Nghiên cứu - Trao đổi

Giảm trừ gia cảnh theo vùng: Một đề xuất cần được xem xét

Gia Linh 04/07/2025 04:15

Mức giảm trừ gia cảnh cứng nhắc đang tạo ra bất công vô hình giữa các vùng. Đã đến lúc cần tư duy linh hoạt, công bằng và sát với thực tế đời sống…

Từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn giữ nguyên ở mức 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.

Đây là mức được điều chỉnh sau một thời gian dài “đóng băng”, nhưng đến thời điểm hiện tại, một lần nữa trở nên lạc hậu.

giam-tru-gia-canh-theo-vung-mot-de-xuat-can-duoc-xem-xet-1.png
Mức giảm trừ gia cảnh cứng nhắc đang tạo ra bất công vô hình giữa các vùng. Đã đến lúc cần tư duy linh hoạt, công bằng và sát với thực tế đời sống. Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, mức GTGC này không còn phản ánh đúng chi phí sinh hoạt thực tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2020–2024 đã tăng gần 20%, trong khi Luật Thuế TNCN hiện hành chỉ cho phép điều chỉnh khi CPI vượt quá ngưỡng này. Điều đó khiến chính sách rơi vào thế bị động, gây thiệt thòi rõ rệt cho người nộp thuế.

Không những vậy, GTGC đang được áp dụng thống nhất trên cả nước, bất kể sự chênh lệch rõ rệt về mức sống và chi phí sinh hoạt giữa các vùng miền. Một người lao động có thu nhập 20 triệu đồng/tháng tại Hà Nội hay TP.HCM phải đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn rất nhiều so với người cùng mức thu nhập tại các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, mức giảm trừ và biểu thuế vẫn như nhau, tạo nên bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đề xuất thay đổi tư duy chính sách: cần tính đến mức sống thực tế theo từng vùng, thay vì một con số cứng áp cho toàn quốc. Việc căn cứ vào lương tối thiểu vùng hoặc chi phí sinh hoạt để xác định mức GTGC được xem là hướng tiếp cận tiến bộ, công bằng hơn, đồng thời giúp chính sách thuế thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế – xã hội.

Cần xây cơ chế điều chỉnh linh hoạt

Chia sẻ trên tờ Thanh Niên, TS Nguyễn Ngọc Tú (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: mức GTGC hiện tại là quá thấp so với thực tế. Ông cho rằng cần xây dựng chính sách theo hướng linh hoạt, sát với điều kiện từng vùng.

“Ví dụ, vùng 1 có lương tối thiểu là 4,68 triệu đồng/tháng thì mức giảm trừ nên tương đương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Những vùng khác có mức sống thấp hơn thì mức giảm trừ tương ứng. Như vậy mới hợp lý và công bằng”, ông phân tích.

Ngoài ra, TS Tú cũng đề nghị sửa đổi Luật để trao quyền cho Chính phủ được chủ động điều chỉnh GTGC theo diễn biến kinh tế – xã hội, thay vì buộc phải chờ CPI vượt 20% như hiện nay. Theo ông, điều này không chỉ giúp chính sách bắt kịp thực tế mà còn thể hiện tinh thần cải cách thể chế một cách chủ động, minh bạch.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, bản chất của GTGC là bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người nộp thuế. Khi chi phí sinh hoạt gia tăng nhưng mức giảm trừ không được điều chỉnh kịp thời, chính sách thuế sẽ mất đi sự công bằng, thậm chí tạo ra cảm giác bị tận thu.

Theo bà Nhung, nên sửa Luật Thuế TNCN theo hướng xây dựng một khung chính sách linh hoạt, trong đó Quốc hội quy định nguyên tắc và trần khung, còn mức cụ thể được giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính xác lập theo tình hình thực tế, có giám sát. “Không nên tiếp tục áp dụng một mức GTGC cứng, không phân biệt vùng miền, khi chi phí sống giữa các địa phương đang ngày càng chênh lệch rõ rệt,” bà nhấn mạnh.

Luật sư Nhung cũng cảnh báo: nếu chính sách không kịp điều chỉnh, người lao động có thể giảm động lực làm việc, hoặc tìm cách lách thuế, làm suy yếu niềm tin vào công cụ điều tiết của Nhà nước. Một chính sách thuế hợp lý không chỉ đảm bảo ngân sách, mà còn góp phần giữ ổn định xã hội, khích lệ người dân lao động và cống hiến chính đáng.

Chính sách thuế không thể “cào bằng” trong một xã hội có mức sống phân tầng sâu sắc theo vùng miền. Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo vùng là một hướng đi hợp lý, không chỉ bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, mà còn tạo điều kiện để pháp luật tiến gần hơn với đời sống thực tế.

Khi thể chế linh hoạt, chính sách sẽ công bằng hơn, và niềm tin xã hội sẽ được củng cố bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm trừ gia cảnh theo vùng: Một đề xuất cần được xem xét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO