Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”?

Diendandoanhnghiep.vn Dù rất bức thiết khi “gánh nặng” của người nộp thuế ngày một gia tăng, thế nhưng, theo cơ quan thuế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh vẫn phải chờ do biến động CPI chưa đến 20%...

>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Có cần chờ đến khi sửa luật?

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong tính thuế thu nhập cá nhân để gỡ khó cho đời sống người dân. Và đây cũng là yêu cầu Quốc hội giao tại kỳ họp tháng 6/2023.

Thế nhưng, chia sẻ tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính mới đây, ông Trương Bá Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh mức GTGC căn cứ vào sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%. Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định khi CPI biến động trên 20% so với lúc luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Dù rất bức thiết, thế nhưng, việc nâng mức GTGC của người nộp thuế trong tính thuế thu nhập cá nhân vẫn phải chờ - Ảnh minh họa: ITN

Dù rất bức thiết, thế nhưng, việc nâng mức GTGC trong tính thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế vẫn phải chờ - Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Tuấn, thực tế Việt Nam đã điều chỉnh mức giảm trừ này trong các năm 2012 (từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng một tháng) và năm 2020 (từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng một tháng). Từ 2020 đến nay, qua theo dõi, CPI chưa biến động đến mức 20% nên Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến chỉ số này để có đề xuất theo quy định.

Đồng thời cho rằng, khi sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (lộ trình 2025), Bộ sẽ sửa các nội dung liên quan, trong đó, có mức thu nhập chịu thuế, tính thuế, GTGC.

Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn là tiêu chí quan trọng, song cần cân nhắc thêm những yếu tố khác để đảm bảo tính toàn diện và khách quan. Đơn cử như các yếu tố về mức tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, mức thu nhập đầu người bình quân, chi tiêu hộ gia đình, tỉ lệ lạm phát hàng năm...

>> Nâng mức giảm trừ gia cảnh – Nên tính đến yếu tố vùng miền

Theo chuyên gia, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 01/7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương - Ảnh minh họa: ITN

Theo chuyên gia, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 01/7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, theo tính toán của các chuyên gia, kể từ sau dịch COVID-19, hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng khoảng 20 - 30% khiến chi phí sinh hoạt của người nộp thuế đội lên. Trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2020), mức GTGC tăng khoảng 22% so với mức điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế, có thể thấy mức tăng giảm trừ này cũng không tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế.

Cụ thể như, trường hợp một người lao động có thu nhập trước thuế 25 triệu đồng/tháng; có một người phụ thuộc là con; mức chi tiêu trung bình 8 - 10 triệu đồng/ tháng, bao gồm các chi phí sinh hoạt cơ bản, học phí, các chi phí khác như tiền học thêm, tiền khám chữa bệnh,... với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh tăng 22%, số thuế thu nhập cá nhân tiết kiệm được chỉ khoảng 400.000 đồng/tháng, chỉ chiếm tỷ trọng gần 5% so với tổng mức chi tiêu cho người phụ thuộc, chưa đủ để tạo nên thay đổi rõ nét trong quyết định chi tiêu.

Chưa kể, từ ngày 01/7 tới đây, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa thu nhập tính thuế cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.

Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%, nếu vẫn giữ nguyên những bất cập của luật hiện hành thì “gánh nặng” của người nộp thuế sẽ chỉ ngày một gia tăng.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang bày tỏ, người lao động nghe lương tăng chưa kịp mừng thì đã phải đóng thuế tăng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tăng 10 đồng, đóng thuế đến mấy đồng thì còn gì mà vui? Đó là chưa kể, tiền lương tăng lên, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, dẫn đến phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng gia tăng qua các năm.

Theo ông Xoa, quy định mức GTGC hiện nay đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì thật sự quá lâu. Việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan bộ ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.

“Ngay từ đầu năm, trong Nghị quyết sau phiên họp thường kỳ tháng 1, Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Nếu lấn cấn về quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân là CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này. Bởi chỉ số CPI tính tổng thể trên 752 mặt hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động chỉ chịu tác động biến động giá ở vài chục mặt hàng hóa, dịch vụ, biến động mạnh hơn chỉ số CPI”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng thời đề xuất, có thể điều chỉnh tăng GTGC lên 15 - 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế, còn người phụ thuộc chiếm 40%, tương ứng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức này được duy trì cho đến thời điểm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cùng với đó, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 01/7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với biểu thuế lũy tiến từng phần của sắc thuế thu nhập cá nhân thì “thuyền lên, nước lên”, thu nhập càng tăng thì số thuế phải đóng cũng lên theo. Mức GTGC không thay đổi thì việc tăng lương cũng không như kỳ vọng, vì thế, không nên trì hoãn đến năm 2025 mới đưa ra sửa đổi quy định này cùng với Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nâng mức giảm trừ gia cảnh - Cấp bách vẫn phải... “chờ”? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714433315 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714433315 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10