[Tài chính cá nhân] Bài 2: Nhận diện và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư

Diendandoanhnghiep.vn Tác giả "Cha giàu Cha nghèo" Robert Kiyosaki chia chúng ta ra làm 4 nhóm chính, theo công việc. Và chúng ta hãy thử xem mình là ai trong nhóm đó...

Bạn thuộc nhóm đầu tư nào? 

Nhóm 1: Nhân viên, quản lý. Nhóm này dùng công sức, thời gian và trí tuệ để làm ra tiền.

Nhóm 2: Tự do, tự làm chủ. Nhóm này cũng dùng công sức, thời gian và trí tuệ để làm ra tiền. Khác với nhóm 1 là làm cho người khác, nhóm 2 làm cho chính mình.

Nhóm 3: doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Nhóm này dùng ý tưởng kinh doanh, hệ thống (con người), và trí tuệ để làm ra tiền. Nhóm này còn được gọi là ông/bà chủ.

Nhóm 4: Nhà đầu tư. Nhóm này dùng tiền, và trí tuệ để làm ra nhiều tiền hơn. Nhóm này nghiên cứu sâu, đầu tư chuyên nghiệp để kiếm sống và làm giàu.

Bạn là nhà đầu tư nghiệp dư, bán chuyên hay nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Bạn là nhà đầu tư nghiệp dư, bán chuyên hay nhà đầu tư chuyên nghiệp?

Về lý thuyết, phần thu nhập chính của các nhóm 1, 2, 3 đến từ nghề nghiệp chính chứ không phải đến từ đầu tư. Thời gian của họ dành cho đầu tư cũng không nhiều. Có thể gọi 3 nhóm này là nhà đầu tư nghiệp dư, bán chuyên.

Nguyên nhân tôi chia rõ ra 2 loại nhà đầu tư chuyên nghiệp và nghiệp dư là vì những nhà đầu tư nghiệp dư, hay bán chuyên, sau khi thắng vài phi vụ, thì trở nên khá tự tin. Họ bắt đầu đầu tư vào những sản phẩm, công cụ đầu tư phức tạp, nhiều rủi ro của nhóm đầu tư chuyên nghiệp.

Hãy nhớ rằng, nhà đầu tư nghiệp dư có thể đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu giá trị, nhưng không nên sa đà vào chuyện kinh doanh, đầu cơ ngắn hạn, mua mua bán bán cổ phiếu, chỉ số các loại trên sàn chứng khoán. Món đó nhà đầu tư chuyên nghiệp còn 4 ăn 6 thua thì làm sao nhà đầu tư nghiệp dư thắng được.

Nhà đầu tư nghiệp dư có thể đầu tư vào vàng vật chất, và ngoại hối nhưng đừng đụng vào vàng tài khoản, những cặp tiền tài khoản. Món đó chỉ có 5%- 10% nhà đầu tư chuyên nghiệp thắng. Nhà đầu tư nghiệp dư chơi món này thì chỉ có từ thua đến thua.

Nhà đầu tư nghiệp dư có thể đầu tư vào nhà, căn hộ, đất nền nhưng đừng mua những sản phẩm bất động sản phức tạp. Không hiểu về chúng mà đầu tư thì chỉ biết trông chờ vào hên xui.

Trong các bài sau tôi sẽ trình bày, phân tích về từng loại kênh/ sản phẩm dành cho nhà đầu tư nghiệp dư.

Khi tôi viết bài 1 “Tiết kiệm ra sao để có một... gia tài?", có một số ý kiến nói rằng họ đã biết về tác dụng của tiết kiệm tiền, và lãi suất kép, hãy chỉ cho họ kênh đầu tư để họ đầu tư đạt mức 12%, 15%…

Dĩ nhiên, tôi có thể nói ngay kênh đầu tư cho họ. Ví dụ như vàng vật chất, các cổ phiếu giá trị…nhưng đó chỉ là 20% của vấn đề. 80% còn lại là chọn đúng thời điểm, chọn giá tốt, chọn đúng cổ phiếu để đạt tỷ suất lợi nhuận cao, và hạn chế rủi ro… Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta học hỏi và nghiên cứu thì mới có thể làm được. Nếu chỉ cần đầu tư đúng kênh là sẽ đạt 12%, 15% thì chắc ai cũng giàu hết rồi.

Những nguyên tắc vàng trong đầu tư

Trước khi ra quyết định đầu tư vào 1 tài sản, sản phẩm đầu tư nào chúng ta cần phải:

– Nắm rõ cơ sở/ tính pháp lý của sản phẩm. Nhà nước, pháp luật có bảo vệ chúng ta không?

– Nắm rõ “hạng mức tín dụng”, độ tin cậy của người bán, người giữ phần cán tài sản mà ta đã đầu tư.

– Hiểu rõ nguyên tắc vận hành, tạo ra lợi nhuận của tài sản/ sản phẩm. Nhận diện những rủi ro tiềm ẩn của tài sản/ sản phẩm đó. Cách giảm thiểu, quản lý rủi ro.

