Nghiên cứu - Trao đổi

Giảm trừ gia cảnh: Cần một quyết sách hợp lý, công bằng

Nguyễn Giang 22/07/2025 04:00

CPI vượt 21%, hiện đã đủ điều kiện nâng giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Nhưng nếu chỉ điều chỉnh kỹ thuật, liệu có giải được bài toán công bằng thuế?

Vấn đề cấp bách

Theo đề xuất chính thức của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ được điều chỉnh theo hai phương án – một dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và một theo tăng trưởng thu nhập bình quân/GDP. Dù cách tiếp cận khác nhau, cả hai đều nhằm mục tiêu duy nhất: cập nhật chính sách thuế cho phù hợp với thực tế giá cả đã và đang vượt xa ngưỡng bảo vệ người nộp thuế.

giam-tru-gia-canh-can-mot-quyet-sach-hop-ly-cong-bang-1.jpg
Luật sư kiến nghị nên xem việc điều chỉnh lần này là bước khởi đầu cho cải cách toàn diện Luật Thuế TNCN trong nhiệm kỳ tới (2026–2030). Ảnh minh hoạ

Phương án thứ nhất – thận trọng hơn, điều chỉnh mức giảm trừ cá nhân từ 11 triệu lên 13,3 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 4,4 triệu lên 5,3 triệu. Phương án thứ hai mạnh tay hơn, đẩy hai mức này lên lần lượt 15,5 triệu và 6,2 triệu đồng/tháng. Cả hai phương án đều căn cứ vào quy định tại Luật Thuế TNCN, theo đó, khi CPI tích lũy tăng quá 20%, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng giảm trừ.

Cần nhấn mạnh rằng CPI từ năm 2020 đến giữa 2025 đã tăng khoảng 21,24% – tức vượt ngưỡng luật định. Do đó, việc điều chỉnh lần này không phải là một “ưu đãi chính sách” mà là nghĩa vụ mang tính bắt buộc.

Tuy nhiên, điểm đáng bàn là lộ trình áp dụng lại được đề xuất từ kỳ tính thuế năm 2026. Điều này đồng nghĩa, người lao động sẽ phải tiếp tục chịu thiệt thêm một năm nữa trong khi gánh nặng vật giá và chi tiêu thiết yếu không ngừng tăng lên. Giữa lúc giá điện, học phí, bảo hiểm y tế, các loại dịch vụ thiết yếu… đều rục rịch tăng giá, sự chậm trễ này là điều khó có thể chấp nhận nếu thực sự mong muốn “khoan thư sức dân”.

Cũng không thể bỏ qua tác động ngân sách. Theo ước tính, nếu phương án CPI được chọn, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 12.000 tỉ đồng/năm; còn nếu chọn phương án mạnh tay hơn, con số có thể vượt 21.000 tỉ. Nhưng ở chiều ngược lại, việc nâng giảm trừ lại giúp kích thích tiêu dùng nội địa, thứ đang bị nén chặt bởi áp lực thu nhập thực giảm kéo dài suốt nhiều năm. Trong bối cảnh đó, giảm thuế thu nhập cá nhân cũng có thể trở thành “liều thuốc gián tiếp” cho tăng trưởng.

Một lỗ hổng pháp lý kéo dài

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts khẳng định, việc CPI vượt ngưỡng 20% là căn cứ pháp lý không thể trì hoãn. “Nếu không điều chỉnh, cơ quan nhà nước có thể bị cho là vi phạm luật định và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế”, luật sư Nhung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Nhung, vấn đề không chỉ nằm ở việc điều chỉnh đúng luật, mà nằm ở chỗ liệu hệ thống pháp luật hiện hành có còn công bằng hay không. “Một mức giảm trừ được áp dụng đồng đều cho toàn quốc, trong khi chi phí sinh hoạt giữa các địa phương khác nhau hàng chục phần trăm. Đó là một bất công rõ ràng. Người dân sống ở Hà Nội, TPHCM hay các đô thị lớn đang bị thiệt đơn thiệt kép vì mô hình “cào bằng”. Lẽ ra, Luật Thuế TNCN phải đi trước xu hướng bằng cách thiết kế lại mức giảm trừ theo vùng – giống như cách chúng ta áp dụng lương tối thiểu vùng hiện nay”, luật sư Nhung chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cũng cho rằng: “Cấu trúc biểu thuế lũy tiến hiện đang tạo ra cảm giác “phạt người lao động chăm chỉ”. Trong khi đó, hàng triệu cá nhân có thu nhập từ hoạt động tự doanh, kinh tế số, đầu tư tài chính… lại gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát. Càng nâng mức giảm trừ mà không cải tổ toàn bộ luật thuế, chúng ta càng củng cố một hệ thống kém công bằng”.

Luật sư Biên kiến nghị nên xem việc điều chỉnh lần này là bước khởi đầu cho cải cách toàn diện Luật Thuế TNCN trong nhiệm kỳ tới (2026–2030). “Ngoài mức giảm trừ, cần cải tiến hệ thống bậc thuế, xác định lại đối tượng chịu thuế, bổ sung các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ (như giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm)… Có như vậy, thuế mới phản ánh đúng năng lực chi trả của người dân, đồng thời đảm bảo nguồn thu bền vững và chính danh cho Nhà nước”, luật sư Nguyễn Đức Biên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm trừ gia cảnh: Cần một quyết sách hợp lý, công bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO