Nghiên cứu - Trao đổi

Vẫn “nóng” chuyện về mức giảm trừ gia cảnh

Khôi Nguyên 23/12/2024 11:30

Chuyện thuế thu nhập cá nhân lỗi thời là vấn đề "nóng" trong mấy năm gần đây, Quốc hội đã có nhiều phiên thảo luận nhưng luật vẫn chưa được sửa cho phù hợp…

van-nong-chuyen-ve-muc-giam-tru-gia-canh-1.png
Câu chuyện thuế thu nhập cá nhân lỗi thời luôn là vấn đề "nóng" trong mấy năm gần đây. Ảnh minh hoạ

Mới đây, cử tri 4 tỉnh, thành phố lớn là TP Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Long, Trà Vinh tiếp tục gửi kiến nghị đến Quốc hội về việc sửa quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, cử tri Hà Nội phản ánh, hiện nay giá cả, chi phí sinh hoạt của người dân đều tăng, quy định cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công, trên 11 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp.

“Mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân của cán bộ công chức, người lao động. Cử tri đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân phù hợp thực tế đời sống hiện nay sau khi Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng”, Cử tri tỉnh Vĩnh Long phản ánh, kiến nghị.

Tương tự, cử tri tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, với tình hình kinh tế hiện nay, lương tăng thì giá cả tăng, thu nhập của người lao động chưa đảm bảo cuộc sống. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng mức quy định đóng thuế thu nhập cá nhân từ 11 triệu đồng lên 15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Câu trả lời của Bộ Tài chính không nhận được sự đồng tình của người nộp thuế, cử tri cũng như các chuyên gia kinh tế.

Có thể thấy, câu chuyện thuế thu nhập cá nhân lỗi thời luôn là vấn đề "nóng" trong mấy năm gần đây, Quốc hội cũng đã có nhiều phiên thảo luận nhưng luật vẫn chưa được sửa đổi cho phù hợp. Câu hỏi được đưa ra là mức điều chỉnh thế nào là phù hợp?

Chia sẻ với báo chí về nội dung này, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, điểm cần thay đổi lớn nhất là căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người làm công ăn lương. Thay vì dựa trên chỉ số CPI biến động 20% mới thay đổi thì cần căn cứ 4 lần lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, lương tối thiểu vùng 1 như Hà Nội, TPHCM… hiện nay là 4,96 triệu đồng/tháng. Như vậy mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tại đây là khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Lương tối thiểu vùng mỗi năm đều điều chỉnh, nếu mức này tăng lên thì mức giảm trừ gia cảnh tự động tăng theo mà không phải xin điều chỉnh”, ông Tú nói.

Đồng quan điểm, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đặt vấn đề mức giảm trừ gia cảnh chưa đến 5 triệu đồng/người thì liệu có đủ sống hay chưa. PGS, TS Đinh Trọng Thịnh lập luận cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay gấp 2,2 lần thu nhập bình quân đầu người, cao hơn các nước khác (chỉ 0,5-1 lần) là chưa chính xác. Về nội dung này, vị chuyên gia cho rằng, cần nói rõ thu nhập bình quân đầu người ở nước ngoài đến vài chục ngàn USD mỗi tháng nên sự so sánh này là khập khiễng.

"Thử hỏi những người đang sống tại Hà Nội, TPHCM có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng có bóp bụng mà sống hay không?", ông Thịnh nói và cho rằng mức giảm trừ gia cảnh của người làm công ăn lương ở Hà Nội, TPHCM cần phải từ 16 - 18 triệu đồng/tháng bởi mức giảm trừ gia cảnh phải dựa trên mức sống thực tế của người dân. Ngoài ra, lạm phát mỗi năm tăng 4%, năm sau tăng 4% trên nền tảng cao hơn thì đã khác năm trước. “Do đó việc tính toán căn cứ theo biến động CPI để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là chưa hợp lý”, ông Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vẫn “nóng” chuyện về mức giảm trừ gia cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO