Tính bảo mật cao, giá trị lớn, ít chịu tác động và dễ "rửa tiền" là những nguyên nhân cơ bản giúp Bitcoin được công nhận tại Mỹ.
>>Tiền điện tử trước thời khắc sinh tử tại Mỹ
Ngày 10/1 vừa qua, Uỷ ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) đã phê duyệt các quy chuẩn cho phép tạo ra quỹ giao dịch Bitcoin, hay còn gọi là “Bitcoin ETF”. Theo đó, các nhà đầu tư có thể mua và bán cổ phiếu trong quỹ như là cổ phiếu thông thường.
Qũy Bitcoin ETF hoạt động như một quỹ đầu tư thông thường, được định giá theo giá trị tài sản ròng, cụ thể là giá Bitcoin trên thị trường. Đây được coi là bước thử nghiệm trước khi Bitcoin nói riêng và tiền điện tử nói chung được hợp pháp hóa trên phạm vi rộng hơn. Vì vậy, sự ra đời của Bitcoin ETF đánh dấu bước ngoặt lịch sử của tiền ảo, gần như đã được công nhận là một loại tài sản (tiền) hợp pháp tại Mỹ.
Quyết định này mở đường dẫn đến việc chuyển đổi Grayscale Bitcoin Trust, nơi nắm giữ khoảng 29 tỷ USD tiền điện tử - thành một quỹ ETF, cũng như ra mắt các quỹ cạnh tranh từ các tổ chức phát hành chính thống như iShares và Fidelity của BlackRock hay Franklin Templeton và WisdomTree.
Sở dĩ Bitcoin được ưu ái chuyển đổi vì đây là đồng tiền ảo đầu tiên trên thế giới, chứng tỏ mức độ vững vàng qua nhiều biến động. Theo ước tính sơ bộ, thị trường Bitcoin Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại Bernstein dự đoán rằng trong vòng chưa đầy 5 năm nữa, 10% nguồn cung tiền điện tử trên toàn cầu, tương đương khoảng 300 tỷ USD, sẽ được quản lý bởi các quỹ ETF.
Kết thúc năm 2023, Bitcoin tăng giá 150%, trở thành đồng tiền có khả năng sinh lời mạnh nhất trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Trong khi đó, các tài sản khác như dầu mỏ, đô la Mỹ, euro, Yên, Nhân dân tệ dường như dẫm chân tại chỗ.
Thông thường, khi một loại tài sản tăng giá phi mã, có hai nguyên nhân: một là do đầu cơ, giao dịch ảo thổi giá; hai là, nhu cầu thực tế quá lớn khi quy trình “đào” đồng tiền này rất phức tạp.
Bitcoin do ai tạo ra, ai vận hành? Vẫn là câu hỏi chưa được trả lời đầy đủ. Nhưng người ta tin tưởng tuyệt đối vào độ bảo mật không thể xâm phạm của “chuỗi khối blockchain”. Chúng không bị phá sản hay dừng hoạt động như USD, hay Euro.
Khác với các loại tiền tệ hoặc tài sản thông thường - bị gắn liền với một loại “bản vị” cụ thể, ví dụ USD Mỹ dựa vào dầu mỏ, hầu hết các loại tiền khác dựa vào dự trữ vàng hoặc USD. Mặt trái của điều này là dễ bị tác động khi kinh tế biến động. Nhưng Bitcoin không gắn với bất cứ thứ gì cả.
Khoảng 10% người giàu nhất hành tinh nắm giữ khoảng 85% tài sản toàn thế giới, trong đó 1% người siêu giàu được cho là thế lực thao túng toàn bộ. Chắc chắn tiền ảo và Bitcoin không nằm ngoài tầm kiểm soát.
Với giá trị khổng lồ chưa thể định lượng, Bitcoin chắc chắn là mảng kinh doanh quy tụ giới tài phiệt hàng đầu, riêng chính phủ Mỹ sở hữu ít nhất 200.000 Bitcoin trị giá 5,5 tỷ USD sau vài vụ truy quét tịch thu.
Trong môi trường tư bản hiện đại, lằn ranh giữa chính trị gia và nhà tư bản bị xóa nhòa, các quan hệ kinh tế và chính trị đan xen nhau. Điều này được biểu hiện ở hiện tượng “lobby chính sách”, gây quỹ hậu thuẫn ứng viên Tổng thống Mỹ cũng như ghế dân biểu liên bang, lưỡng viện.
Có thể bạn quan tâm