Để có thể giúp người nộp thuế giảm gánh nặng về tài chính, góp ý sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, không ít ý kiến cho rằng, cần khơi “điểm nghẽn” về giảm trừ gia cảnh.
Theo đó, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhiều Luật Thuế thu nhập cá nhân đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường kiểm soát, phân phối lại thu nhập của các tầng lớp dân cư, từng bước quản lý thu nhập của các cá nhân, đồng thời đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, hội nhập và do sự biến động nhanh của nền kinh tế, nhiều quy định của Luật hiện hành được cho đã không còn phù hợp với thực tiễn cần được sửa đổi. Và một trong những bất cập bức thiết nhận được sự quan tâm đặc biệt khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là mức giảm trừ gia cảnh.
Thực tế, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, còn mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này được áp dụng từ năm 2020 và vẫn duy trì đến nay.
Trong khi, số liệu từ Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đáng kể, đặc biệt trong các nhóm hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, y tế, giáo dục và nhà ở. Trong đó, giá lương thực, thực phẩm - nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của hộ gia đình - liên tục tăng ở mức hai con số mỗi năm. Chi phí dịch vụ y tế và giáo dục cũng có xu hướng leo thang, trong khi giá nhà ở, điện, nước, xăng dầu đều thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình và thấp.
Chưa kể, với mức 4,4 triệu đồng/tháng, con số này khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và giáo dục của con cái hay chi phí chăm sóc cha mẹ già yếu, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nơi chi phí sinh hoạt cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác.
Và trước thực tế đã nêu, để có thể giúp người nộp thuế giảm gánh nặng về tài chính, không ít ý kiến cho rằng, cần khơi “điểm nghẽn” về giảm trừ gia cảnh.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ sở tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
“Nên quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần lương tối thiểu vùng (vùng 1 có lương tối thiểu là 4,969 triệu đồng nên mức giảm trừ gia cảnh sẽ gần 20 triệu đồng/tháng; vùng 2 có lương tối thiểu là 4,41 triệu đồng thì mức giảm trừ gia cảnh sẽ khoảng 17,6 triệu đồng/tháng…). Lương tối thiểu vùng hàng năm do Chính phủ quy định sau khi đã lắng nghe ý kiến từ đại diện của người lao động và người sử dụng lao động nên khá phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội chung, có tính đến yếu tố vùng, miền khác nhau”, vị chuyên gia này góp ý.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cần bổ sung trong Luật các điều kiện như không cần xin ý kiến từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà căn cứ vào biến động, tiền lương để chủ động điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Vị chuyên gia này cho rằng, cách điều chỉnh có thể căn cứ vào tỷ lệ trượt giá hoặc mức thu nhập bình quân để đảm bảo sự kịp thời và hợp lý. Ngoài ra, cần làm rõ các khoản thu nhập chịu thuế và không chịu thuế nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, đồng thời ngăn chặn tình trạng né thuế hoặc sự thiếu minh bạch trong kê khai thu nhập cá nhân.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, không đi vào đề xuất chi tiết về mức giảm trừ và phương pháp xác định mức giảm trừ, song theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh, nếu luật thuế quy định quá cứng nhắc về mức thuế suất thì sẽ gặp khó khăn khi cần điều chỉnh để thích ứng với thực tế.
Do đó, vị chuyên gia này đề xuất, chỉ quy định khung thuế suất trong Luật rồi giao Chính phủ quyền điều chỉnh trong phạm vi đó, có thể giúp chính sách thuế linh hoạt hơn, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế khi cần thiết.
“Tóm lại, chúng ta cần cân bằng giữa sự linh hoạt và tính ổn định của chính sách thuế. Một cơ chế cho phép Chính phủ điều chỉnh trong giới hạn nhất định, nhưng vẫn có sự giám sát của Quốc hội, sẽ là giải pháp hợp lý để thích ứng với bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Được biết, tiếp thu ý kiến góp ý thời gian qua, trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với các điều kiện mới, để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế. Ngoài ra, cũng sẽ rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế.