Những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân đã tồn tại trong một thời gian dài, tạo gánh nặng cho người nộp thuế, vậy, cần thay đổi như thế nào để phù hợp với thực tế?
Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026 sẽ sửa đổi, bổ sung 31/35 Điều. Một trong những nội dung quan trọng được người nộp thuế quan tâm đó là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc, cũng như điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Thực tế cho thấy, nhiều bất cập về thuế thu nhập cá nhân đã tạo gánh nặng cho người nộp thuế, đặc biệt là quy định liên quan đến giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân, việc sửa đổi Luật lần này đem đến nhiều kỳ vọng và được mong đợi.
Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đã liên tục đưa ra các biện pháp cải cách về chính sách thuế thu nhập cá nhân để phù hợp thực tế.
Với Việt Nam, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành cũng cần phải được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước những năm tới đây cũng như xu thế cải cách chính sách thuế thu nhập cá nhân trên thế giới hiện nay. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả vai trò của sắc thuế này trong tổng thể hệ thống chính sách thuế của nhà nước; thực hiện động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước để cùng với các nguồn lực khác đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, nhất là chi cho công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
Vậy, cần thay đổi những gì để đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay?
Tại Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để chính sách linh hoạt, phù hợp thực tế và tạo đồng thuận từ người dân.
Nhìn nhận về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân một cách toàn diện. Cụ thể, cần điều chỉnh các phương pháp tính thuế phù hợp với bản chất của thu nhập, có thu nhập thì mới phải nộp thuế, thu nhập càng cao thì nộp thuế càng lớn.
Bên cạnh đó, gia tăng các công cụ để kiểm soát đúng, đầy đủ thu nhập của người nộp thuế trên tất cả các loại thu nhập từ tiền lương, tiền công đến thu nhập từ kinh doanh và các khoản thu nhập khác như chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, chuyển nhượng vốn…
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần sớm điều chỉnh phương pháp và cơ sở xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp theo hướng tiếp cận với mức sống của thành phố và đô thị tạo sự hưởng lợi cho miền núi, nông thôn theo kịp thành phố. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa quy định về tương quan giữa CPI và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp hơn để đảm bảo độ nhạy của chính sách nhanh hơn, sát thực với thực tiễn hơn, từ đó được sự đồng thuận của người dân hơn.
Đồng thời, xây dựng chính sách và quản lý thuế thu nhập cá nhân hiện đại trên cơ sở áp dụng khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp cho cơ quan thuế mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính tự giác tuân thủ pháp luật từ đó tiết kiệm chi phí xã hội.
Bên cạnh các vấn đề đã nêu, liên quan đến đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến cũng cho hay, thuế thu nhập cá nhân cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh… đơn cử như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi 5-10% thì Chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
Đặc biệt, để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa những người nộp thuế và lợi ích hài hòa giữa các bên, vị chuyên gia này đề xuất, Luật cần xây dựng một mức giới hạn được trừ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thực tiễn. Ví dụ mức học phí, viện phí được trừ có thể bằng mức học phí trường công, viện công hoặc không vượt quá số lần theo mức học phí, viện phí công để đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các bên.