thắng?
11:03, 01/05/2020
Mẹo quản lý tốt tài chính cá nhân vượt qua mùa dịch COVID-19
08:08, 15/04/2020
[Tài chính cá nhân] Bài 3: Đầu tư vào doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?
05:15, 07/04/2020
[Tài chính cá nhân] Bài 2: Nhận diện và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư
06:30, 24/03/2020
[Tài chính cá nhân] Bài 1: Tiết kiệm ra sao để có một... gia tài?
06:11, 18/03/2020
Quản lý tài chính cá nhân để khởi nghiệp như thế nào ?
04:16, 23/05/2019
Cách quản lý tài chính cá nhân
04:08, 12/03/2018