Các doanh nghiệp châu Á "xoay xở" giữa cạnh tranh Mỹ - Trung
Ngày càng nhiều các công ty châu Á xuất hiện ở Washington với mong muốn giảm thiểu nguy cơ và tìm kiếm cơ hội giữa căng thẳng Mỹ và Trung Quốc.
Suntory - nhà sản xuất rượu whisky lớn nhất Nhật Bản - là một trong nhiều công ty Nhật Bản, vừa mở văn phòng tại Mỹ. Làn sóng các công ty gia tăng hiện diện tại Hoa Kỳ còn có thêm những cái tên như Tokyo Electron (nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Nhật Bản), Tập đoàn Sony hay Ngân hàng Sumitomo Mitsui...
>>Hé lộ nỗi lo của doanh nghiệp Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử
Vì sao doanh nghiệp châu Á đổ xô tới Mỹ?
Có thể thấy nhiều công ty Châu Á đang dần học cách thích nghi với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Washington, cũng như tìm cách sống chung với căng thẳng địa chính trị chưa hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ, nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix đã bổ nhiệm lãnh đạo chuyên về các vấn đề chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh khi Mỹ và Trung Quốc ăn miếng trả miếng lẫn nhau.
Năm 2023, khi Trung Quốc cấm các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron (Mỹ) khỏi các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, các chính khách Mỹ đã gây sức ép lên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, cảnh báo bà không cho phép các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, như Samsung và SK Hynix thay thế doanh số bán hàng của Micron tại Trung Quốc.
Ngoài việc giảm thiểu nguy cơ, việc chuyển đến Mỹ cũng là một nỗ lực nhằm nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới của các doanh nghiệp châu Á.
Khi Mỹ dần xa rời chủ nghĩa toàn cầu hóa hay thương mại tự do, đồng thời hướng tới các chính sách công nghiệp do nhà nước bảo trợ, môi trường kinh doanh đã thay đổi. Giờ đây, Washington khuyến khích các công ty trong nước và các nước “thân thiện” dịch chuyển về gần mình hơn. Bởi vậy, sự có mặt của các đại diện công ty có thể gửi đi những tín hiệu tích cực tới Nhà Trắng.
Eric Sayers, Giám đốc điều hành của Beacon Global Strategies, một công ty tư vấn chiến lược ở Washington làm việc với nhiều công ty Nhật Bản và châu Á, cho biết, khi Mỹ chuyển sang chính sách “giảm rủi ro” và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thì sự thay đổi này đang tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Đáng kể nhất là khả năng tiếp cận các khoản giảm thuế do Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đưa ra vào năm 2022 để hỗ trợ các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng cho xe điện ở Mỹ.
Các ưu đãi quy mô lớn, chủ yếu cho các công ty Hoa Kỳ, nhưng cũng dành cho các đồng minh và đối tác, bao gồm 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn do Đạo luật Khoa học và CHIPS cung cấp, cũng như khoản tín dụng thuế xe điện trị giá 7.500 USD cho mỗi ô tô theo IRA.
Địa chính trị - vấn đề mới đối với các tập đoàn
Thế nhưng, những khuyến khích này có nguy cơ bị loại bỏ trước khả năng ông Donald Trump có thể tái cử Tổng thống trong năm nay. Cựu Tổng thống Mỹ từng công khai chỉ trích xe điện, nói rằng chúng “chưa đi đủ xa và quá đắt". Vào ngày 27/9/2023, ông Trump đã tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông sẽ loại bỏ các bộ phận của IRA trong ngày đầu tiên nhậm chức.
>>Mỹ "thổi cơn gió ngược" vào triển vọng kinh tế thế giới
Điều này đã khiến các nhà sản xuất châu Á thực sự đau đầu. Đại diện một công ty Nhật Bản giấu tên nói rằng công ty của ông đang xem xét sát sao tình hình tranh cử ở Mỹ để xem có nên “hủy bỏ” một số cam kết trong các mục tiêu “không khí thải”.
Nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các tập đoàn hàng đầu châu Á phải đổ tiền vào lĩnh vực vận động chính sách ở Washington.
Ông Sayers nói: Tốc độ thay đổi trong mối quan hệ Mỹ-Trung trong những năm gần đây đã khiến nhiều tập đoàn phải đối mặt với sự không chắc chắn dai dẳng về quỹ đạo hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ và cách họ nên định vị mình để thành công. Điều đó khiến các công ty Nhật Bản đang chuyển sang các cố vấn có trụ sở tại Washington để giúp điều hướng môi trường năng động này.
Quyên góp cho các tổ chức tư vấn là một cách truyền thống để mở ra cánh cửa để nắm bắt cơ hội và nguy cơ tại thị trường Mỹ. Ở Mỹ, các tổ chức tư vấn chấp nhận quyên góp và đổi lại cung cấp các cấp độ tiếp cận khác nhau cho các nhà phân tích, nhiều người trong số họ là cựu quan chức cấp cao có thông tin từ chính quyền.
Tờ Nikkei Asia tiết lộ một tổ chức tư vấn ở Washington có bốn hạng mục quyên góp, từ bạch kim (lên tới 749.999 USD), vàng (lên tới 249.999 USD), sapphire (lên tới 124.999 USD) cho tới ngọc lục bảo (40.000 USD đến 64.999 USD). Đổi lại, các nhà tài trợ nhận được từ 3 cho tới 24 cuộc gặp mỗi năm với các học giả và các nội dung chuẩn bị trước các sự kiện lớn trên toàn cầu, chẳng hạn như Mỹ - Trung.
Tại đây, các doanh nghiệp hàng đầu châu Á là những nhà tài trợ lớn nhất, bao gồm Toyota Motor, Viện Phát triển Hàn Quốc hay Samsung, NTT, Fujitsu, Hanwha, Hitachi và Mitsubishi Corp. Điều này cho thấy một yếu tố mới đang nổi lên trong chiến lược kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia – địa chính trị.
Người đại diện của Sony ở Washington D.C, Shintaro Shiba, cho biết: “Thế giới đang chuyển từ toàn cầu hóa sang phân mảnh và môi trường kinh doanh quốc tế không còn như trước đây. Bây giờ, chúng ta cần thêm một yếu tố khác: địa chính trị và các công ty phải tính đến những chi phí và rủi ro gần như không thể ước tính được.”
Có thể bạn quan tâm
Thêm một ngành kinh tế Mỹ "đại bại" dưới tay Trung Quốc
04:30, 24/01/2024
Cạnh tranh Mỹ - Trung định hình tầm nhìn của ASEAN
04:00, 15/01/2024
Quốc gia nào "soán ngôi" Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ?
04:00, 13/01/2024
Hé lộ cách hoá giải căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và EU
03:30, 13/01/2024
Nhờ đâu Bitcoin ETF vượt qua "tường lửa" luật pháp Mỹ?
04:30, 12/01/2024
Vấn đề sức khỏe "nóng lên" trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ
04:00, 11/01/2024