Để đảm bảo cuộc sống của người nộp thuế sát với thực tế phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách tính về mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân…
>> Sao không sửa sớm mức giảm trừ gia cảnh?
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi một người phụ thuộc là 4,4 triệu/tháng. Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho hay, mức giảm trừ như đã nêu đã quá lạc hậu, cần được xem xét sửa đổi sớm.
Đáng nói, theo kế hoạch, từ ngày 01/7 tới đây sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương và dự kiến mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khá nhiều so với hiện nay, dẫn tới thu nhập tính thuế sẽ tăng, việc đánh giá mức thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn tới bất cập, tạo “gánh nặng” cho người nộp thuế và đánh mất ý nghĩa của chính sách đã nêu.
Giải trình trước Quốc hội liên quan vấn đề giảm trừ gia cảnh nói riêng và sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết, theo luật, CPI trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật.
Theo ông Phớc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026.
“Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định làm ngay trong năm nay để thông qua sớm hơn, thì Bộ Tài chính sẽ chấp hành, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân để đưa ra các quy định phù hợp. Có nên đưa ra quy định CPI phải trên 20% hay không thì lúc đó chúng ta sẽ bàn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến bày tỏ, quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân khi lạm phát tăng trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chưa phản ánh hơi thở của cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế. Bởi, khi tính CPI có đến 725 loại hàng hóa, dịch vụ, trong khi người dân chịu tác động chính của những mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, giáo dục… vì vậy, cần sớm thay đổi cách tính hiện nay.
>>Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, thuế thu nhập cá nhân tính trên chi phí của người lao động nên chỉ liên quan đến một số mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, trong khi đó CPI tính tất cả các loại hàng hóa nên chờ tăng 20% sẽ mất rất nhiều năm.
“Còn nếu cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã cao khi dựa trên thu nhập bình quân thì cũng chưa chính xác. Ở nước ngoài, trước khi xác định thu nhập chịu thuế thì người nộp thuế được khấu trừ một số loại chi phí tối thiểu, nguyên tắc thuế thu nhập là phải được trừ đi chi phí tối thiểu trước khi tính thuế, giống như thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, thu nhập người nộp thuế tăng lên theo mức lương tối thiểu những năm qua nhưng mức giảm trừ gia cảnh thì giậm chân tại chỗ. Điều này dẫn đến tình trạng thu nhập tăng thêm thì nhiều cá nhân cũng phải đóng thuế nhiều hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, nếu chờ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thì mất đến mấy năm, do đó, có một cách nhanh nhất giải quyết cho những tồn tại hiện nay là giảm thuế thu nhập cá nhân 50% cho 6 tháng cuối năm 2024. Điều này không những hỗ trợ người nộp thuế mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Cũng theo ông Nghĩa, về lâu dài khi sửa mức giảm trừ gia cảnh cần dựa theo lương tối thiểu thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI. Bởi, mức lương tối thiểu là phù hợp khi xác định mức giảm trừ gia cảnh vì khi ban hành có tính pháp lý, dựa trên sự đồng tình của người lao động, người sử dụng lao động, được cập nhật theo tình hình thực tế cũng như thể hiện sự công bằng bởi lương được tính theo từng khu vực.
“Mức giảm trừ gia cảnh có thể bằng 4 lần lương tối thiểu. Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh có mức lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ khoảng 19 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện nay. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 40% mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế tính ra gần 8 triệu đồng/người/tháng”, vị chuyên gia này gợi ý.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cũng cho rằng, cần bỏ quy định dựa trên chỉ số CPI để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhằm tránh quy định vừa ban hành đã lạc hậu. Thay vào đó, có thể căn cứ trên lương tối thiểu cho phù hợp mà cũng đơn giản khi thực hiện, bởi, mức lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm, được chia ra 4 vùng có mức lương tương ứng. Khi lương tối thiểu tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng lên mà không cần phải chờ sửa đổi luật.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% mới điều chỉnh giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý.
Luật Thuế thu nhập cá nhân cần điều chỉnh theo hướng giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó. Đồng thời, cơ quan chức năng xem xét việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo chi phí thực tế của người nộp thuế.
Có thể bạn quan tâm
Sao không sửa sớm mức giảm trừ gia cảnh?
17:06, 01/06/2024
Không sửa mức giảm trừ gia cảnh - đợi đến khi nào?
16:20, 30/05/2024
Bộ Tài chính lý giải việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
00:30, 30/05/2024
Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?
03:50, 31/03/2024
Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật?
03:50, 21/03/2024