– Luôn nhớ rằng “Không bao giờ có 1 bữa trưa miễn phí”. Vì thế chúng ta hãy nói "Không" với tất cả sản phẩm cam kết lợi nhuận cao.

Rủi ro luôn tồn tại

Theo nguyên tắc tài chính, chỉ có trái phiếu Chính phủ ngắn hạn 1 năm của các quốc gia được xếp hạng AAA thì mới được xem là rủi ro bằng 0, bởi các quốc gia được xếp hàng AAA đủ bền vững trong 1 năm để in tiền trả cho các chủ trái phiếu. Ngoài ra, rủi ro hiện diện ở tất cả các nơi. Chính phủ các nước, các ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, các doanh nghiệp…đều tiềm ẩn rủi ro, ở mức nào đó.

Nhưng ở Việt Nam, rất lạ, người dân tin ngân hàng không có rủi ro. Do đó, người dân gửi tiền thoải mái vào các ngân hàng, kể cả những ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Bởi khi có ngân hàng nào sắp phá sản, Nhà nước lại nhảy vào cứu, vô hình chung dẫn đến suy nghĩ đó. Đây là một cách đi ngược với kinh tế thị trường (Từ năm 2018, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi đã chính thức có hiệu lực thi hành, theo đó cho phép các ngân hàng hoạt động không hiệu quả được phá sản tại Việt Nam - BT). 

Theo nguyên tắc thị trường, việc lãi suất trả cao sẽ đi cùng rủi ro cao và ngược lại. Do đó, rất nhiều những dự án kiểu Century 21, Onecoin, đào tiền Sky mining... hứa hẹn đảm bảo mức lãi suất hàng năm ở mức 50%, 70%, thậm chí 100%, 200%. Đây là những dự án rủi ro cực cao, hoặc lừa đảo.

Suy nghĩ đơn giản thế này. Nếu thật sự dự án đó trả lãi 30%/năm, thì tôi đi vay ngân hàng với lãi suất khoảng 10%/ năm, rồi  đưa vào đầu tư thì tôi sẽ được hưởng chênh lệch lãi suất 20%, mà gần như không có rủi ro! Tuy nhiên, chuyện cổ tích ấy không thể xảy ra.

Mặc dù vậy, rất nhiều người, từ người không học về tài chính cho đến trí thức, từ tiểu gia cho đến đại gia, ùn ùn đổ tiền vào những dự án hứa hẹn, đảm bảo trả lãi suất cao. Họ chết vì thiếu hiểu biết và quá tham lam.

Nhận biết rủi ro trong đầu tư

Trong đầu tư, về cơ bản có 3 loại rủi ro chính: Rủi ro mất vốn, rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng, và rủi ro thanh khoản. Trong đó, rủi ro mất vốn bao gồm đầu tư vào 1 công ty. Khi công ty này phá sản, nhà đầu tư chỉ còn tờ giấy xác nhận là cổ đông; Mua 1 miếng đất của Alibaba chỉ có đất trên giấy; Mua Onecoin, tôi có rất nhiều tiền ảo trên máy tính, còn tiền thật thì đã bay mất; hay như đầu tư vào sàn chứng khoán quốc tế. Tiền thật vào tài khoản “quốc tế” của các công ty lừa đảo này. Chứng khoán chỉ thấy trên màn hình...

Đối với rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận, giảm vốn, bao gồm đầu tư vào công ty giá trị, kỳ vọng đạt tỷ lệ lợi nhuận 20%/năm, nhưng vì có biến động về thị trường chung, nên tỷ suất lợi nhuận chỉ là 14%/năm. Hay như đầu tư vào nhà, kỳ vọng đạt tỷ lệ lợi nhuận 25%/ năm, nhưng xảy ra khủng hoảng, tỷ suất lợi nhuận thật chỉ là -5%/ năm. Hoặc đầu tư vào cổ phiếu tương tự như Facebook, kỳ vọng giá tăng gấp 100 lần sau vài năm, nhưng không ngờ nó giảm đến 90%.

Đối với rủi ro thanh khoản, chẳng hạn một miếng đất được mua với giá vốn 1 tỷ đồng, dù hiện nay giá tăng lên 3 tỷ đồng, nhưng thị trường bất động sản đóng băng, rao bán 3 tháng rồi, không thấy ai trả giá.

Hay như đầu tư vào cổ phiếu nhỏ. Cách đây 5 năm, giá cổ phiếu này tăng mạnh, đạt tỷ suất lợi nhuận 45%/năm. Nhưng hiện tại thị trường quá ít giao dịch, đặt lệnh bán cả tuần nay mà không khớp lệnh.

Có 2 cách chính để giảm thiểu rủi ro: Nghiên cứu thật kỹ, hoặc đa dạng hoá danh mục đầu tư.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [Tài chính cá nhân] Bài 2: Nhận diện và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711716537 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711716537 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10