Cách ứng xử khéo léo trong việc thưởng Tết có thể trở thành sợi dây gắn kết bền vững giữa người lao động và doanh nghiệp.
Bộ phận tuyển dụng của công ty tôi phải lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa của Tây Bắc như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng… để liên hệ tuyển lao động phổ thông cho hàng chục dây chuyền sản xuất đang gấp rút hoàn thành đơn hàng cho khách hàng là nhiều hãng xe hơi nổi tiếng thế giới. Họ phải liên hệ với chính quyền địa phương, tổ chức hội thảo, phát tờ rơi quảng bá hình ảnh và chế độ phúc lợi của công ty. Thậm chí, đến tận chợ phiên của bà con để đọc loa, phát quà, rồi giới thiệu về công ty cùng chế độ lương thưởng, đãi ngộ, phúc lợi và điều kiện làm việc.
Trong nhiều câu hỏi về chế độ đãi ngộ, có rất nhiều câu liên quan đến thưởng Tết, chứng tỏ đây là một phần quan trọng được người lao động quan tâm. Chi phí cho việc đi tuyển dụng không hề nhỏ. Ngoài phần lương phụ trội và chế độ công tác cho người đi tuyển dụng, còn có chi phí xe cộ, ăn nghỉ, in treo băng rôn, tờ rơi và đăng quảng cáo trên truyền thông. Tuy nhiên, hiệu quả tuyển dụng vẫn khá thấp vì người lao động có nhiều lựa chọn về địa điểm và điều kiện làm việc, như đến Hà Nội hay Bắc Ninh thay vì Hải Phòng, nơi chi phí sinh hoạt cao hơn và khoảng cách cũng xa hơn.
Hiện tại, ở các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp như Hải Phòng, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông rất phổ biến, đặc biệt tại các doanh nghiệp lắp ráp, may mặc, da giày,… vốn sử dụng nhiều lao động. Việc tuyển dụng trở nên hết sức khó khăn, kèm theo đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thu hút lao động. Tuy nhiên, sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra ở phúc lợi và điều kiện làm việc, vì mức lương cho lao động phổ thông thường không có sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp. Trong đó, tiền thưởng Tết là một yếu tố cạnh tranh đáng kể.
Cơ bản, lao động phổ thông chỉ nhận được mức lương cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu theo vùng mà nhà nước quy định. Người lao động phải tăng ca, làm thêm ngày nghỉ và ngày lễ mới có thể tích lũy thêm thu nhập. Với mức lương cố định, họ chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nếu phát sinh chi phí lớn do ốm đau, tai nạn, hoặc cần khoản tiền lớn để trang trải, số tiền tiết kiệm sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Vì vậy, khoản tiền thưởng Tết vào dịp cuối năm chính là khoản thu nhập mà họ trông đợi nhất, vừa để chi tiêu dịp Tết, vừa để tiết kiệm.
Đối với các doanh nghiệp FDI, quỹ lương luôn có khoản dành cho thưởng Tết, được ấn định ngay từ đầu năm và không liên quan nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh. Điều này đôi khi khiến người lao động thiệt thòi khi doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, như lượng đơn hàng dồi dào hoặc lợi nhuận tăng nhờ chênh lệch tỷ giá USD/VND. Trong trường hợp này, tổ chức công đoàn cần tham gia, đề xuất để ban giám đốc tăng thêm chi phí cho thưởng Tết theo phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Năm nào công việc khó khăn, phần thưởng Tết có thể thay đổi, nhưng phần cố định vẫn cần được giữ nguyên để đảm bảo giữ chân người lao động. Yếu tố con người luôn là tài sản lớn nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Thời gian tới, khi dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam, sự cạnh tranh trên thị trường lao động, cả chất lượng cao lẫn lao động phổ thông, sẽ càng khốc liệt. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp rõ ràng, cụ thể, với chính sách đãi ngộ và thưởng Tết linh hoạt. Ngoài việc coi thưởng Tết là một phần “cứng” trong dự toán ngân sách, doanh nghiệp cũng cần xây dựng văn hóa thưởng Tết “mềm” để khuyến khích sự gắn bó của người lao động.
Nhiều lao động cố làm đến hết năm để lĩnh thưởng Tết xong rồi nghỉ việc. Vì vậy, doanh nghiệp không nên dồn hết tiền thưởng vào dịp Tết mà nên chia nhỏ, kết hợp với các khoản tiền mừng tuổi sau Tết để cân đối lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Như ông bà ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”. Ở Việt Nam, nơi văn hóa tình nghĩa được coi trọng, cách ứng xử khéo léo trong việc thưởng Tết có thể trở thành sợi dây gắn kết bền vững giữa người lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt, khi người lao động cảm nhận được sự tôn trọng và quan tâm từ doanh nghiệp, họ sẽ sẵn sàng gắn bó lâu dài.