Cuối năm, người lao động mong chờ các khoản thưởng Tết. Bên cạnh niềm vui tăng thu nhập, người lao động cũng lo lắng vì khoản thưởng này thường được tính vào thuế TNCN.
Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Hoài Vân (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một minh họa thực tế về những khó khăn mà người lao động thu nhập trung bình gặp phải trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn Hà Nội ngày càng tăng cao.
Theo tính toán của chị Vân, hiện gia đình chị đang phải thuê nhà với chi phí 10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản chi lớn nhất trong ngân sách gia đình, chiếm tỷ trọng đáng kể, đặc biệt khi giá thuê nhà tại Hà Nội có xu hướng gia tăng, nhất là ở khu vực trung tâm như quận Cầu Giấy.
Chi phí học tập cho 2 con gồm: Học phí trường công 1,7 triệu đồng/con/tháng x 2 = 3,4 triệu đồng. Học tiếng Anh: 2 triệu đồng/con/tháng x 2 = 4 triệu đồng. Tiền sữa: 600.000 đồng/con/tháng x 2 = 1,2 triệu đồng. Tiền thuốc cho một con: 600.000 đồng/tháng. Tổng chi phí giáo dục và sức khỏe cho 2 con là 9,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn tiền ăn uống, sinh hoạt, học kỹ năng, giải trí ước tính cũng chiếm từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đặc biệt khi gia đình có 4 thành viên.
Tổng chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình rơi vào khoảng 30 - 35 triệu đồng, gia đình chị cần thu nhập ở mức tối thiểu này mới có thể duy trì cuộc sống ở Hà Nội.
Trường hợp gia đình chị Nguyễn Hoài Vân không chỉ là câu chuyện của một hộ gia đình mà còn phản ánh tình trạng chung của nhiều lao động tại đô thị lớn như Hà Nội. Theo chị Vân, chính sách thuế TNCN hiện tại rất bất hợp lý, bởi dù chị và chồng đã khai báo giảm trừ gia cảnh cho hai con và cha mẹ già, mỗi người vẫn phải đóng tới 5 triệu đồng tiền thuế TNCN/tháng. Con số này vượt xa mức hỗ trợ cho một người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, sữa, và đồ uống đều tăng giá từ 20% - 50%, mà mức giảm trừ gia cảnh thì giữ nguyên từ năm 2020.
Trường hợp của gia đình của chị Vân đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách chính sách thuế TNCN để đảm bảo phù hợp với thực tế cuộc sống. Trong bối cảnh hậu đại dịch với giá cả tăng cao, việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh đang làm gia tăng gánh nặng cho người lao động, khiến họ khó duy trì mức sống tối thiểu. Cải cách thuế hợp lý với thực tế cuộc sống không chỉ mang lại công bằng mà còn thúc đẩy sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thu thuế TNCN năm 2023 trên 155.000 tỷ đồng, trong đó, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công chiếm khoảng 70%, tương đương 108.228 tỷ đồng. Mặc dù có giảm so với mức 166.733 tỷ đồng của năm 2022 nhưng tổng số thu thuế TNCN của năm 2023 vẫn ở mức cao.
Mức thu của năm 2023 tăng gấp 3,3 lần nếu so với số thu năm 2013 (46.458 tỷ đồng), thời điểm mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, số thu thuế TNCN trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 98,7% dự toán năm. Số thu từ sắc thuế này đã đóng góp cho thu nội địa 167.302 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng thu nội địa.
Nguồn thu ổn định từ tiền lương và tiền công thể hiện sự phát triển của thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế, đồng thời phản ánh cơ cấu dân số lao động đang chịu thuế ngày càng lớn. Việc tăng thu nhập dẫn đến nghĩa vụ thuế tăng. Tuy nhiên, với biểu thuế lũy tiến, người lao động có thể cảm nhận áp lực thuế lớn hơn khi thu nhập vượt ngưỡng.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nguồn thu từ người làm công ăn lương vào ngân sách vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian qua. Nhưng nghịch lý là số thu tăng lên nhưng nhiều người nộp thuế vẫn đang khó khăn. Điều đó cho thấy luật thuế TNCN đã xuất hiện nhiều bất cập và được phân tích nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa có sự thay đổi.
