Đừng làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương cơ sở
Khi giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí sinh hoạt tăng khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm, nhiều ý kiến cho rằng, tăng lương cơ sở cần đi cùng với tăng mức giảm trừ gia cảnh…
>> Tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2023
Ngày 01/7 vừa qua, lương cơ sở đã chính thức tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng lương cơ sở cao nhất trong lịch sử, theo đó thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cũng được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, chưa kịp mừng vì được tăng lương, không ít người đã phải lo khi số tiền thực chất được hưởng sẽ không còn bao nhiêu, bởi, ngoài giá cả hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ biến động theo lương thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân tiếp tục là nỗi ám ảnh, nhất là khi mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên.
Đáng nói, Luật Thuế Thu nhập cá nhân ban hành vào năm 2007, áp dụng từ đầu năm 2009, lần sửa luật gần nhất cách đây 12 năm (vào cuối năm 2012). Tháng 7/2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Tuy nhiên, tới nay, sau gần 4 năm thực hiện, giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí sinh hoạt đã tăng khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm, trong khi quy định mức tối thiểu phải đóng thuế không tăng, tiền được trừ của người phụ thuộc không tăng. Từ đó, có thể thấy việc điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương.
Trước thực tế đã nêu, một số ý kiến cho rằng, khi tăng lương cơ sở cũng là yếu tố tác động đến việc phải giảm trừ gia cảnh bởi, nguyên tắc tiền lương được tính trên giá cả sức lao động và được hình thành trên cơ sở giá trị của sức lao động thông qua thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người có sức lao động. Khi tiền lương tăng lên thì đã bao hàm mức sống của người dân được tăng lên. Vì mức sống tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân cũng phải tăng lên.
>>Để việc tăng lương thực sự là niềm vui
Nhìn nhận về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, khi tăng lương cơ sở cần nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Thậm chí đề xuất, mức giảm trừ gia cảnh phải tăng được 30%, thậm chí 50% mới là hợp lý.
Đồng quan điểm với các đại biểu, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu không sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, thì chính sách tăng lương vừa qua sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, thuế thu nhập cá nhân có nhiều bất cập, mà bất cập này đã được đề cập từ vài năm nay là mức siết trừ gia cảnh quá thấp trong điều kiện nhu cầu đời sống ngày càng cao, thu nhập ngày càng tăng mà mức siết trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và người ăn theo là 4 triệu thì hoàn toàn bất cập. Nếu chúng ta không điều chỉnh việc đó mà chỉ tăng lương 30% thì điều đó khiến việc tăng lương không có ý nghĩa với người làm công ăn lương.
“Đây là vấn đề bức xúc hiện nay và Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận sự bất cập. Trong bối cảnh đó, theo tôi, nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết để sửa những điều bất cập này”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo chuyên gia kinh tế - GS.TS Hoàng Văn Cường, mặc dù thuế thu nhập nhân đã qua 3 lần điều chỉnh, và chúng ta đã nâng được mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc đang khoảng 4,4 triệu đồng/người có nhiều yếu tố để thấy mức này chưa phù hợp. Vì thu nhập bình quân đầu người cả nước hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau, chẳng hạn như thành phố với vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, trong những năm qua, chúng ta đã phải kìm chế qua thời kỳ hậu COVID-19. Rất nhiều những hoạt động về giá cả phải kìm lại không tăng lên, ví dụ y tế, giáo dục, điện… thì đến lúc này chúng ta bắt đầu phải có sự điều chỉnh để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Nếu như ở khu vực thành phố, một đứa con đi học rõ ràng với mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng thì chưa đủ trang trải cho đứa trẻ đó. Rõ ràng, mức này là không hợp lý, vì thế, rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến thời điểm phải xem, điều chỉnh lại mức thu nhập cá nhân.
Thêm vào đấy, Quốc hội vừa mới thông qua điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 30% với mong muốn thu nhập đời sống tăng lên. Như vậy, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thì đương nhiên thu nhập của nhiều người tăng lên và mức chi tiêu cũng phải tăng theo. Thế nhưng, bây giờ phần thu nhập tăng lên đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, như vậy vô hình chung việc tăng lương sẽ giảm ý nghĩa.
Xoay quanh vấn đề này, để đảm bảo ý nghĩa của chính sách tăng lương cơ sở, nhiều ý kiến cũng cho hay, cần sớm đẩy nhanh việc sửa đổi Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay vì chờ đúng lộ trình đến năm 2026, đặc biệt về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, cần được đưa ra chỉnh sửa ngay năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Tăng lương - cần tăng mức giảm trừ gia cảnh
03:30, 12/07/2024
Bất cập mức giảm trừ gia cảnh: Cần sửa ngay để đáp ứng thực tế
03:50, 03/07/2024
Giảm trừ gia cảnh lạc hậu - Cần thay đổi cách tính
00:06, 06/06/2024
Sao không sửa sớm mức giảm trừ gia cảnh?
17:06, 01/06/2024
Không sửa mức giảm trừ gia cảnh - đợi đến khi nào?
16:20, 30/05/2024