Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật?

Diendandoanhnghiep.vn Trong bối cảnh mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng liên tục biến động tạo không ít “gánh nặng” cho người nộp thuế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh liệu có cần thiết phải chờ đến khi sửa luật?

>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Nên tính đến yếu tố vùng miền

Theo đó, ngày 18/3 vừa qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lĩnh vực tài chính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ, mức tăng giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 01/7/2020 đến nay không còn phù hợp trong bối cảnh chỉ số lạm phát tăng hàng năm và tình hình kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp.

Vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN nhận được sự quan tâm đặc biệt suốt thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN nhận được sự quan tâm đặc biệt suốt thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, nhiều cơ quan báo chí nêu mức tính thuế TNCN không phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá tăng cao, thu nhập của gia đình, nhất là ở thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, việc tính thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

“Theo kế hoạch, năm 2025 mới bắt đầu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó Bộ Tài chính mới nêu quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp Nhân dân, cơ quan; lúc đó mới xây dựng lại yếu tố giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành quy định về sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi đó thực hiện đúng theo quy định mới của luật”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng liên tục biến động tạo không ít “gánh nặng” cho người nộp thuế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh có cần thiết phải chờ đến khi sửa luật?

>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Kích thích gia tăng tiêu dùng trong nước

Nhiều ý kiến đề xuất, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cần được thực hiện ngay thay vì chờ đến khi sửa luật - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến đề xuất, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cần được thực hiện ngay thay vì chờ đến khi sửa luật - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, tính tới thời điểm hiện tại mới trải qua 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2013 và năm 2020. Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. Trong đó, 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người” và 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế, mức giảm trừ này được duy trì từ tháng 7/2020. Trong khi kể từ sau dịch COVID-19, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% khiến chi phí sinh hoạt của người nộp thuế đội lên.

Theo các chuyên gia, trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh tăng khoảng 22% so với mức điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế TNCN của người nộp thuế, có thể thấy mức tăng giảm trừ gia cảnh này cũng không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế.

Ví dụ trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8 - 10 triệu đồng/ tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh,... với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tăng 22%, số thuế TNCN tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.

Thực tế, sự cấp thiết liên quan đến việc nâng mức giảm trừ gia cảnh không phải cho đến nay mới hiện hữu, mà đã được dư luận đề cập liên tục xuyên suốt thời gian qua. Trong đó, tại Phiên họp thứ 23 diễn ra đầu tháng 5/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế TNCN. Và mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024 vừa qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.

Vậy, chờ đến khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026) liệu có cần thiết? Trong khi “gánh nặng” chi phí không ngừng gia tăng thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, không ít chuyên gia cũng cho rằng, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là cần thiết, để đảm bảo hài hòa với những biến động trong mức sống, điều kiện sống và tiêu dùng của người nộp thuế. Về giải pháp ngắn hạn, để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cập nhật trước khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Huỳnh Thanh Điền, tiêu dùng gia tăng được xem là động lực chính để kích thích sản xuất tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển thì các khoản thuế, phí khác sẽ được nộp nhiều hơn. Nếu người lao động được nâng mức giảm trừ gia cảnh, đồng nghĩa với mức thuế phải đóng ít hơn thì sẽ có thêm tiền để chi tiêu hay thậm chí còn tích lũy cũng sẽ đưa ra đầu tư vào nền kinh tế. Do đó, cần đề xuất để Quốc hội sớm phê duyệt nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm nay để hỗ trợ người dân và nền kinh tế mà không cần chờ đến khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời đề xuất, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xem xét để có thể không đưa ra quy định cứng về mức giảm trừ gia cảnh như hiện tại, mà nên điều chỉnh 1-2 năm/lần, dựa vào các chỉ số lạm phát, chỉ số CPI và mức chi tiêu bình quân của người dân mỗi năm để có công thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho năm kế tiếp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh thuế TNCN để khuyến khích người lao động có thu nhập cao. Đặc biệt, với bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, chính sách tài khóa hướng đến người lao động là rất quan trọng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714252593 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714252593 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10