Điều này khiến người lao động dù có tăng lương nhưng mức tăng thường không đủ bù đắp chi phí sống và nghĩa vụ thuế. Thu nhập tăng kéo theo mức thuế suất cao hơn, khiến phần lương thực nhận không cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, cảm giác bất công và áp lực thuế cao có thể làm giảm niềm tin vào hệ thống thuế, đồng thời ảnh hưởng đến động lực làm việc.
Đặc biệt, việc việc chờ CPI tăng trên 20% để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là không hợp lý. CPI mỗi năm tăng 4% nhưng là tăng lũy kế, dẫn đến tác động kép qua từng năm. Ví dụ, CPI tăng 4% năm trước làm chi phí cơ bản tăng lên, và mức tăng 4% năm sau lại tính trên nền tảng chi phí đã tăng trước đó. Do đó, nếu cộng dồn các năm thì mức sống thực tế của người dân bị ảnh hưởng nhiều hơn mức CPI thể hiện. Cách chờ CPI vượt ngưỡng 20% mới điều chỉnh khiến người nộp thuế phải chịu gánh nặng lâu dài trước khi có sự thay đổi.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thay vì chờ CPI cộng dồn trên 20%, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh định kỳ (ví dụ mỗi 1-2 năm) dựa trên tỷ lệ tăng CPI, đảm bảo phản ánh đúng biến động chi phí sinh hoạt thực tế. Hiện tại, mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Mức này nên tăng lên khoảng 15-20 triệu đồng cho bản thân và 6-8 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc để phù hợp hơn với chi phí sống hiện nay.
Thực tế, những bất hợp lý trong việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã tồn tại từ lâu và cần được thay đổi kịp thời. Việc tiếp tục viện dẫn các quy định lỗi thời như CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh hoặc so sánh không tương xứng với thu nhập bình quân quốc tế sẽ chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho người nộp thuế.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Dương lịch, hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Khi ấy, thưởng Tết sẽ là một khoản thu nhập đáng mong đợi của nhiều người làm công ăn lương trong dịp cuối năm. Đây là khoản tiền giúp người lao động có thêm nguồn lực để mua sắm, chi tiêu cho gia đình, chuẩn bị đón Tết.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, thuế TNCN lại là một nỗi lo không nhỏ khi thưởng Tết đến gần, bởi theo quy định hiện hành, thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết sẽ được tính theo thu nhập tháng và áp dụng thuế lũy tiến. Nghĩa là, nếu mức thưởng quá cao, người lao động có thể phải đóng một khoản thuế rất lớn, đôi khi lên đến 30% cho các khoản thu nhập vượt mức chịu thuế. Đặc biệt, nếu số tiền thưởng vào dịp Tết lớn, nó có thể đẩy người lao động lên mức thuế cao hơn, mặc dù phần lớn thu nhập này chỉ mang tính chất tạm thời trong năm.
Ví dụ, nếu một người có thu nhập 12 triệu đồng/tháng và nhận thưởng Tết là 20 triệu đồng, thì tổng thu nhập trong tháng đó có thể lên tới 32 triệu đồng. Điều này có thể khiến họ bị tính thuế ở bậc cao hơn, dẫn đến khoản thuế phải đóng có thể lên tới 3-4 triệu đồng, trong khi tiền thưởng chỉ là 20 triệu đồng.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Luật Thuế TNCN cần được cải cách toàn diện để phù hợp hơn với mức sống thực tế và tạo sự công bằng cho người nộp thuế. Việc chậm thay đổi sẽ không chỉ gây bất mãn cho người lao động mà còn ảnh hưởng đến động lực lao động và sự bền vững của hệ thống thuế.